Lổi
  • Error loading feed data

Tin Techmart

Tin tức Đắk Nông

NGÀNH DU LỊCH TỈNH ĐẮK NÔNG - TIỀM NĂNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

Nằm phía Nam Tây Nguyên, Đắk Nông có khí hậu mát mẻ, nguồn tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng với khoảng 16 thác nước xen kẽ những khu rừng đặc dụng, trong đó có nhiều thác nước đẹp đã và đang đầu tư khai thác du lịch như: thác Đray Sáp, thác Gia Long, thác Trinh Nữ, thác Đắk G’Lun, Lưu Ly, thác Đray Nur…; hồ Ea Snô, hồ Tây, hồ Trúc; 2 khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung và Tà Đùng có độ sinh học cao… Toàn tỉnh có 5 di tích lịch sử cấp quốc gia, 1 danh thắng cấp quốc gia, 2 di tích lịch sử cấp tỉnh và nhiều di tích đang được lập, trình các cấp công nhận. Đắk Nông còn là nơi hội tụ của 40 dân tộc anh em tạo nên một nền văn hóa đặc sắc với nhiều phong tục, tập quán, lễ hội độc đáo.

Trên cơ sở lợi thế phát triển du lịch Đắk Nông, Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông ban hành Nghị quyết số 11/2006/NQ-HĐND ngày 03/8/2006 về việc thông qua đề án “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020”, Chính sách khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại và du lịch, ban hành các danh mục kêu gọi đầu tư phát triển du lịch hàng năm và từng giai đoạn, thành lập Tổ một cửa để giải quyết các thủ tục hành chính liên quan du lịch và đầu tư du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển.

Trong thời gian qua, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch được chú trọng với nhiều hình thức: Phát hành đĩa DVD, xuất bản bản đồ dịch vụ du lịch Đắk Nông, các ấn phẩm du lịch, xây dựng panô quảng bá trên trục đường Quốc lộ 14, xây dựng trang chuyên đề quảng bá du lịch trên các Website của tỉnh: Cổng thông tin điện tử Đắk Nông, Trung tâm xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch… Tỉnh đã ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch với thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Mondulkiri (Campuchia) để liên kết phát triển du lịch, tăng cường mối quan hệ hợp tác, quảng bá xúc tiến du lịch để thúc đẩy du lịch các địa phương cùng phát triển.

Tuy nhiên, về cơ sở hạ tầng nói chung và du lịch nói riêng còn nhiều hạn chế, trục đường Quốc lộ 14, 14C, 28 bị xuống cấp, chậm được khắc phục. Hệ thống giao thông đến các khu, điểm du lịch chưa được đầu tư nâng cấp. Sản phẩm du lịch còn thiếu, mới chỉ hình thành hệ thống các cơ sở lưu trú du lịch, các sản phẩm về tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí mới chỉ đầu tư bước đầu, quy mô nhỏ lẻ chưa tạo được ấn tượng cho du khách, chất lượng dịch vụ chưa cao. Nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn thiếu về số lượng và chuyên môn, hiệu quả kinh doanh thấp nên nhà đầu tư chưa chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, thái độ phục vụ nhân viên. Trên địa bàn chưa có cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch, chủ yếu hiện nay là lao động phổ thông. Tình trạng xuống cấp và xâm hại tài nguyên du lịch diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt tại các khu, điểm du lịch sinh thái trên địa bàn dẫn đến sức hấp dẫn tài nguyên giảm, nhà đầu tư nản lòng. Kinh phí hoạt động xúc tiến, quảng bá và đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế nên chưa thể tham gia vào các hoạt động quảng bá mang tính quốc gia, quốc tế do các địa phương lân cận tổ chức. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chưa tổ chức được các đoàn Famtrip của các hãng lữ hành, báo đài, các tỉnh lân cận để khảo sát, kết nối tour, quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch tỉnh nhà đến du khách trong và ngoài nước, tạo điều kiện các nhà đầu tư, đơn vị kinh doanh du lịch tiếp cận với Đắk Nông.

Từ những kết quả đạt được và nguyên nhân, tồn tại, hạn chế của ngành du lịch trong những năm qua, vừa qua tỉnh ban hành Quyết định số 1331/QĐ-UBND về Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2012 - 2015. Với mục tiêu là từng bước đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế động lực, góp phần vào tăng trưởng kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng GDP du lịch, dịch vụ, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và cộng đồng dân cư, tăng nguồn thu ngân sách; hỗ trợ các thành phần kinh tế khác phát triển theo tinh thần của Nghị quyết tỉnh Đảng bộ lần thứ X. Góp phần thực hiện thành công tốc độ tăng trưởng kinh tế ngành dịch vụ giai đoạn 2010 - 2015 đạt trên 18%, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Phát triển đa dạng các loại hình du lịch, từng bước kiện toàn cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật, tạo ra các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng riêng, đa dạng hóa các loại hình du lịch. Đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, văn hóa kết hợp du lịch tâm linh, hội nghị, hội thảo, khám phá và các dịch vụ vui chơi giải trí để thu hút khách quốc tế và nội địa.

Phấn đấu đến năm 2015 đón được 224.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm trên 7% tổng lượt khách. Doanh thu tăng bình quân đạt 20%/năm, năm 2015 đạt 25 tỷ đồng. Thu nhập xã hội từ du lịch đạt 210 tỷ đồng, đưa tổng GDP du lịch năm 2015 đạt 126 tỷ đồng , đạt 1,46% GDP toàn tỉnh. Phòng đạt chuẩn xếp hạng sao: 700 phòng, trong đó 100 - 150 phòng loại cao cấp (3 - 5 sao). Toàn ngành du lịch có 4.300 - 4.800 lao động, trong đó 2.000 - 2.300 lao động trực tiếp phục vụ ngành du lịch.

Đến năm 2015 tỉnh cần 644.162 triệu đồng để phát triển du lịch, trong đó 17% là nguồn ngân sách tỉnh; 15% vốn tự có của doanh nghiệp kinh doanh dịch vu du lịch; 38% là vốn huy động xã hội và tín dụng; thu hút vốn đầu tư nước ngoài là 20%  và 10% là vốn huy động từ các nguồn hợp pháp khác.

Để đẩy mạnh phát triển du lịch giai đoạn 2012 - 2015, tỉnh đã đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như sau:

Đầu tư cơ sở hạ tầng xã hội.Tập trung đầu tư từ nguồn ngân sách và nguồn xã hội hóa các tuyến đường giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư và du khách tiếp cận đến những vùng quy hoạch phát triển du lịch; tạo thành tuyến du lịch liên kết giữa các huyện, thị xã và kết nối các tuyến du lịch ngoài tỉnh, rút ngắn thời gian di chuyển của du khách khi tiếp cận du lịch Đắk Nông. Tập trung ưu tiên đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện và khai thông các tuyến đường Quốc lộ 14, 14C, 28 và một số tuyến đường tới khu, điểm du lịch.

Đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch.Tập trung vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương và địa phương theo hướng ưu tiên, có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi phát triển du lịch trên địa bàn toàn tỉnh; trước mắt ưu tiên đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng các cụm du lịch trọng điểm, các trung tâm du lịch, các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh như: hệ thống điện, nước Công viên vui chơi giải trí Liêng Nung; cơ sở hạ tầng dự án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khu du lịch sinh thái - văn hóa - lịch sử Nâm Nung; dự án điểm du lịch sinh thái Đắk G’Lun; khu du lịch sinh thái cụm thác Đray Sáp - Gia Long - Trinh Nữ.

Đầu tư phát triển hệ thống kỹ thuật phục vụ du lịch. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực xây dựng dịch vụ lưu trú du lịch. Trong đó, khuyến khích các dự án đầu tư xây dựng mới, nâng cấp các cơ sở lưu trú có quy mô tương đối lớn, chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu lưu trú ngày càng cao của du khách. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia dịch vụ kinh doanh lữ hành du lịch tại tỉnh đặc biệt là kinh doanh lữ hành quốc tế.

Đầu tư sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa, du lịch Mice, du lịch khám phá, vui chơi giải trí. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các khu, điểm du lịch đã có chủ trương đầu tư. Bên cạnh đó, không ngừng khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án triển khai theo hướng đa dạng hóa, chú trọng đến các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, trong đó ưu tiên tập trung xây dựng các khu, điểm du lịch sinh thái, vui chơi giải trí: Công viên vui chơi giải trí Liêng Nung, khu du lịch sinh thái văn hóa cụm thác Đray Sáp - Gia Long - Trinh Nữ, khu du lịch sinh thái văn hóa lịch sử Nâm Nung, điểm du lịch sinh thái Đắk GLun; Tập trung đầu tư sản phẩm du lịch văn hóa, đầu tư phục dựng, hình thành các dịch vụ du lịch tại các khu di tích văn hóa lịch sử. Phục dựng và bảo tồn các lễ hội truyền thống các đồng bào dân tộc tỉnh. Tập trung các lễ hội có quy mô lớn, mang tính chất cộng đồng cao, tổ chức định kỳ hàng năm gắn kết với các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài tỉnh, các công ty lữ hành để quảng bá, tuyên truyền các lễ hội nhằm thu hút khách du lịch đến tham gia như: Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh và các huyện; Lễ hội sum họp cộng đồng; Lễ kết nghĩa giữa các bon.

Du lịch kết hợp tham quan làng nghề, các công trình kinh tế, các khu nông nghiệp chất lượng cao của tỉnh. Xây dựng các làng nghề truyền thống, buôn cổ gắn với tham quan du lịch: tham quan buôn cổ Buôn Bour; dệt thổ cẩm, cồng chiêng, đan lát, rượu cần, ẩm thực tại bon N’riêng; Cồng chiêng, văn hóa dân gian, sử thi Ot N’rông tại bon Pinao. Du lịch kết hợp với tham quan các công trình kinh tế: thủy điện Đắk R’Til, thủy điện Đồng Nai 3, thủy điện Buôn Tua Sah, Khu công nghiệp Tâm Thắng, Khu công nghiệp chế biến Alumin - Nhân Cơ. Du lịch kết hợp tham quan các khu nông nghiệp chất lượng cao: khu vực nuôi cá Tầm, khu chuyên canh trồng tiêu, vườn sinh thái kết hợp chăn nuôi, trồng trọt, khu trồng cam, trồng xoài. Đồng thời, khuyến khính cộng đồng tham gia phát triển du lịch, phối hợp với các hãng lữ hành xây dựng các tour du lịch kết hợp với tham quan các làng nghề, công trình kinh tế, khu nông nghiệp chất lượng cao.

Đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch.Thường xuyên cung cấp thông tin du lịch cho các tạp chí chuyên ngành, trung tâm xúc tiến du lịch, các cơ quan thông tấn, báo chí, Website Trung ương và địa phương để quảng bá du lịch Đắk Nông ra các thị trường. Tăng cường hợp tác với các tỉnh bạn. Tổ chức các đoàn Famtrip để các hãng lữ hành, báo chí, các đơn vị kinh doanh du lịch trong và ngoài tỉnh có dịp tiếp cận du lịch Đắk Nông để xây dựng sản phẩm, liên kết tuor, tuyến du lịch “Con đường xanh Tây Nguyên”, Đường Hồ Chí Minh huyền thoại và trở về chiến trường xưa”. Xuất bản các ấn phẩm quảng bá du lịch của tỉnh. Tích cực tham gia các sự kiện, hội chợ, hội thảo về du lịch tại địa phương và các tỉnh trong khu vực. Tăng cường xúc tiến kêu gọi đầu tư, hỗ trợ các nhà đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng du lịch. Tổ chức các chương trình khảo sát, học tập trao đổi kinh nghiệm xây dựng các mô hình du lịch, hoạt động quản lý Nhà nước tại các địa phương có ngành du lịch phát triển cho cán bộ quản lý Nhà nước về du lịch cấp tỉnh, huyện, thị xã.

 Về công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và nâng cao nhận thức về du lịch. Từng bước chuẩn hóa, nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp cho đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước, các đơn vị kinh doanh du lịch, đẩy mạnh xã hội hóa đào tạo nguồn lực du lịch phù hợp với nhu cầu xã hội. Tổ chức các lớp tập huấn quản lý Nhà nước về du lịch cho cán bộ, công chức quản lý Nhà nước thuộc tỉnh, huyện, thi xã; cử cán bộ, chuyên viên tham gia các khóa đào tạo trong và ngoài nước…

 Phát triển du lịch kết hợp với bảo vệ môi trường. Tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch, hạn chế sự tác động đến môi trường. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của cộng đồng về lợi ích của phát triển du lịch.

Trên cơ sở Nghị quyết số 09/2012/NQ-HĐND ngày 31/5/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông về việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020, các huyện, thị xã xây dựng quy hoạch phát triển du lịch cho địa phương, để quản lý, bảo vệ tài nguyên, kêu gọi đầu tư, thực hiện quy hoạch theo đúng định hướng đề ra, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển. Hoàn thành công tác quy hoạch các khu, điểm du lịch trọng điểm; Củng cố bộ máy quản lý Nhà nước về du lịch; Tăng cường công tác phối hợp liên ngành và liên vùng trong công tác quản lý Nhà nước và quy hoạch; Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin du lịch trong quản lý Nhà nước và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp trong nước và quốc tế đóng góp ý tưởng, hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nói chung và kết cấu hạ tầng du lịch nói riêng. Xây dựng cơ chế quản lý, phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hình thành mô hình từng người dân, cộng đồng dân cư tham gia du lịch. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức, cá nhân trong việc đầu tư phát triển du lịch tại địa phương.

Hoạt động du lịch Đắk Nông đang phát triển theo đúng định hướng mà Đảng và Nhà nước đã vạch ra. Đây là một ngành hứa hẹn sẽ đem lại nguồn thu ngân sách cao và ổn định. Nhận thức được tầm quan trọng cũng như tiềm năng du lịch của tỉnh, nhân dân và cán bộ Đắk Nông đã và đang ra sức xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, hoàn thiện các công trình dân sinh, dần hình thành các đô thị trẻ mang diện mạo mới, huy động mọi nguồn lực để nhanh chóng đẩy mạnh phát triển ngành du lịch, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh./.

Bài, ảnh: Huyền Trang