Tạo đột phá cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia

Đánh giá:  / 0
DởHay 

    Thời gian qua, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) của Việt Nam từng bước được hình thành và phát triển, với các chủ thể trong hệ sinh thái đã tham gia tương đối chủ động và tích cực. Hệ thống pháp lý thúc đẩy KNĐMST tương đối đầy đủ, hỗ trợ kịp thời cho hoạt động của các doanh nghiệp KNĐMST. Đã đến lúc hệ sinh thái KNĐMST cần bước sang giai đoạn mới để thích ứng và bứt phá, đặc biệt là đồng bộ hóa và huy động các nguồn lực, cả từ khu vực nhà nước lẫn khu vực tư nhân, trong nước và nước ngoài, tăng cường liên kết và phối hợp hiệu quả giữa các chủ thể trong hệ sinh thái.

Tạo đột phá cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia


    Mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng hệ sinh thái KNĐMST của Việt Nam trong năm 2020 vẫn có những tín hiệu tăng trưởng khả quan. Bảng xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp các quốc gia năm 2020 do Startup Blink - Trung tâm nghiên cứu và lập bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu công bố thì Việt Nam tăng 13 bậc, lên vị trí thứ 59 trên thế giới, hướng tới vị thế trung tâm khởi nghiệp hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Đáng chú ý, trong bối cảnh dịch Covid-19, nhiều sự kiện lớn về KN ĐMST ở các nước phải hoãn, hoặc tổ chức online, Việt Nam là nước duy nhất tổ chức được Ngày hội KNĐMST quốc gia (Techfest Việt Nam 2020), với điểm nhấn là hơn 150 nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong và ngoài nước tham gia tìm kiếm cơ hội đầu tư. Kết quả quan tâm đầu tư đạt hơn 14 triệu đô la Mỹ, vượt các năm trước, chưa kể đến các kết nối đầu tư riêng của các vườn ươm khu vực tư nhân, các làng công nghệ. Theo thống kê, tổng giá trị các thương vụ đầu tư vào doanh nghiệp KNĐMST Việt Nam từ đầu năm đến nay là 290,43 triệu USD.

 

    Theo đánh giá của các chuyên gia, hệ sinh thái KNĐMST của Việt Nam phát triển mạnh nhờ quy mô của nền kinh tế quốc gia đang ngày một mở rộng. Năm 2020, thị trường tại Việt Nam được đánh giá là một điểm đến an toàn, được các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư lựa chọn. Bà Hoàng Thị Kim Dung, Trưởng đại diện Quỹ đầu tư Nhật Bản Genesia Ventures tại Việt Nam cho biết, các nhà đầu tư đang có sự tin tưởng rất lớn vào tiềm năng của hệ sinh thái KNĐMST của Việt Nam, kỳ vọng đây thị trường tiềm năng ở châu Á, sau In- đô-nê-xi-a. Việt Nam có quy mô dân số trẻ, với lòng đam mê khởi nghiệp; số lượng startup nhiều, chất lượng đào tạo nhân lực tốt và có sự đồng hành rất lớn từ phía Chính phủ. Giới đầu tư đánh giá In-đô-nê-xi-a đi trước hệ sinh thái KNĐMST của Việt Nam từ 3 đến 5 năm, nhưng khi các nhà đầu tư thấy điểm gần “chín” của thị trường In-đô-nê-xi-a thì sẽ tìm kiếm thị trường tiềm năng khác như Việt Nam.

 

    Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã triển khai nhiều chương trình, dự án là nền tảng để xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, như: Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Phần Lan - Việt Nam (IPP và IPP2); Chương trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu theo mô hình thung lũng Silicon tại Việt Nam (VSV). Đặc biệt, Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST quốc gia đến năm 2025 (Đề án 844) đã tập trung nâng cao năng lực, tổ chức đào tạo, huấn luyện cho các chủ thể trong hệ sinh thái, đồng thời, phát triển hợp tác, liên kết, truyền thông. Kết quả đưa đến hình thành một thế hệ doanh nghiệp KNĐMST mới, phát triển các mô hình, giải pháp mới ứng dụng công nghệ 4.0 trong nhiều lĩnh vực, như Abivin; Nami, Ekid, Medlink… Đáng chú ý, có hai doanh nghiệp KNĐMST được định giá trên 1 tỷ đô la Mỹ (start-up kỳ lân) là Công ty cổ phần VNG (Vinagame), VNP và khoảng 10 doanh nghiệp KNĐMST được định giá trên 100 triệu đô la Mỹ.  Ngoài ra, có 61 quỹ đầu tư hoạt động ở Việt Nam, tăng 50% so với năm 2018; 57 cơ sở ươm tạo và 25 tổ chức có triển khai các chương trình thúc đẩy kinh doanh, tăng gấp 3 - 4 lần so với năm 2016; 170 khu cơ sở vật chất hỗ trợ khởi nghiệp…

 

    Nhiều chuyên gia cho rằng, giai đoạn tới, hệ sinh thái KNĐMST cần phát triển hơn nữa để thật sự trở thành môi trường thuận lợi kiến tạo, nuôi dưỡng các ý tưởng và doanh nghiệp KNĐMST. Hệ sinh thái có sự tham gia mạnh mẽ từ khu vực tư nhân, nhất là của các chuyên gia, nhà đầu tư, người Việt Nam thành công ở nước ngoài, do đó cần thiết phải có một đầu mối thống nhất quản lý, đóng vai trò điều phối các nguồn lực, như công nghệ, con người, vốn đầu tư. Các sự kiện liên quan đến KNĐMST cần được hướng tới phục vụ các mục tiêu, mục đích khác nhau, tránh trùng lặp, dàn trải. Vai trò của Nhà nước, Chính phủ và một đầu mối điều phối chung có tính quyết định trong việc hình thành và nuôi dưỡng sự phát triển lành mạnh của hệ sinh thái KNĐMST. Nhà nước cần tác động toàn diện tới các thành tố của hệ sinh thái, thúc đẩy mối liên kết, từ đó giúp hình thành lực lượng doanh nghiệp mạnh, làm đòn bẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, chất lượng và bền vững.

 

    Hệ thống chính sách cho KNĐMST cũng cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung, tháo gỡ các rào cản, đồng thời, có những ưu đãi để khuyến khích đầu tư cho KNĐMST. Hiện nay, các quỹ đầu tư thường được đặt ở nước ngoài và xu hướng các startup hoạt động tại Việt Nam nhưng thành lập tại Singapore để nhận vốn đầu tư vẫn phổ biến. Đại diện Công ty cổ phần đầu tư Medlink cho biết, nhu cầu nói chung của các startup là nhận đầu tư giai đoạn tiền hạt giống (Pre-seed) và hạt giống (Seed). Ở các giai đoạn này chủ yếu nhà đầu tư thiên thần đầu tư chứ không phải các quỹ, trong khi đó, quy định yêu cầu các nhà đầu tư thiên thần phải có đại diện và mở tài khoản đầu tư tại Việt Nam, thủ tục phức tạp, mất nhiều thời gian khiến nhà đầu tư ngại và nhiều startup phải đăng ký phải thành lập tại Singgapore để nhận vốn thuận lợi. Các startup đăng ký hoạt động ở nước ngoài hầu hết có chất lượng tốt, và nếu chúng ta không cải thiện sẽ rơi vào tình trạng “chảy máu” startup.

 

    Thực tế hiện nay cho thấy, nhu cầu nâng cao năng lực của doanh nghiệp KNĐMS và các chuyên gia tư vấn, hỗ trợ KNĐMST nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, quỹ đầu tư và tạo nội lực cho hệ sinh thái là rất lớn. Theo TS. Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, để làm được điều đó, cần phát huy hiệu quả và tránh lãng phí, chồng chéo các nguồn lực sẵn có hiện nay như: hệ thống các kết quả nghiên cứu, thông tin sáng chế, tổ chức đại diện sở hữu trí tuệ, các nghiên cứu viên, chuyên gia, các tổ chức KH&CN…; mạng lưới đại diện KH&CN tại nước ngoài; nguồn lực xã hội hóa từ khu vực tư nhân, doanh nghiệp lớn, tập đoàn, các cơ sở ươm tạo, thúc đẩy kinh doanh, khu làm việc chung tư nhân, nguồn lực từ các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp… Để huy động các nguồn lực nêu trên và tạo đột phá trong hỗ trợ và xây dựng hệ sinh thái KNĐMST cần hình thành những mô hình mới. Thí dụ, mô hình Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST cung cấp dịch vụ công đặc thù cho doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST tư nhân, vườn ươm, trường đại học. Mô hình kết hợp giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với khu vực nhà nước và doanh nghiệp nhằm huy động và khai thác có hiệu quả sức mạnh nguồn nhân lực, tri thức, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong khối cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp. Mô hình xây dựng hệ sinh thái KN ĐMST tại các tập đoàn nhằm khai thác hiệu quả nguồn lực chuyên gia, chuỗi cung ứng, đối tác của các tập đoàn hỗ trợ cho doanh nghiệp KNĐMST, đồng thời, là phương thức nâng cao khả năng cạnh tranh của tập đoàn trong bối cảnh mới. Vườn ươm công lập cần thiết cho lĩnh vực liên quan đến an ninh, quốc phòng hoặc công nghệ có ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng (vắc xin, thuốc chống dịch bệnh), công nghệ bảo vệ môi trường (thiên tai, động đất, sóng thần, …). Các giải pháp đồng bộ nêu trên sẽ tạo bước chuyển biến mới cho hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia.

 

Nguồn: Natec.gov.vn

 

 

Tin mới

Các tin khác