Lổi
  • Error loading feed data

Tin Techmart

Tin tức Đắk Nông

TIỀM NĂNG ĐẦU TƯ VÀO ĐẮK SONG

 Có tuyến Quốc lộ 14 và 14C chạy qua và có đường biên giới với nước bạn Campuchia. Cách thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk 90 km về phía Bắc, cách thị xã Gia Nghĩa 38 km về phía Nam, cách thành phố Hồ Chí Minh 260 km. 

Địa hình Đắk song chia thành 3 dạng chính, với các tiềm năng thế mạnh khác nhau: địa hình thung lũng nhỏ, hẹp chạy dọc theo các con suối, có thể khai thác để trồng lúa nước, hoa màu, cải tạo nuôi trồng thủy sản; địa hình đồi núi thấp trung bình, thuộc địa phận các xã Đắk Rung, Đắk Môl, Thuận Hạnh, phù hợp với việc trồng cây công nghiệp lâu năm như cà phê, hồ tiêu, cao su; địa hình đồi núi cao, tập trung ở các vùng giáp dãy núi Nâm Nung, đồi núi phía Đông và Tây, chiếm phần lớn diện tích của huyện, thuận lợi cho việc phát triển lâm nghiệp. Tuy nhiên, do địa hình nhiều đồi dốc, nên quá trình rửa trôi, bào mòn đất đai diễn ra mạnh mẽ, làm giảm độ phì nhiêu của đất.

Đắk Song chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa cao nguyên, với 2 mùa rõ rệt: mùa khô và mùa mưa. Mùa khô thường bắt đầu từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau với khí hậu nóng và khô hanh, quá trình bốc hơi mạnh, lượng mưa chiếm khoảng 10 - 15% cả năm, xen kẽ có gió mùa Đông bắc. Mùa mưa kéo dài từ khoảng tháng 3 đến tháng 11 trong năm, khí hậu dịu mát, kèm theo gió mùa Tây Nam, lượng mưa từ 1.800mm - 2.400mm, chiếm khoảng 85 - 90% lượng mưa cả năm. Lượng mưa cao nhất rơi vào tháng 8, tháng có khí hậu khô hanh là tháng 01. Nhiệt độ trung bình năm của huyện là 22,3oC.

Tiềm năng phát triển nông nghiệp

Với diện tích tự nhiên 80.776ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 38.453ha; đất lâm nghiệp 38.426ha; đất chuyên dùng 1.526ha; đất khu dân cư 529ha; đất chưa sử dụng 1.842 ha. Nhóm đất đỏ vàng chiếm tỷ lệ gần như bao trùm tổng diện tích của huyện Đắk Song, loại đất này có độ phì khá, hàm lượng chất hữu cơ cao, đất xốp, tỷ lệ sét lý cao và tăng dần theo chiều sâu. Đây là nhóm đất chính để phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.

Hiện nay, toàn huyện có 21 hồ chứa nước, công trình thủy lợi, 321ha diện tích mặt nước, trong đó có 2 công trình thủy lợi lớn là Đắk Toa (Thuận Hà) và Sình Muống (Thuận Hạnh), phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp.

Điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi, giúp Đắk Song có thể đa dạng các loại cây trồng, nhất là cây công nghiệp như cà phê, tiêu, cao su, điều, lạc, gừng; cây lương thực gồm lúa, ngô, sắn, khoai lang; huyện cũng có thế mạnh chăn nuôi đại gia súc. Hiện nay, Đắk Song đang quy hoạch vùng nguyên liệu phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến.

Đặc biệt, Đắk Song nổi tiếng là nơi có diện tích hồ tiêu và sản lượng đi đầu của tỉnh, với diện tích 2.200ha, đạt sản lượng 2.300 tấn, chiếm 28% về diện tích và 17,7% về sản lượng tiêu toàn tỉnh.

Ngoài tiêu, Khoai lang cũng có diện tích và sản lượng nhiều nhất tỉnh. Năm 2011, Đắk Song trồng được 4.684 ha, sản lượng đạt 58.500 tấn (chiếm hơn nửa sản lượng khoai toàn tỉnh), đứng sau là Tuy Đức với diện tích trồng khoai 1.994 ha, cho sản lượng 23.623 tấn. Tuy nhiên, khoai lang Đắk Song phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ bên ngoài do huyện chưa có nhà máy chế biến tại chỗ.

Tiềm năng phát triển Công nghiệp

Đắk Song là một trong những địa phương có nhiều loại khoáng sản, nhất là quặng Bô xít phân bố rải rác trên địa bàn toàn huyện. Khi một trong 4 tổ hợp công nghiệp Bô xít - Nhôm hình thành (nhà máy Alumin Đắk Nông IV, công suất 1,5 - 2 triệu tấn/năm, nguồn quặng khai thác từ mỏ Tuy Đức, Đắk Song và các mỏ lân cận), nguồn khoáng sản Bô xít của Đắk Song sẽ được khai thác phục vụ cho ngành công nghiệp Bô xít - Nhôm. Ngoài ra, huyện còn một số loại khoáng sản gồm: đá quý safia phân bố tại xã Nâm N’Jang và Đắk Mol; khí CO­2 phân bố tại xã Đắk Môl và Đắk Hòa; Cát xây dựng phân bố rãi rác các xã; than bùn có trữ lượng dự báo 0,079 triệu tấn, diện tích 30ha, phân bố ở xã Thuận Hà; đá xây dựng có mỏ đá bazan Đắk Toil với trữ lượng ước tính 1,274 triệu m3 và mỏ Đắk Tiên, trữ lượng 2,590 triệu m3.

Những năm qua, nhờ tập trung đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp chế biến sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, ngành công nghiệp khai khoáng, công nghiệp phụ trợ, Đắk song đã thu hút nhiều nhà đầu tư với số vốn đầu tư lớn vào các hoạt động sản xuất, đáng kể như: Công ty MDF Long Việt, sản xuất gỗ ván ép chất lượng cao; Công ty Hoàng Nguyên, sản xuất ván ép, gỗ mỹ nghệ; Công ty Khoáng sản Đắk Nông, khai thác khí CO2; một số công ty khai thác đá xây dựng; các công ty có hoạt động sản xuất kinh doanh: chế biến cà phê xuất khẩu; chế biến tinh bột sắn; chế biến hồ tiêu, hạt điều; sản xuất bao bì tự nhựa PE…

Huyện đã quy hoạch Cụm công nghiệp Đắk Song, quy mô 48ha, tại xã Thuận Hạnh, hiện nay, đang kêu gọi, thu hút đầu tư.

Tiềm năng phát triển Thương mại, dịch vụ

Đắk Song có tuyến Quốc lộ 14 và 14C đi qua tạo điều kiện thuận lợi để phát triển thương mại, dịch vụ với vùng Tây Nguyên và khu vực Nam Bộ, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh. Đi qua địa bàn huyện có hệ thống đường tỉnh lộ 2 (Đắk Song - Đức Mạnh) và tỉnh lộ 6 (từ huyện Tuy Đức đi qua địa bàn huyện Đắk Song về huyện Krông Nô) là điều kiện thuận lợi trong việc giao lưu buôn bán, vận chuyển hàng hóa. Ngoài ra, Đắk Song có trên 24 km đường biên giới với nước bạn Lào, giúp việc thông thương hàng hóa với nước bạn được thuận lợi.

Lĩnh vực thương mại và dịch vụ của huyện chưa phát triển, Đắk Song có tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ thấp thứ 4 toàn tỉnh, đạt trên 600 tỷ đồng (năm 2011). Trên địa bàn huyện có 1.300 cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ và khách sạn.

Hệ thống chợ tương đối đồng bộ, có ở hầu hết các xã và thị trấn, chợ được đầu tư hiện đại là Chợ Trường Xuân (nằm cách Quốc lộ 14 khoảng hơn 100m) được xây dựng từ nguồn vốn của Chương trình 135 với kinh phí 730 triệu đồng; Chợ liên xã Đắk Hòa (xã Đức Hòa), vốn đầu tư gần 01 tỷ đồng. Huyện ưu tiên đầu tư hệ thống chợ đồng bộ nhằm đẩy mạnh hoạt động giao thương buôn bán được thông suốt.

Tiềm năng phát triển Du lịch

Đắk Song có tiềm năng để khai thác các sản phẩm du lịch đa dạng với nhiều giá trị độc đáo, đặc biệt là Khu du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử Nam Nung (xã Nâm N’Jang) rộng trên 12.000ha, nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung, có tổng diện tích 16.904ha. Đây là một quần thể bao gồm các danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử; Và khu du lịch suối khoáng nóng Đắk Mol, thôn Đắk Sơn 1, Xã Đắk Mol, diện tích 8ha, có thể khai thác loại hình du lịch tham quan nghỉ dưỡng kết hợp chữa bệnh. Suối khoáng Đắk Mol giàu muối Bicacbonat Natri và Cacbonat Natri, được lấy từ độ sâu 180m trong lòng đất, nhiệt độ nước luôn ổn định ở mức 37 - 40oC. Nguồn nước có nhiều công dụng như giúp nâng cao khả năng đề kháng và chống viêm nhiễm của cơ thể khi ngâm mình trong nước; điều trị sức khỏe bằng liệu pháp tắm bùn; dưỡng bệnh; nước khoáng còn dùng để sản xuất nước uống trị bệnh; khai thác khí CO2. Hai khu du lịch này được quy hoạch nằm trong Cụm du lịch sinh thái Nam Nung - không gian lãnh thổ du lịch Đắk Nông. Cụm du lịch này dự kiến phát triển các sản phẩm: du lịch sinh thái; nhân văn (tham quan; nghiên cứu các di tích lịch sử - văn hóa); thể thao mạo hiểm (leo núi, đi thuyền mạo hiểm) và du lịch nghỉ dưỡng chữa bệnh.

Các lĩnh vực đang kêu gọi đầu tư

Nông nghiệp:

- Trồng hoa: quy mô 50ha, tại xã Thuận Hạnh;

- Trồng rau, củ, quả: quy mô 200ha, tại xã Thuận Hạnh.

Công nghiệp:

- Chế biến Cà phê ướt;

- Nhà máy chế biến Hồ tiêu: quy mô 5.000 tấn/ năm, tại Cụm công nghiệp Đắk Song;

- Chế biến Khoai lang Nhật: công suất 70.000 tấn/năm, tại Cụm công nghiệp Đắk Song;

- Chế biến thức ăn giá súc, công suất 50.000 tấn/năm, tại Cụm công nghiệp Đắk Song;

- Nhà máy sản xuất phân vi sinh từ than bùn: quy mô 60ha, tại Xã Thuận Hà.

Thương mại - Dịch vụ:

- Trung tâm siêu thị Đăk Song.

Du lịch:

- Khu du lịch sinh thái văn hóa núi Nâm Nung: quy mô 250ha, tại xã Nâm N’Jang.

Cơ sở hạ tầng:

- Dự án đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp Đắk Song: quy mô 48ha, tại xã Thuận Hạnh.

Mai Hoa