So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Thu07042024

Kết quả khám phá hang động núi lửa Ở Krông Nô, Đăk Nông

Đánh giá:  / 0
DởHay 

Tóm tắt:

   Hang động núi lửa hoặc “hang ống dung nham” là di sản địa chất độc đáo, nổi bật của Công viên Địa chất Núi lửa Krông Nô (KVG), Đắk Nông, được phát hiện từ năm 2007. Kết quả hợp tác khảo sát và nghiên cứu giữa các nhà địa chất Việt Nam và Hội hang động Núi lửa Nhật Bản NPO từ năm 2012 đến tháng 3/2018 đã phát hiện và khảo sát sơ bộ 45 hang, đo vẽ chi tiết 20 hang, đồng thời rút ra nhận xét về nguồn gốc nội sinh và cơ chế thành tạo của hệ thống hang động cũng như các thành tạo nội thất đặc trưng của hệ thống hang động này. Tính đến nay, hệ thống hang động núi lửa ở KVG đã được nghiên cứu và xác lập giá trị di sản trên cả 3 lĩnh vực: địa chất, sinh học và văn hóa (khảo cổ). 

   I. Giới thiệu

   Trên thế giới, hang động núi lửa là một trong những tài nguyên địa chất quý báu đã bắt đầu được quan tâm nghiên cứu và bảo tồn từ cách đây hàng trăm năm. Trong hơn hai thập niên vừa qua, các hang động núi lửa ở một số nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ v.v. lại tiếp tục được khám phá, nghiên cứu, quản lý nhằm bảo tồn và phát triển du lịch địa chất trong khuôn khổ hoạt động của các công viên địa chất núi lửa hoặc các khu bảo tồn thiên nhiên. Ở Việt Nam, cách đây hàng ngàn năm, cư dân Tiền sử chính là những người đầu tiên đã khám phá và sử dụng hệ thống hang động núi lửa ở khu vực Krông Nô. Kỹ năng sinh tồn và kinh nghiệm sống hài hòa với thiên nhiên đã được tích lũy qua nhiều thế hệ, đã giúp họ biết cách lựa chọn những hang động có đặc điểm tự nhiên thuận lợi nhất để làm nơi cư trú, ẩn náu và chế tác công cụ lao động từ những nguyên liệu sẵn có trong thiên nhiên. Nhiều năm qua, người dân địa phương ở khu vực Krông Nô vẫn thường vào những hang động này để bắt dơi làm thức ăn và lấy phân dơi trên nền hang làm phân bón nhưng cũng không hề biết tới các giá trị khoa học và ý nghĩa thực tiễn quý báu của hệ thống hang động dung nham này.

   Năm 2007, chủ trì thực hiện đề tài “Điều tra nghiên cứu di sản địa chất (DSĐC) để xây dựng công viên địa chất (CVĐC) và bảo vệ môi trường khu vực thác Trinh Nữ, huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông, Việt Nam”(2007-2008) do UNESCO tài trợ, TS. La Thế Phúc và cộng sự được anh Nguyễn Thanh Tùng (hướng dẫn viên du lịch) dẫn đường vào hang khảo sát, đãxác lập Hang Dơi ở khu rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp, xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô, Đắk Nông là hang động núi lửa. Phát hiện này đã được công bố rộng rãi ở nhiều hội nghị khoa học trong và ngoài nước, các tạp chí chuyên ngành và hàng chục ngàn tờ rơi tuyên truyền, quảng bá thu hút du lịch.Hội hang động Núi lửa Nhật Bản (VSS) đã tiếp cận được thông tin từ các bài viết ở các hội nghị, tờ rơi tuyên truyền và kết nối với Chủ nhiệm đề tài (thông qua Nguyễn Thanh Tùng).Được sự đồng ý của cấp thẩm quyền, VSS đã chính thức hợp tác với tác giả để khảo sát hang động từ năm 2012 đến 2018. Đây là hệ thống hang động có quy mô, độ dài và tính độc đáo bậc nhất Đông Nam Á [1], là quần thể di sản tiêu biểu, có giá trị khoa học nổi bật và là điểm nhấn đặc biệt hay “linh hồn”của KVG (nay gọi là CVĐC Đắk Nông).

   Hiện nay, hệ thống hang động núi lửa ở KVG vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu trên cơ sở thực hiện đề tài khoa học công nghệ cấp Nhà nước Nghiên cứu giá trị di sản hang động, đề xuất xây dựng bảo tàng bảo tồn tại chỗ ở Tây Nguyên; lấy thí dụ hang động núi lửa ở Krông Nô, tỉnh Đắk Nông(2017 - 2020) do TS. La Thế Phúc làm chủ nhiệm (Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam là cơ quan chủ trì) thuộc Chương trình Tây Nguyên giai đoạn 2016 - 2020 “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế” do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ quản. Kết quả khám phá hang động núi lửa ở KVG có nhiều phát hiện mới trên cả 3 lĩnh vực: địa chất, sinh học và khảo cổ. Dưới đây là kết quả hợp tác nghiên cứu hang động núi lửa ở KVG trong những năm vừa qua của các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản.

   II. Kết quả khám phá hang động núi lửa Krông Nô  

   1. Đặc điểm phân bố hang động

   Hệ thống hang động dung nham nằm trọn trong các thành tạo đá basalt thuộc hệ tầng Xuân Lộc[5], liên quan trực tiếp với hoạt động phun trào của núi lửa Chư B’Luk.Tính đến tháng 3/2018, có 45hang cócửa/miệnghang đủ rộng để người lớn dù khó vẫn có thể chui lọt đã được phát hiện, không tính hàng loạt các hang mà cửa hang có kích thước nhỏ, người lớn khó chui lọt. Trong đó,20 hang đã được đo vẽ chi tiết[3].

   Hang động phân bố rải rácxung quanh núi lửa Chư B’Luk với khoảng cách xa nhất tới 15km (như hệ thống hang có ký hiệu là B thuộc xã Đắk Sôr, cách núi lửa Chư B’Luk ~15km về phía tây bắc). Các hang thường phân bố thành từng dải, phản ánh xu hướng của các dòng chảy dung nham, liên quan mật thiết với các giai đoạn phun trào của núi lửa Chư B’Luk[3].

   Dựa theo mực nước ngầm, hang động được chia thành 2 loại: hang khô và hang ướt. Hang khô là hang nằm trên mực nước ngầm hiện tại, không bị ngập nước. Hang ướt là hang nằm dưới mực nước ngầm hiện tại, thường xuyên bị ngập nước. Công tác khám phá, nghiên cứuhang động hiện nay mới chỉ được tập trung vào các hang khô và có miệng hang lộ ra trên bề mặt đất. Những hang ngầm không lộ ra bề mặt đất và các hang ngập nước chưa được tìm kiếm, khám phá.

   Phân tích bản đồ địa hình,ảnh Flycam và kiểm chứng quakhảo sát thực địa cho thấy có nhiều dạng địa hình âm (hình lòng chảohay phễu,không kể miệng núi lửa Chư B’Luk) với đường kính từ 10m - 15m, sâu từ 3m - 10m, phân bố thành dạng tuyến. Có hố chứa các tảng basalt sắp xếp hỗn độn biểu hiện của sự sụp đổ, có hố chứa những mảnh basalt bị uốn dẻo sinh ra trong quá trình phun trào. Những hố sụt này rất có thể là những hang đã bị sập trần tạo thành cửa thứ sinh nhưng đã bị bịt kín, hoặc cũng có thể là miệng núi lửa phụ của núi lửa Chư B’Luk? cần được nghiên cứu chi tiết hơn.

   2.  Đặc điểm cửa (miệng) hang độngnúi lửa

   Về hình dạng, cửa hang núi lửa ở KVG có nhiều loại, gồm: hình vòm bán nguyệt, hình elip nằm ngang, hình ống, hình tam giác tròn góc….

Hình 1: Miệng hang P8 sâu thẳng đứng 25m [3]

Hình 2: Cửa hang (thứ sinh) C1 [3]

Hình 3: Miệng hang C7 chụp từ dưới lên [3]

   Về nguồn gốc, miệng hang núi lửa ở KVG có 2 kiểu nguồn gốc: nguyên sinh và thứ sinh. Cửa nguyên sinh thường dốc và sâu do được hình thành theo cơ chế thoát khí. Kích thước cửa hang nguyên sinh thường nhỏ hơn với hình khá tròn (đường kính dao động 3 - 7m). Có những miệng hang nguyên sinh sâu thẳng đứng tới 25- 26m(Hình 1).Cửa hang thứ sinh hình thành do hiện tượng sập trần hang tại những nơi xungyếucó lớp phủ trần mỏng (như tại các vòm khí, nơi phân nhánh của hang). Hầu hết các hang ở khu vực Krông Nô đều là các cửa hang thứ sinh (Hình 2, 3).[3].

   3. Đặc điểm độ dài hang

   Độ dài của các hang này dao động từ 81m - 1066.5m, đạt được hàng loạt kỷ lục Đông Nam Á về độ dài của hang động dung nham: vị trí về độ dài thứ nhất, thứ hai và thứ ba đều thuộc về hang động núi lửa ở KVG [3].

   Độ sâu hang: các hang dung nham ở KVG có sự chênh lệch độ sâu hay lớp phủ trần hang rất lớn, thông thường dao động từ 0.5m đến một vài mét, cá biệt có những hang sâu vài chục mét như hang P8 (Hình 1) và P20 ở phía bắc và tây bắc ngọn núi lửa Chư B’Luk [3].

   4. Đặc điểm phân nhánh phân tầng

Hiện tượng phân nhánh khá phổ biến, mức độ phân nhánh từ đơn giản đến phức tạp. Độ mở/khoảng cách giữa các nhánh phụ thuộc vào bề mặt địa hình cổ. Địa hình cổ càng bằng phẳng thì độ mở của nhánh càng lớn (ví dụ: hang C7). Địa hình cổ càng trũng hẹp, thì hiện tượng phân nhánh càng ít và độ mở của nhánh càng hẹp [3].

   Hiện tượng phân tầng cũng có sự phức tạp theo cả chiều rộng và chiều sâu. Trong khi một số hang chỉ thể hiện một tầng như hang C8, C9, P11, v.v., lại có một số hang có tới 2 - 3 tầng như hang C0, A1, T66 v.v.[3]

   Nghiên cứu đặc điểm phân bố và cấu trúc của các hang động dung nham sẽ góp phần làm sáng tỏ mối liên quan chặt chẽ với thành phần vật chất, đặc điểm thủy động lực của dòng dung nham, đặc điểm địa hình cổ và hoạt động kiến tạo trong khu vực. Mối quan hệ này sẽ được đề cập trong một bài báo khác.

   5. Một số thành tạo nội thất tiêu biểu ở hang động dung nham/núi lửa KVG

   Mỗi thành tạo nội thất hang động dung nham đều chứa đựng những thông tin phản ánh xác thực cơ chế thành tạo hang, đặc điểm các thế hệ dòng dung nham, đặc tính hóa lý và tính chất thủy động học của dòng dung nham, hướng chảy của dòng dung nham, tương tác giữa các dòng dung nham với nhau và với môi trường xung quanh…

  Các thành tạo nội thất tiểu biểu trong hang động núi lửa KVG đã được nghiên cứu và xác lập, bao gồm (Hình 4) [3, 6, 7]:

  Ngấn dung nham (Hình 5), Lớp lót tường hang, Kệ dung nham (Hình 6), Đê dung nham, Bóng dung nham, Dòng chảy dung nham, Cửa sổ dung nham, nút dung nham và thác dung nham, Thác dung nham, Hồ dung nham, Giếng trời (nguyên sinh và thứ sinh), Vết nứt nguyên sinh và thứ sinh (trần hang, tường hang và nền hang), Nền hang pahoehoe và nền hang A’a, Thạch nhũ (nguyên sinh và nhũ thứ sinh) trong hang, Basalt cầu gối, Men dung nham, Khuôn cây trong các hang động dung nham (Hình 7)…

  Hình 4: Sơ đồ phân bố các thành tạo thường thấy trong hang núi lửa(Theo Ken G. Grimes, 2005)

   Ngoài ra, còn có nhiều thành tạo kỳ lạ trong hang động dung nham khác nữa cũng rất độc đáo, nhiều loài sinh vật được phát hiện là loài mới cho khoa học và đặc hữu (chỉ có trong hang động núi lửa nơi đây) đã và đang được công bố quốc tế, nhiều di tích khảo cổ được phát hiện gây chấn động cho giới khoa học trong và ngoài nước, rất hiếm gặp trên thế giới… mà chúng tôi không thể đề cập hết trong khuôn khổ bài báo này; mà sẽ được thể hiện ở các bài báo khác. 

Hình 5: Ngấn dung nham  ở hang C2 [3]

Hình 6: Kệ dung nham ở   hang C6-1 [3]

Hình 7: Hóa thạch (khuôn cây) trong hang C3 [3]


   III. Kết luận

   1. Hệ thống hang động núi lửa/dung nham KVG có nguồn gốc nội sinh, được thành tạo từ những dòng dung nham basalt có độ nhớt thấp, phun trào từ miệng núi lửa Chư B’Luk và có tuổi từ 700.000 năm - 200.000 năm cách ngày nay. Trong số 45 hang đã được phát hiện tính đến tháng 3/2018, đã đo vẽ chi tiết 20 hang với tổng chiều dài 8.073,3m.

   2. Quy luật phân bố và đặc điểm hình thái của hệ thống hang động dung nham KVG được chi phối bởi đặc điểm bề mặt địa hình cổ, thành phần vật chất, đặc tính lý hóa và đặc điểm thủy thạch động lực của dòng dung nham.

   3. Tuy cơ chế thành tạo chung của hệ thống hang động dung nham là giống nhau, nhưng mỗi hang động dung nham ở KVG lại có đặc điểm phân bố, độ dài, hình dạng, phân nhánh phân tầng và các dấu tích (nội thất) riêng biệt khác nhau, đã tạo nên tính đa dạng của hệ thống hang động của KVG.

   4. Bên cạnh các giá trị khoa học địa chất, hệ thống hang động KVG còn chứa đựng các giá trị đa dạng sinh học và văn hóa - khảo cổ độc đáo, nguồn tài nguyên vô giá phục vụ phát triển du lịch của KVG, góp phần phát triển bền vững kinh tế xã hội của tỉnh Đăk Nông.

   5. Hang động dung nham ở KVG là kết cấu yếu, rất nhạy cảm với các yếu tố xâm hại từ thiên nhiên và con người. Vì vậy, trong các hoạt động nhân sinh và xây dựng cơ sở hạ tầng KVG cần phải đặc biệt lưu ý, tránh các tác động có thể làm xâm hại hệ thống di sản không tái tạo này, dẫn đến những hậu quả xấu không thể khắc phục nổi. Sử dụng công nghệ monorail là phương thức vận chuyển tối ưu cho khai thác du lịch khu vực hang động núi lửa, nhằm giảm thiểu tối đa những tác động xấu và bảo vệ môi trường, như: đảm bảo nguyên trạng môi trường sinh thái rừng, giảm thiểu phát thải CO2, giảm thiểu các rung chấn và tiếng ồn, quản lý được du khách và rác thải nhân sinh, đồng thời thúc đẩy việc khai thác hiệu quả du lịch địa chất của KVG.

   Bài báo này là sản phẩm của đề tài KHCN của Tỉnh “Nghiên cứu, điều tra đánh giá di sản địa chất, xây dựng công viên địa chấtkhu vực Krông Nô, tỉnh Đắk Nông” và đề tài TN17/T06.

TS. La Thế Phúc và cộng sự

Tài liệu tham khảo:

  1. HiroshiTachihara, Tsutomu Honda, La The Phuc et all, 2014.Thông cáo báo chí “Công bố kết quả khảo sát hang động núi lửa tại khu vực Krông Nô, tỉnh Đắk Nông, Tây Nguyên Việt Nam”,ngày 26/12/2014 tại Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, số 6 Phạm Ngũ Lão, Hà Nội;
  2. Hiroshi Tachihara, Tsutomu Honda, Yuriko Chikano et all(NPO Vulcano Speleological Society), 2017.Báo cáo kết quả khảo sát đo vẽ chi tiết hang động núi lửa ở Công viên địa chất núi lửa Krông Nô, Đắk Nông, Việt Nam năm 2012 – 2017;
  3. La Thế Phúc (chủ biên) và nnk, 2008. Báo cáo “Điều tra nghiên cứu di sản địa chất để xây dựng công viên địa chất và bảo vệ môi trường khu vực thác Trinh Nữ, huyện CưJut, tỉnh Đắk Nông, Việt Nam”. Lưu trữ Bảo tàng Địa chất, Hà Nội;
  4. La Thế Phúc(chủ biên) và nnk, 2018. Báo cáo “Nghiên cứu, điều tra đánh giá di sản địa chất, xây dựng công viên địa chất khu vực Krông Nô, tỉnh Đắk Nông;
  5. Nguyễn Đức Thắng, 1989.Địa chất và khoáng sản nhóm tờ Bến Khế - Đồng Nai, tỷ lệ 1:200.000. Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Hà Nội;
  6. Stephen A. Nelson, 2017.Volcanoes and Volcanic Eruptions. EENS 1110. Physical Geology. Tulane University. New Orleans, USA;
  7. Tsutomu Honda, HiroshiTachihara, 2015. Vietnam Volcanic Cave Survey. e-NEWSLETTER, UIS Commission on Volcanic caves, N069, April, 2015, p.11-12;