So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Sat04202024

Đổi mới quy định về bộ máy tổ chức của các cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về KH&CN ở địa phương

Đánh giá:  / 0
DởHay 
Ngày 04/9/2014, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội thảo: Đổi mới quy định về bộ máy tổ chức của các cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về KH&CN ở địa phương.


Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự và chủ trì Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh. Đại biểu đại diện 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN cũng đã tham dự Hội thảo.

Thực hiện chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2014 và hướng dẫn thực hiện Nghị định số 24 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Nghị định số 37 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn của UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Bộ KH&CN phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng Dự thảo Thông tư liên tịch để thay thế Thông tư liên tịch số 05/2008/TTLT-BKHCN-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về KH&CN thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và Thông tư liên tịch số 14/2009/TTLT-BKHCN-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Sở KH&CN các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Hội thảo được tổ chức nhằm lấy ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện dự thảo thông tư liên tịch hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về KH&CN thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

Ông Trần Đắc Hiến, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cho biết, dự thảo Thông tư liên tịch gồm 3 chương 8 điều. Trong đó, Chương I quy định về Sở KH&CN với các nội dung để xác định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Sở KH&CN; Chương II quy định cơ quan chuyên môn về KH&CN thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Chương III quy định về hiệu lực và trách nhiệm thi hành.

Về cơ bản dự thảo Thông tư liên tịch mới đã kế thừa các nội dung còn phù hợp của Thông tư liên tịch số 05/2008/TTLT-BKHCN-BNV và Thông tư liên tịch số 14/2009/ TTLT-BKHCN-BNV. Đồng thời dự thảo Thông tư có sửa đổi, bổ sung một số nội dung mới theo tinh thần của Luật KH&CN năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, cũng như các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Dự thảo thông tư gồm 3 điểm mới quan trọng. Một là, xác định rõ hơn vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở KH&CN để phù hợp với quy định của Luật KH&CN năm 2013 và Nghị định số 24/2014/NĐ-CP. Cụ thể, bổ sung các nhiệm vụ về trình dự thảo quyết định giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thuộc sở hữu nhà nước trong phạm vi quản lý cho các tổ chức cá nhân theo quy định của pháp luật; bổ sung một khoản riêng về phát triển thị trường, doanh nghiệp KH&CN, tổ chức KH&CN và tiềm lực KH&CN để phù hợp với các văn bản pháp luật về thị trường, doanh nghiệp KH&CN và tiềm lực KH&CN cũng như yêu cầu thực hiện ở địa phương. Dự thảo Thông tư cũng bổ sung một khoản riêng về thông tin và thống kê KH&CN để phù hợp với quy định của Nghị định số 11/2014/NĐ-CP về hoạt động thông tin KH&CN. Đồng thời, bổ sung nhiệm vụ về quản lý, tổ chức bộ máy, biên chế công chức, cơ cấu ngạch công chức, vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc cho các đơn vị sự nghiệp công lập của Sở KH&CN để phù hợp với quy định tại Nghị định 24.

Trong dự thảo Thông tư còn sửa đổi, bổ sung một số nhiệm vụ cụ thể về quản lý hoạt động KH&CN để phù hợp với quy định của Luật KH&CN năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành; sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ về lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng phù hợp với Quyết định số 27/2014/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và các văn bản pháp luật liên quan; sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ về công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng để phù hợp với quy định của Luật Thanh tra năm 2010 và Luật tiếp công dân năm 2013.

Hai là, xác định rõ cơ cấu tổ chức bộ máy của Sở, bảo đảm thống nhất giữa các Sở gồm: Văn phòng, Thanh tra, 5 phòng chuyên môn nghiệp vụ (Phòng Kế hoạch Tài chính, Phòng Quản lý khoa học, Phòng Quản lý công nghệ, thị trường và doanh nghiệp KH&CN, Phòng Quản lý KH&CN cơ sở, Phòng Quản lý chuyên ngành), Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng của các đơn vị sự nghiệp công lập của Sở (Trung tâm Thông tin KH&CN, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN), Thành lập tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển KH&CN theo hướng dẫn của Bộ KH&CN và các tổ chức sự nghiệp khác.

Ba là, hướng dẫn riêng về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC). Trong đó quy định rõ cơ cấu tổ chức của Chi cục TĐC theo hướng bảo đảm tính thống nhất với các phòng chuyên môn nghiệp vụ để quản lý các lĩnh vực, chức năng, nhiệm vụ được giao gồm phòng hành chính tổng hợp, quản lý đo lường, quản lý tiêu chuẩn chất lượng, thông báo hỏi đáp về TĐC, hàng rào kỹ thuật trong thương mại và các tổ chức có tên gọi khác.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến quan trọng để dự thảo Thông tư sớm được hoàn thiện và đi vào triển khai. Không chỉ cập nhật những điểm mới so với các văn bản liên quan trước đó, dự thảo Thông tư còn được xây dựng dựa trên tình hình khảo sát thực tế nhằm khắc phục tối đa những khó khăn, vướng mắc của các địa phương để hoạt động KH&CN của các tỉnh, huyện ngày càng được đẩy mạnh, đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.