So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Fri12062024

Hội thảo khoa học giới thiệu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ lên men nhằm tăng hiệu quả trích ly dầu tạo một số sản phẩm mỹ phẩm từ thịt quả bơ (Persea Americana) trồng tại tỉnh Đắk Nông”

Đánh giá:  / 1
DởHay 

Ngày 24/10/2023, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Nông phối hợp với Viện Sinh học Nhiệt đới tổ chức Hội thảo khoa học giới thiệu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ lên men nhằm tăng hiệu quả trích ly dầu tạo một số sản phẩm mỹ phẩm từ thịt quả bơ (Persea Americana) trồng tại tỉnh Đắk Nông”. Tham dự hội thảo có đại diện các Sở, Ban, ngành, địa phương và các đơn vị sản xuất Bơ trên địa bàn tỉnh.

Toàn cảnh Hội thảo

Nguồn gốc đầu tiên của cây Bơ từ vùng nhiệt đới Trung Mỹ (Mexico, Guatemala và quần đảo Antilles). Tại Việt Nam, Đắk Nông hiện là một trong những tỉnh có diện tích và sản lượng Bơ lớn của cả nước, với diện tích gần 2.600 ha và năng suất bình quân từ 10-15 tấn/ha. Chủ yếu tập trung nhiều ở các huyện: Đắk Mil, Đắk R’lấp, Đắk Song, Đắk Glong và thành phố Gia Nghĩa. Bơ (Persea americana Mill) là cây ăn quả đặc sản có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao. Hiện nay, Bơ chủ yếu sử dụng ăn tươi và chế biến các sản phẩm dạng như: Bơ khoanh đông lạnh, purê Bơ, kem Bơ, bột trái Bơ, đặc biệt, sản xuất dầu trái Bơ có giá trị kinh tế cao. Hàm lượng dầu trong trái Bơ tương đối cao 15 ÷ 30%, ở dưới dạng nhũ dầu nên rất dễ tiêu hóa, cơ thể có thể hấp thu đến 92,8%. Trong dầu Bơ có hàm lượng chất béo không bão hòa cao nên tốt cho tim mạch và sức khỏe. Thịt bơ chứa vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể con người; đặc biệt nó còn là nguồn giàu β- sitosterol giúp giảm cholesterol, lutein có thể ngăn chặn ung thư đại tràng và glutathione giúp cơ thể chống lại các chất sinh ung thư.

Mặc dù có lợi thế lớn, nhưng giá trị hàng hóa Bơ của Đắk Nông còn thấp do chưa tạo các sản phẩm từ Bơ, chưa xây dựng được chuỗi liên kết bền vững trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Hội thảo được tổ chức nhằm giới thiệu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ lên men nhằm tăng hiệu quả trích ly dầu tạo một số sản phẩm mỹ phẩm từ thịt quả Bơ (Persea Americana) trồng tại tỉnh Đắk Nông”, do Viện Sinh học Nhiệt đới là cơ quan chủ trì, ThS. Trịnh Thị Bền làm Chủ nhiệm nhiệm vụ. Theo đó, đến nay, Cơ quan chủ trì, Chủ nhiệm nhiệm vụ đã thực hiện xong các nội dung nghiên cứu, kết quả đã phân lập được 05 chủng vi khuẩn lactic và 01 chủng nấm men có khả năng sinh acid lactic, có hoạt tính enzyme amylase và hoạt tính enzyme cellulase; định danh đến loài 01 chủng vi khuẩn lactic: Leuconostoc pseudomesenteroides và 01 chủng nấm men: Wickerhamomyces anomalus; đối ưu hóa và cải tiến điều kiện lên men chủng vi khuẩn Leuconostoc pseudomesenteroides thu nhận 39,43mL/500mL tinh dầu Bơ trong điều kiện lên men pH 6.5, thời gian 48h và nhiệt độ 37°C; đã xây dựng thành công quy trình lên men thu nhận dầu từ thịt quả Bơ quy mô pilot (20 lít). Tuy chỉ mới thực hiện ở quy mô phòng thí nghiệm, nhưng đề tài đã xác định được hầu hết các thông số công nghệ tối ưu cần thiết để triển khai thực hiện ở quy mô lớn hơn; xác định quy trình công nghệ sơ chế nguyên liệu ép là thịt quả bơ sấy khô ở độ ẩm 30%.

Các sản phẩm từ quả bơ sau khi nghiên cứu

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, tham gia đóng góp ý kiến để Cơ quan chủ trì, Chủ nhiệm nhiệm vụ bổ sung, hoàn thiện các nội dung, kết quả nghiên cứu.

Phát biểu kết luận Hội thảo, TS. Đặng Văn Tin - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh, đánh giá cao các kết quả nghiên cứu mà đề tài mang lại, đây được coi là căn cứ để mở ra hướng đi mới cho trái Bơ Đắk Nông, góp phần nâng cao giá trị của trái Bơ trên thị trường và cải thiện đời sống cho người trồng Bơ./.