So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Tue04162024

Trạm Ứng dụng và Phát triển công nghệ sinh học: Chú trọng triển khai phương pháp nuôi cấy mô thực vật

Đánh giá:  / 0
DởHay 

Từ năm 2013, Trạm Ứng dụng và Phát triển công nghệ sinh học thuộc Sở Khoa học và Công nghệ ở xã Quảng Tín (Đắk R’lấp) chính thức triển khai phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật trong phòng thí nghiệm.

Theo ông Phạm Mạnh Cường, phụ trách Trạm thì đây không chỉ là nơi triển khai nghiên cứu, nhân rộng các giống cây trồng, mà còn là điểm lưu giữ và bảo tồn các loài hoa, dược liệu quý để tiếp tục nghiên cứu nhân giống. Mục tiêu của phương pháp này của đơn vị là tiến hành chọn lọc, lai tạo các giống hoa, dược liệu bằng công nghệ sinh học để tạo ra các giống cây trồng mới có đặc tính kháng sâu bệnh, chịu hạn, năng suất cao, chất lượng tốt cung cấp cho thị trường. Ngoài ra, phương pháp này còn có ưu điểm như tỷ lệ cây sống cao, có thể nhân ra số lượng lớn, nhanh…

Cán bộ Trạm Ứng dụng và Phát triển công nghệ sinh học kiểm tra mẫu cây giống tại phòng thí nghiệm

Thực tế, việc nuôi cấy mô thực vật là sử dụng một vài tế bào thực vật ở các vị trí như lá, chồi hoặc hoa, sau đó, được tiến hành khử trùng sạch và lấy chồi đó tách nhỏ làm nhiều lần ra số lượng lớn, rồi đưa vào nuôi cấy trong một môi trường dinh dưỡng thích hợp. Từ đó, một vài tế bào đầu tiên sẽ hình thành thân, ngọn và tiếp tục được chuyển qua giá thể để cho ra rễ và sinh trưởng bình thường khi trồng ở ngoài môi trường tự nhiên. Việc áp dụng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật này có thể nhân số cây giống lên gấp 1.000 lần so với trước đó. Những giống cây này sau khi thí nghiệm thành công cũng sẽ được phát triển một cách đồng bộ, sạch bệnh và góp phần bảo tồn được các nguồn gen quý… Hiện tại, ở đây, đơn vị đang nuôi cấy thử nghiệm một số loại cây hoa, dược liệu quý như lan, cúc, đinh lăng… Trong đó, cây lan denro chiếm số lượng nhiều nhất, vào khoảng gần 5.000 ngọn và gần 2000 cây đã cho ra rễ. Đây là loại cây trồng không chỉ có nhu cầu cao trên thị trường, mà còn dễ trồng và nhân ra rộng rãi. Riêng với những cây lan đã cho ra rễ thành công trong phòng thí nghiệm, đơn vị đang “tập luyện” đưa ra ngoài để cây từng bước thích nghi với điều kiện tự nhiên; Đồng thời, kiểm tra và nắm bắt được thời gian sinh trưởng của cây…

Nhiều giống hoa lan đang được trạm theo dõi để đưa ra môi trường bên ngoài

Cũng theo ông Cường thì trong thời gian tới, sau khi đưa được thành công mẫu hoa lan denro ra bên ngoài, đơn vị sẽ tiếp tục xin kinh phí xây dựng thêm vườn ươm để vừa quảng bá sản phẩm, vừa bán ra thị trường. Tiếp đó, đơn vị cũng sẽ nuôi cấy thêm giống lan gấm (có tên khoa học là Anoectochilus Roxburghii) được lấy từ núi Tà Nùng về; Đồng thời, sản xuất thêm bịch phôi làm nấm mèo, nhằm phục vụ cho nhu cầu của người dân trên địa bàn. Hy vọng rằng, từ những kết quả ban đầu này, các giống cây trồng quý sẽ được nhân rộng, với số lượng lớn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao cho bà con trên thị trường…

Báo Đắk Nông