Quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa

Đánh giá:  / 0
DởHay 

Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 02/2024/TT-BKHCN quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. Thông tư nêu rõ quy định hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa bảo đảm kết nối chia sẻ dữ liệu, cụ thể:

Hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa bảo đảm các nguyên tắc sau:

Nguyên tắc “Một bước trước – một bước sau”: bảo đảm khả năng giám sát, nhận diện được công đoạn sản xuất, kinh doanh trước và công đoạn sản xuất, kinh doanh tiếp theo trong quá trình sản xuất, kinh doanh đối với một sản phẩm, hàng hóa.

Nguyên tắc “Sẵn có của phần tử dữ liệu chính”: các phần tử dữ liệu chính phải được thu thập, lưu trữ và cập nhật kịp thời trong các báo cáo thông tin chi tiết về các sự kiện quan trọng trong quá trình sản xuất, kinh doanh đối với một sản phẩm, hàng hóa;

Nguyên tắc “Minh bạch”: hệ thống truy xuất nguồn gốc phải đạt yêu cầu về tính minh bạch tối thiểu bằng cách sử dụng dữ liệu tĩnh về khách hàng, bên cung ứng, sản phẩm và các điều kiện sản xuất;

Nguyên tắc “Sự tham gia đầy đủ của các bên truy xuất nguồn gốc”: hệ thống truy xuất nguồn gốc phải có sự tham gia của đầy đủ các bên truy xuất nguồn gốc của tổ chức.

Dữ liệu truy xuất nguồn gốc của từng sản phẩm, hàng hóa trong hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa bao gồm tối thiểu các thông tin sau:

a) Tên sản phẩm, hàng hóa;

b) Hình ảnh sản phẩm, hàng hóa;

c) Tên đơn vị sản xuất, kinh doanh;

d) Địa chỉ đơn vị sản xuất, kinh doanh;

đ) Các công đoạn trong sản xuất, kinh doanh (bao gồm tối thiểu mã truy vết vật phẩm, mã truy vết địa điểm và thời gian sự kiện truy xuất nguồn gốc của từng công đoạn);

e) Thời gian sản xuất, kinh doanh (thời gian các sự kiện truy xuất nguồn gốc diễn ra);

g) Mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa;

h) Thương hiệu, nhãn hiệu, mã ký hiệu, số sê-ri sản phẩm (nếu có);

i) Thời hạn sử dụng của sản phẩm, hàng hóa (nếu có);

k) Các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn cơ sở được áp dụng.

Hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa để kết nối với Cổng thông tin try xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia phải bao gồm tối thiểu các thông tin trên.

Dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa để phục vụ người tiêu dùng tra cứu trên Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia bảo đảm tối thiểu các thông tin sau: 

a) Tên sản phẩm, hàng hóa;

b) Hình ảnh sản phẩm, hàng hóa;

c) Tên đơn vị sản xuất, kinh doanh;

d) Địa chỉ đơn vị sản xuất, kinh doanh;

đ) Thời gian sản xuất, kinh doanh (thời gian các sự kiện truy xuất nguồn gốc diễn ra);

e) Thương hiệu, nhãn hiệu, ký mã hiệu, số sê-ri sản phẩm (nếu có);

g) Thời hạn sử dụng của sản phẩm, hàng hóa (nếu có).

Sản phẩm trong từng sự kiện sau mỗi công đoạn được gán mã truy xuất nguồn gốc để truy xuất nguồn gốc. Mã truy xuất nguồn gốc được mã hóa trong vật mang dữ liệu:

Vật mang dữ liệu truy xuất nguồn gốc là phương tiện hoặc vật thể chứa đựng dữ liệu (tem, nhãn, thẻ và các phương tiện hoặc vật thể phù hợp khác), bảo đảm thiết bị có thể đọc được.

Mã truy vết sản phẩm là dãy số hoặc số và chữ được dùng để định danh sản phẩm ở các công đoạn sản xuất, kinh doanh trong quá trình truy xuất nguồn gốc.

Mã truy vết địa điểm là dãy số hoặc số và chữ được dùng để định danh địa điểm diễn ra sự kiện ở các công đoạn sản xuất, kinh doanh trong quá trình truy xuất nguồn gốc.

Mã truy xuất nguồn gốc là mã số định danh cuối cùng trong từng công đoạn của quá trình truy xuất nguồn gốc (bao gồm dãy số hoặc số và chữ liên tiếp được cấu thành từ mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm, số lô/mẻ sản phẩm, thời gian xảy ra sự kiện) và được mã hóa trong vật mang dữ liệu, thể hiện thông tin công khai, minh bạch về sản phẩm, hàng hóa trên thị trường, cung cấp thông tin phục vụ cho truy xuất nguồn gốc.

Quản lý việc sử dụng mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm và vật mang dữ liệu:

Tổ chức, cá nhân thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa sử dụng mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm bảo đảm phù hợp với Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13274:2020 Truy xuất nguồn gốc – Hướng dẫn định dạng mã dùng trong truy vết trước khi đưa vào sử dụng;

Tổ chức, cá nhân thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa sử dụng vật mang dữ liệu bảo đảm phù hợp theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13275:2020 Truy xuất nguồn gốc- Định dạng vật mang dữ liệu do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố. Vật mang dữ liệu được dán, in, đính, đức, chạm, khắc trực tiếp trên sản phẩm, hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa hoặc trên chất liệu khác được gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa, bảo đảm thiết bị có thể đọc được.

Cổng thông tin hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa

 tỉnh Đắk Nông: https://txng.daknong.gov.vn

Nguyên tắc áp dụng của Thông tư:

Tổ chức, cá nhân sản xuất các sản phẩm, hàng hóa quy định tại khoản 4 Điều 19đ Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa được bổ sung bởi khoản 3 Điều 1 Nghị định số 13/2022/NĐ-CP ngày 21tháng 01 năm 2022 của Chính phủ thì thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa theo quy định của Thông tư này; đồng thời các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nhu cầu kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia thì phải thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2024.

 Nguyễn Thị Hiến

Tin mới

Các tin khác