So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Thu11212024

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý Nhà nước về An toàn bức xạ và hạt nhân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông

Đánh giá:  / 0
DởHay 

Thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 30/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia. Đắk Nông đã kịp thời ứng dụng công nghệ số và đạt nhiều kết quả tích cực. Ngày 01/11/2021 Tỉnh ủy Đắk Nông đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; ngày 21/3/2022 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 570/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU và hơn 50 văn bản chỉ đạo, định hướng, hướng dẫn về chuyển đổi số, trong đó có 03 văn bản quy phạm pháp luật, 21 Quyết định, 17 Kế hoạch, 01 Chỉ thị và các văn bản chỉ đạo khác để thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số. 100% các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo. Các sở, ban, ngành, địa phương đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, học tập, quán triệt nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, cộng đồng doanh nghiệp, người dân về tính cấp thiết và sự cần thiết của chuyển đổi số.

Thực trạng chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về ATBXHN

Thời gian qua công tác quản lý an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ, hạt nhân và ứng dụng năng lượng nguyên tử trên địa bàn tỉnh được Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chú trọng và tăng cường; hướng đến mục tiêu bảo đảm chất lượng môi trường, an toàn cho sức khỏe con người, góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, chủ động phòng ngừa, ứng phó với các sự cố bức xạ hạt nhân có thể xảy ra. Theo đó, Sở KH&CN đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đề xuất, xây dựng, cụ thể hóa các chủ trương chính sách, biện pháp thúc đẩy các hoạt động an toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN) trên địa bàn tỉnh; quản lý, tổ chức giám định, đăng ký, cấp, điều chỉnh, thu hồi, gia hạn các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy đăng ký trong lĩnh vực ATBXHN trên địa bàn tỉnh; quản lý các hoạt động quan trắc phóng xạ môi trường trên địa bàn tỉnh; phối hợp quản lý các họat động phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử theo quy định; Quản lý tổ chức thực hiện các dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân trên địa bàn; quản lý và thực hiện tiếp nhận khai báo, thẩm định an toàn, cấp Giấy phép, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, cấp lại giấy phép tiến hành công việc bức xạ sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế và Chứng chỉ nhân viên bức xạ cho người phụ trách an toàn tại cơ sở X-quang chẩn đoán trong y tế hoạt động trên địa bàn tỉnh theo sự phân công, phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh; chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy định pháp luật về ATBXHN trên địa bàn tỉnh; đồng thời, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân cấp tỉnh trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện sau khi được phê duyệt; xử lý sự cố bức xạ và hạt nhân trên địa bàn theo sự phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh; tiếp nhân, thông báo và phối hợp với các cơ quan có liên quan xác minh thông tin và tổ chức tìm kiếm, xử lý đối với nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân nằm ngoài sự kiểm soát. Bên cạnh đó, Sở KH&CN cũng đã chủ trì và phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ KH&CN thu gom chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ phát hiện trên địa bàn tỉnh mà không xác định chủ sở hữu; phối hợp thẩm định cấp phép và quản lý các nguồn phóng xạ trên địa bàn theo quy định của pháp luật; hướng dẫn các tổ chức, các nhân trên địa bàn tỉnh các biện pháp quản lý chất thải phóng xạ và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng, thực hiện các biện pháp an toàn, an ninh khi phát hiện nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân nằm ngoài sự kiểm soát; xây dựng và tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát an toàn bức xạ và hạt nhân tại địa phương.

Thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Đề án Chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông đến năm 2030, Sở KH&CN đã triển khai và đạt được những kết quả bước đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước. Với những giải pháp cải cách mạnh mẽ các thủ tục trong lĩnh vực ATBXHNđến nay đã trở nên nhanh chóng, minh bạch và thuận tiện hơn. Kết quả nổi bật của việc quản lý ATBXHN là việc cắt giảm đáng kể số lượng thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ. Cụ thể, việc thẩm định cấp phép, gia hạn giấy phép, xử lý hồ sơ gia hạn giấy phép đã được rút ngắn thời gian từ 5-30 ngày so với quy định trước đây. Nhờ đó, doanh nghiệp đã tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí, tập trung hơn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Liên quan đến chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến, hệ thống đường truyền internet, máy vi tính và các thiết bị hỗ trợ khác cũng đã được nâng cấp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp dễ dàng sử dụng, thao tác nhanh chóng, hiệu quả. Sở KH&CN đã trình cấp có thẩm quyền xây dựng và cung cấp 07 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, giúp người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các thủ tục hành chính trong lĩnh vực ATBXHN. Đặc biệt, 100% thủ tục hành chính có phát sinh phí, lệ phí đã được tích hợp thanh toán trực tuyến, mang lại sự tiện lợi tối đa. Ngoài ra, nhằm khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, Bộ Tài chính đã ban hành chính sách cắt giảm 10% phí, lệ phí đối với Hồ sơ nộp trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến (Thông tư số 63/2023/TT-BTC về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của một số thông tư quy định về phí, lệ phí của Bộ trưởng Bộ Tài chính).

Đối với công tác quản lý các cơ sở ATBXHN trên địa bàn tỉnh, Sở KH&CN đã xây dựng cơ sở dữ liệu trên phần mềm Excel để quản lý; trong đó, có đầy đủ các trường thông tin về các thiết bị và nguồn bức xạ, thời hạn của Giấy phép tiến hành công việc bức xạ để thuận tiện cho việc theo dõi, báo cáo và đôn đốc các cơ sở khi sắp hết thời hạn giấy phép.

Thực hiện Kế hoạch số 337/KH-BCHƯPSCBXHN ngày 05/6/2023 của Ban Chỉ huy Ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân tỉnh Đắk Nông về xây dựng Bản đồ phông phóng xạ tự nhiên trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; Sở KH&CN đã phối hợp với Viện Nghiên cứu hạt nhân triển khai thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ: “Xây dựng bản đồ phông phóng xạ tự nhiên trên địa bàn tỉnh Đắk Nông”. Trong khuôn khổ của nhiệm vụ, suất liều gamma môi trường đã được khảo sát theo phân bố diện tích, dân số của 01 thành phố và 07 huyện của tỉnh Đắk Nông, với diện tích hơn 6500 km2 và các khu vực trọng điểm, bao gồm UBND các cấp, khu du lịch, khu công nghiệp, các cơ sở y tế, các cơ sở thu mua phế liệu và các làng nghề. Tổng số 3.353 điểm đo đã được thực hiện, với dải liều trong dải 0,07 - 0,39 µSv/h tương đương 0,61 - 3,42 mSv/năm. Suất liều trung bình 0,163 µSv/h tương đương 1,43 mSv/năm. Số liệu suất liều gamma trong vùng khảo sát được quản lý như là một lớp cơ sở dữ liệu trong phần mềm thông tin địa lý GIS và có thể được xuất ra dưới dạng bản đồ suất liều tỷ lệ 1:200.000. Trong quá trình khảo sát toàn khu vực, không phát hiện các dị thường phóng xạ; việc quản lý nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ tại các cơ sở được thực hiện nghiêm; không phát hiện rò rỉ phóng xạ hoặc suất liều cao tại nơi làm việc. Đồng thời, thông qua Bản đồ phông phóng xạ tự nhiên trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, giúp các cơ quan, đơn vị chức năng theo dõi, cập nhật dữ liệu phông phóng xạ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông một cách thường xuyên, liên tục và có hệ thống, kịp thời xác định những thay đổi, diễn biến bất thường về phông phóng xạ, biến động về hoạt độ các chất phóng xạ, đồng thời bổ sung tần suất và các vị trí quan trắc phóng xạ đối với các khu vực có nguy cơ gây ra sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, vẫn còn một số hạn chế nhất định, cụ thể: một vài cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan và đơn vị chưa nắm bắt được các nhiệm vụ chuyển đối số của đơn vị mình; Việc xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về ATBXHN đang triển khai bước đầu chưa được đánh giá, thiết kế, xây dựng để dùng chung hoặc chia sẻ ra bên ngoài. Do đó, phần nào gây khó khăn cho vấn đề kết nối, chia sẻ dữ liệu; Hạ tầng công nghệ thông tin tại cơ quan còn hạn chế, chưa bảo đảm tốt nhất cho triển khai Dịch vụ công trực tuyến; Về nhân lực để chuyển đổi số tại cơ quan rất mỏng, kỹ năng ứng dụng công nghệ số của người dân còn chưa cao; Tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến toàn trình của người dân, doành nghiệp còn thấp.

Giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về ATBXHN trong thời gian tới

Tiếp tục quan điểm chỉ đạo của Đảng, Chính phủ luôn quan tâm, coi trọng chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp. Để tiếp tục kế thừa, phát huy những thành quả đạt được, khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trên, từng bước hiện thực hóa quyết tâm xây dựng Chính quyền số tỉnh Đắk Nông hiệu lực hiệu quả, phục vụ người dân, doanh nghiệp, nhất là trong quản lý nhà nước về ATBXHN, cần thực hiện một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước; phát huy vai trò của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội trong chuyển đổi số.

Thứ hai, xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy chuyển đổi số.

Thứ ba, phát triển nền tảng số, dữ liệu số, thúc đẩy chuyển đổi số, bảo đảm an toàn thông tin.

Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và thực thi có hiệu quả các chính sách chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Sở KH&CN tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở KH&CN; đồng thời, tiếp tục có phương án cắt giảm thời gian giải quyết so với quy định, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân thực hiện các Thủ tục hành chính. Việc giải quyết thủ tục hành chính cho người người dân, doanh nghiệp kịp thời, nhanh gọn và hiệu quả. Tiếp nhận, xử lý kịp thời phản ánh, kiến nghị của các cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc lĩnh vực KH&CN. Công bố, công khai kịp thời các sửa đổi, bổ sung về thủ tục hành chính trên Trang thông tin điện tử của Sở, tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức tìm hiểu và truy cập thông tin. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tham mưu đề xuất cấp có thẩm quyền quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho chuyển đổi số, đào tạo, nâng cao nhận thức, kỹ năng phục vụ vận hành các hoạt động chuyển đổi số cho cán bộ, công chức trong lĩnh vực ATBXHN.

- Phạm Văn Đức -