Lổi
  • Error loading feed data

Tin Techmart

Tin tức Đắk Nông

CHỢ CÔNG NGHỆ VÀ THIẾT BỊ - CƠ HỘI ĐỂ LIÊN KẾT CÙNG HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

15/11/2013. Techmart lần này tổ chức đồng thời với Hội nghị giao ban vùng, trong khuôn khổ phân chia của Bộ KH&CN, gồm 12 tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng và Đắk Nông. Đây là sự kiện KH&CN quan trọng chung của vùng nhằm góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển thị trường KH&CN, thúc đẩy phát triển KH&CN gắn liền với sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. 

Techmart - Nhịp cầu nối khoa học và đời sống

Techmart là hình thức quan trọng để thực hiện mục tiêu Chính phủ đề ra là: Xây dựng và hoàn thiện các thể chế cơ bản của thị trường công nghệ, môi trường cạnh tranh lành mạnh; thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, góp phần phát triển kinh tế nhanh và bền vững; tăng nhanh số lượng và chất lượng các giao dịch mua bán công nghệ; phấn đấu mức tăng trưởng giá trị giao dịch mua bán công nghệ hàng năm đạt bình quân 10%. Đó là mục tiêu tạo “nhịp cầu nối” để đưa khoa học vào cuộc sống.

Năm 2003, Techmart VietNam lần đầu tiên được tổ chức với quy mô quốc gia. Sự kiện này được xem như một cú hích quan trọng đối với sự phát triển KH&CN. Từ đó đến nay, rất nhiều chợ Công nghệ và Thiết bị được tổ chức hàng năm và nhanh chóng trở thành nơi gặp gỡ của các nhà quản lý, nhà khoa học và các nhà sản xuất, kinh doanh. Nếu như Techmart năm 2003, các đơn vị nước ngoài đến với Chợ chỉ đếm “trên đầu ngón tay”, thì Techmart 2005 đã thu hút được 40 đơn vị nước ngoài và khách mời quốc tế, như: Hiệp hội doanh nghiệp Nga, Mỹ, Đức, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan… tham gia. Đặc biệt, là từ sau năm 2006, hàng loạt các TechMart được tổ chức thành công ở Hòa Bình, Khánh Hòa, An Giang, Buôn Ma Thuột, Hà Nam, Quảng Ninh, Bình Dương, Quảng Nam, Hà Nội,… nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã tìm đến Việt Nam để bắt đầu cho việc tham gia vào thị trường mới mẻ ở Việt Nam.

Techmart DakNong 2013đa ngành, quy mô vùng, với mục đích chính là tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức KH&CN, doanh nghiệp, tập thể và cá nhân giới thiệu, quảng bá, chào bán, tìm mua các công nghệ, thiết bị tiên tiến, sản phẩm trong nhiều lĩnh vực. Thời gian diễn ra Hội chợ cũng là điều kiện thuận lợi cho những hoạt động giao lưu, đối thoại, trao đổi giữa các nhà quản lý khoa học, doanh nghiệp và các nhân trong lĩnh vực KH&CN, đẩy mạnh hợp tác, liên kết phát triển KH&CN của các tổ chức, doanh nghiệp và các địa phương trong vùng. Techmart DakNong 2013 tập trung các lĩnh vực quan trọng và phù hợp về công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững, công nghệ sản xuất các sản phẩm làng nghề, công nghệ bảo vệ môi trường, công nghệ thông tin - điện tử, viễn thông; công nghệ phục vụ phát triển kinh tế biển, phát triển năng lượng tái tạo, công nghệ khai khoáng,…

Trên cơ sở những lĩnh vực trọng điểm đó, với quy mô hơn 200 gian hàng giới thiệu các thành tựu KH&CN thuộc các lĩnh vực phù hợp với khu vực và cả nước của các tổ chức nghiên cứu khoa học, trường Đại học, Học viện, trường Cao đẳng, các doanh nghiệp, các tập thể và cá nhân ở Trung ương và các địa phương thuộc các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên; các doanh nghiệp nước ngoài,… Với phương châm“Liên kết cùng hội nhập và phát triển bền vững”,trong khuôn khổ Techmart diễn ra các hội thảo, diễn đàn giao lưu đối thoại như: Hội thảo khoa học cấp Quốc gia, do Bộ KH&CN và UBND tỉnh Đắk Nông chủ trì với chủ đề “Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Nam Trung bộ - Tây Nguyên”, phối hợp phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức diễn đàn giới thiệu, đối thoại giữa chuyên gia Nguyễn Lân Hùng với khoảng 600 bà con nông dân, các cơ quan khoa học và doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp.

Sự tham gia tích cực của các địa phương:

Sau khi Bộ KH&CN, UBND tỉnh Đắk Nông và UBND thành phố Hồ Chí Minh thống nhất chủ trương, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia, Sở KH&CN Đắk Nông và Sở KH&CN thành phố Hồ Chí Minh đã xúc tiến các hoạt động chuẩn bị và đạt kết quả quan trọng:

- Về công tác tổ chức, đã thành lập Ban Tổ chức, các Tiểu ban giúp việc. Các Sở KH&CN trong vùng Nam Trung bộ - Tây Nguyên đã có kế hoạch và thành lập Tổ công tác TechMart. Các cơ quan thường trực xây dựng Đề án, kế hoạch và dự toán kinh phí tổ chức TechMart.

- Công tác tuyên truyền, vận động tham gia được đẩy mạnh. Cục Thông tin KH&CN Quốc gia và Sở KH&CN tỉnh Đắk Nông xây dựng các trang thông tin điện tử, hồ sơ hướng dẫn tham gia và giới thiệu tại TechMart,… Các tỉnh trong vùng đã xúc tiến công tác giới thiệu, quảng bá, vận động trên địa bàn địa phương mình. Đến nay, các đơn vị phối hợp đang tích cực vận động các cơ quan khoa học, doanh nghiệp, cá nhân đăng ký tham gia TechMart; trong đó, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia vận động 50 gian hàng ở các tỉnh phía Bắc tham gia, Sở KH&CN thành phố Hồ Chí Minh vận động 50 gian hàng còn lại các tỉnh trong khu vực Nam Trung bộ - Tây Nguyên vận động hơn 100 gian hàng.

- Các địa phương đang tích cực chuẩn bị nội dung để tham gia Hội thảo khoa học “Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Nam Trung bộ - Tây Nguyên”. Hội thảo sẽ tập trung đánh giá thành tựu nổi bật về KH&CN của vùng, trên cơ sở đó tìm giải pháp để đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng; trong đó, tập trung tìm giải pháp đầu tư phát triển nguồn nhân lực khoa học, phát triển hệ thống các cơ quan nghiên cứu - triển khai (R&D), giải pháp xã hội hóa hoạt động KH&CN, đưa thông tin KH&CN đến với nông thôn theo Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về “tam nông: nông nghiệp, nông dân, nông thôn” và vai trò của đội ngũ trí thức trong việc góp phần nâng cao dân trí. Đây là diễn đàn đối thoại trực tiếp giữa nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp nhằm tìm ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đầu tư liên kết cùng phát triển bền vững ngành nông nghiệp cho vùng Nam Trung Bộ - Tây Nguyên.

- Hoạt động thường xuyên diễn ra là giao dịch, mua bán công nghệ, thiết bị: Tất cả khách hàng đại diện cho các doanh nghiệp hoặc cá nhân (phía cầu) cần tiếp xúc với các tổ chức KH&CN sẽ được chỉ dẫn và hỗ trợ về thông tin và tư vấn trong quá trình tìm hiểu, thương thảo đặt hàng, ký kết bản ghi nhớ, hợp đồng mua - bán, cung cấp chuyển giao công nghệ và thiết bị. Để hoạt động này diễn ra thành công, đòi hỏi sự tổ chức hiệu quả của các Sở KH&CN trong vùng.

Đóng góp của KH&CN vàosự phát triển kinh tế - xã hội

Trong những năm qua, sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là sự phát triển công nghiệp, giao thông, thương mại - dịch vụ, đô thị,… vùng Nam Trung bộ - Tây Nguyên có bước phát triển vượt bậc, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Hoạt động KH&CN của vùng thu nhiều kết quả quan trọng. Đây là vùng có nhiều tiềm năng cho phát triển KH&CN. Tuy nhiên, vùng Nam Trung bộ - Tây Nguyên còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức không nhỏ trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và toàn cầu hóa. Một trong những nguyên nhân chính là do đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp còn chậm, công nghệ sau thu hoạch chưa được chú trọng, việc gắn kết giữa 4 nhà (nhà nghiên cứu, nhà quản lý, nhà sản xuất và nhà kinh doanh) chưa thật sự bền vững. Nhiều kết quả nghiên cứu chưa được áp dụng vào thực tế; chưa xác định và phát triển được các sản phẩm trọng điểm của Vùng. Các kết quả nghiên cứu chậm được áp dụng. Công tác phổ biến thông tin KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là vùng nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu và sát thực với sản xuất. Tiềm lực KH&CN, nhất là nguồn nhân lực và cơ sở vật chất còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Techmart DakNong 2013nhằm phát triển thị trường công nghệ, phát huy lợi thế địa lý của các tỉnh vùng Nam Trung bộ - Tây Nguyên; tăng cường liên kết giữa các đơn vị nghiên cứu và triển khai, các doanh nghiệp trong nước với nhau và các doanh nghiệp nước ngoài có nhu cầu; Phối hợp nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong sản xuất và đời sống, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, khu vực trong nước, góp phần tạo môi trường liên kết KH&CN với sản xuất và kinh doanh, thúc đẩy chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và các thành tựu KH&CN vào sản xuất đời sống, thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ và sản phẩm tạo năng lực cạnh tranh trong hội nhập và phát triển; xúc tiến các hoạt động thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu, tìm cơ hội đầu tư, phát triển KH&CN hiệu quả, phấn đấu đưa vùng Nam Trung bộ - Tây Nguyên sớm trở thành vùng kinh tế - xã hội phát triển, tiềm lực KH&CN được tăng cường, bảo đảm an ninh, quốc phòng, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.

Bài, ảnh: Lê Khánh Công