Lổi
  • Error loading feed data

Tin Techmart

Tin tức Đắk Nông

Di tích lịch sử các địa điểm đấu tranh của đồng bào M’Nông do N’Trang Lơng lãnh đạo

Đây là chứng tích ghi dấu sự đấu tranh kiên cường của đồng bào các dân tộc trên cao nguyên M’nông trong hơn 1/4 thế kỷ.

N’Trang Lơng tên thật là Lơng, sinh khoảng năm 1870 tại Buôn Bupar, một làng M’nông Biệt dưới chân núi Nam Drôn thuộc khu vực suối Đắk Nha, phía bắc cao nguyên M’nông. Từ năm 1909, Pháp bắt đầu tung những đơn vị, những phái đoàn lên thám thính vùng cao nguyên M’nông. Tên Henri Maitre (tên tướng Pháp cầm đầu phái đoàn) đã cho xây dựng đồn Pu Sra và tấn công ngôi làng N’Trang Lơng đang sinh sống, hãm hại gia đình ông.

Trong những năm 1912-1915, nghĩa quân N'Trang Lơng liên tục tấn công thực dân Pháp, lần lượt đập tan các đồn bốt của chúng trên cao nguyên M'nông như: trận đánh đồn Pu Sra đầu năm 1912, cuộc chống càn thắng lợi trong mùa khô 1912-1913, trận đánh liên hoàn Bu Nor - Buméra - Bu Bông trong tháng 7-1914; các trận đánh khác tiếp ngay sau đó, nổi bật là chiến thắng vang dội của nghĩa quân do N’Trang Lơng lãnh đạo trong “lễ lết minh” hay “lễ trá hàng”, tiêu diệt đồn Buméra và tên tướng Pháp gian ác - Henri Maitre.

Sau 12 năm kể từ khi thất thủ đồn Buméra (1914-1927), đến năm 1928, thực dân Pháp chính thức xâm lược trở lại cao nguyên M’nông với mục tiêu then chốt là tiêu diệt thủ lĩnh N’Trang Lơng và phong trào khởi nghĩa của các dân tộc Tây Nguyên, làm chủ vùng đất này. Đầu năm 1935, địch bắt đầu tấn công mạnh bằng hoả lực vào khu căn cứ Nâm Nung - cơ quan đầu não của nghĩa quân N’Trang Lơng. Ngày 23/5/1935, trong trận giao chiến, N’Trang Lơng bị trọng thương và bị bắt. Sau đó, ông mất ngày 23/5/1935. Phong trào khởi nghĩa chống thực dân Pháp của nghĩa quân tiếp tục diễn ra đến năm 1936 mới hoàn toàn kết thúc.

Cuộc khởi nghĩa của đồng bào các dân tộc thiểu số chống thực dân Pháp xâm lược kéo dài 24 năm (1911 – 1935) do thủ lĩnh N’Trang Lơng đứng đầu bị kẻ thù đàn áp, dập tắt, nhưng ý chí kiên cường, tinh thần đoàn kết các dân tộc trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung đã khích lệ các thế hệ người M’Nông, Stiêng, Ê đê, Mạ, Chàm, Kinh, K’ho…đứng lên chống bọn xâm lược và tay sai. Thân thế  và sự nghiệp của anh hùng N’Trang Lơng là một bộ phận lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam trước khi có Đảng; là sự nối kết giữa đồng bào các dân tộc Tây Nguyên với công cuộc giải phóng khỏi ách áp bức bóc lột của thực dân Pháp trên cả nước và khối đại đoàn kết các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Ngày nay, để ghi nhớ công lao và những chiến tích của vị thủ lĩnh người M’nông, tỉnh Đắk Nông đã và đang triển khai xây dựng Tượng đài anh hùng dân tộc N’Trang Lơng tại trung tâm thị xã Gia Nghĩa; phục dựng di tích các địa điểm về phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của đồng bào M’Nông do N’Trang Lơng lãnh đạo tại xã Đắk R’tih và xã Đắk Buk So, huyện Tuy Đức.

Đức Toàn- Trung tâm XTĐT, TM&DL tỉnh Đắk Nông

Thêm ý kiến


Security code
Làm mới