Nghị quyết về phát triển nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2010 - 2015, định hướng đến năm 2020

Đánh giá:  / 0
DởHay 

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 26 - NQ/TW ngày 05/08/2008 của Hội nghị TW 7 khóa IX về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X nhiệm kỳ 2010 - 2015 xác định “Phát triển nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiệu quả, bền vững, đồng thời tạo mũi đột phá về nông nghiệp công nghệ kỹ thuật cao. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ”. Để đạt được mục tiêu trên, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết về phát triển nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2010 - 2015, định hướng đến năm 2020 như sau:

I. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG VỀ NÔNG NGHIỆP CỦA TỈNH TRONG THỜI GIAN QUA

Trong điều kiện một tỉnh thuần nông với trên 80% dân số sống phụ thuộc vào nông nghiệp, BCH Đảng bộ tỉnh đã xác định vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân có vai trò trọng yếu trong sự phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh. Vì vậy, sau khi Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX về vấn đề tam nông ra đời, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 35A-CTr/TU ngày 8/12/2008 xác định những mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp thiết thực để phát triển nền nông nghiệp bền vững có chất lượng cao. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển khuyến nông, khuyến ngư giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020.

Đồng chí Trần Quốc Huy, Bí thư Tỉnh ủy thăm mô hình trồng cà phê ghép tại xã Đức Mạnh (Đắk Mil)

Trên cơ sở Nghị quyết, chương trình của Tỉnh ủy, chính quyền các cấp đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, quan tâm đầu tư nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hỗ trợ xây dựng nông thôn, cải thiện và nâng cao đời sống nông dân. Do vậy, giai đoạn 2005 - 2010, sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội; quy mô, năng lực sản xuất tăng lên rõ rệt, tốc độ tăng trưởng ngành nông - lâm nghiệp hàng năm 75%. Công tác khuyến nông, khuyến lâm, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất được chú trọng, năng suất và chất lượng nhiều loại cây trồng, vật nuôi được nâng lên. Bước đầu hình thành một số mô hình sản xuất trang trại nông - lâm kết hợp, sản xuất theo hướng hàng hóa và phát triển một số cây trồng mới có hiệu quả kinh tế cao; an toàn lương thực được đảm bảo.

Bên cạnh những thành tựu đạt được trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém: Sử dụng đất đai chưa hợp lý, còn lãng phí lớn; cơ cấu kinh tế nông nghiệp và ngành nghề nông thôn chuyển dịch chậm; sản xuất còn manh mún, tự phát, thiếu ổn định và quy mô sản xuất nhỏ lẻ và phân tán; trình độ sản xuất không đồng đều, chất lượng sản phẩm thấp, giá thành cao, khả năng cạnh tranh kém. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đặc biệt là sử dụng giống mới, kỹ thuật canh tác bền vững, sản xuất gắn kết với thị trường và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hàng hóa còn hạn chế, thậm chí yếu kém. Chính vì vậy, khả năng cạnh tranh thấp, giá trị sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích canh tác còn thấp so với trong vùng và cả nước. Công nghiệp chế biến nông sản, nhất là công nghệ thu hoạch, bảo quản, chế biến sau thu hoạch phát triển chậm. Thu nhập của người lao động khu vực nông nghiệp thấp và chịu nhiều rủi ro lớn, thua thiệt nhiều so với lao động ở các khu vực kinh tế khác.

Nguyên nhân hạn chế, yếu kém:

Về khách quan: Điểm xuất phát của nền kinh tế và khả năng đáp ứng của các nguồn lực cho nhu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn còn thấp. Tư duy về phát triển kinh tế nông nghiệp trong nền kinh tế thị trường với môi trường hội nhập quốc tế ngày càng cao của cán bộ đảng viên và đại bộ phận nông dân còn nhiều hạn chế. Khu vực nông nghiệp, nông thôn chịu nhiều tác động của thiên tai, dịch bệnh, rủi ro cao.

Về chủ quan: Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và các ngành chức năng trong hệ thống chính trị chưa đáp ứng yêu cầu. Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ ngành nông nghiệp còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; các doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chậm phát triển và làm ăn có hiệu quả kinh tế chưa nhiều.

Công tác quy hoạch ngành nông nghiệp còn chậm, chưa hướng tới việc cải thiện năng lực cạnh tranh của các sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Đầu tư xã hội và đầu tư của Nhà nước vào nông, lâm, thủy sản chưa đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp hiện đại. Hệ thống cơ chế, chính sách về nông nghiệp, nông thôn và nông dân thiếu đồng bộ và còn nhiều vướng mắc.

Công tác thông tin, đào tạo, bồi dưỡng, kỹ thuật canh tác cho nông dân, nhất là về luật pháp, chính sách, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chưa được coi trọng. Những giải pháp về giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân hiệu quả chưa cao.

Từ thực trạng nêu trên, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, góp phần nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp là hết sức cần thiết, là một yêu cầu khách quan và là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ta.

Đồng chí Điểu K'Ré, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, UVTVTU, Chủ tịch HĐND tỉnh khảo sát thực tế tại huyện Tuy Đức

II. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU

1. Quan điểm:

Phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao nói chung, thúc đẩy lực lượng sản xuất trong nông nghiệp nói riêng là nhiệm vụ vừa cấp bách trước mắt, đồng thời cũng là mục tiêu lâu dài trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ta, trong điều kiện nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng, toàn diện với nền kinh tế thế giới, với tư cách là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao dựa trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên, đất đai, thổ nhưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút trí tuệ của đội ngũ trí thức, doanh nhân; phát huy tính cần cù, sáng tạo của nông dân; huy động tối đa các nguồn vốn đầu tư bước phát triển có tính đột phá trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Ứng dụng rộng rãi các tiến bộ kỹ thuật, nhất là công nghệ sinh học vào sản xuất, gắn công nghiệp chế biến và dịch vụ nhằm giải quyết việc làm, phân công lại lao động cho xã hội, tăng thu nhập từ sản xuất nông nghiệp và các ngành phi nông nghiệp ở nông thôn. Tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, nâng cao trình độ sản xuất cho nhân nhân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số.

2. Mục tiêu:

2.1 Mục tiêu tổng quát:

Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, có khả năng cạnh tranh dựa trên nền tảng của nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa công nghệ cao, đảm bảo an ninh lương thực và vệ sinh môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bảo đảm vững chắc an ninh lương thực trong tỉnh. Gắn phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị theo quy hoạch. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nông dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nâng cao trình độ dân trí, giác ngộ chính trị, trình độ sản xuất, kỹ thuật canh tác cho nông dân để làm chủ nông thôn mới. Thực hiện tốt các tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới, có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát tiển, hệ thống chính trị vững mạnh, xã hội ổn định, an ninh quốc phòng được giữ vững, trật tự an toàn xã hội, môi sinh, môi trường được đảm bảo.

2.2. Mục tiêu đến năm 2015:

Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến và dịch vụ; nâng cao chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; bồi dưỡng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển, đảm bảo quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và an toàn môi trường.

Tốc độ tăng trưởng ngành nông - lâm nghiệp đạt 5,15%; giá trị sản xuất bình quân đạt trên 50 triệu đồng/1ha đất canh tác; tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản đạt 12% trong cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp; lương thực bình quân đầu người trên 600kg.

2.3. Định hướng đến 2010:

Nền nông nghiệp của tỉnh cơ bản hình thành và phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, góp phần vào việc đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt mức bình quân chung cả nước, tạo tiền đề cơ bản để phát triển toàn diện và bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.

Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 5%; giá trị sản xuất bình quân đạt trên 80 triệu đồng/ha đất canh tác; chăn nuôi cơ bản chuyển sang phương thức trang trại, công nghiệp, tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản đạt trên 20% trong cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp; thu nhập kinh tế hộ gấp 4-5 lần năm 2011.

Đồng chí Trần Phương, UVTV, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy thăm mô hình trồng vải thiều của nông dân xã Nam Đà (Krông Nô)

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Nhiệm vụ:

1.1. Đối với lĩnh vực trồng trọt:

Chú trọng đầu tư vào nhóm cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu, cao su,...; đồng thời, tập trung vào các nhóm cây trồng, nhóm sản phẩm đã được khẳng định tại tỉnh, như: Sản xuất chanh dây tại các huyện Đắk R’lấp, Tuy Đức, Đắk Song, Đắk Glong; chanh không hạt tại Đắk R’lấp, Tuy Đức; rau an toàn và hoa cao cấp trong nhà kính, nhà lưới, tưới nước tiết kiệm tại thị xã Gia Nghĩa, Đắk Mil, Chư Jút, Krông Nô, Đắk Glong; khoai tây Atlantic tại Đắk Song, Tuy Đức, Đắk Mil; khoai lang Nhật tại Tuy Đức, Đắk Song. Hàng năm tiếp tục khảo nghiệm, sản xuất thử các loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao, có thị trường để bổ sung vào cơ cấu phát triển.

Quy hoạch và đầu tư xây dựng khu công nghiệp công nghệ cao (400 - 500 ha) để xây dựng các mô hình trình diễn, thực hiện các đề tài nghiên cứu, thu hút các nhà khoa học, doanh nghiệp đầu tư chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh.

Xây dựng mô hình trồng xen ca cao trong vườn điều tại huyện Đắk R’lấp; cây cọ dầu tại huyện Đắk Glong, cây mắc ca tại huyện Đắk Mil, Đắk Glong, Tuy Đức, Krông Nô; cây măng tây xanh tại huyện Tuy Đức; lúa công nghệ cao tại huyện Krông Nô; cây ăn quả (đặc biệt là nhóm cây có múi) tại thị xã Gia Nghĩa, Đắk Mil, Đắk Glong...

Sản xuất hoa, cây cảnh tại thị xã Gia Nghĩa, Krông Nô và huyện Đắk Mil.

Thực hiện sản xuất cà phê theo quy trình UTZ Certified (cà phê bền vững, đảm bảo thân thiện với môi trường, tăng giá trị sản xuất); đầu tư sản xuất chè công nghệ cao tại Tuy Đức; phát triển ca cao, hồ tiêu bền vững.

Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP); xây dựng, nhân rộng các mô hình phòng trừ dịch hại bằng các chế phẩm sinh học trên các loại cây trồng (lúa, rau, đậu đỗ, cà phê...), đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường.

Thu hút đầu tư xây dựng Trung tâm sản xuất giống cây trồng công nghệ cao tại huyện Chư Jút (giống cây công nghiệp, đậu đỗ, bông) và huyện Krông Nô (giống cây lương thực thực phẩm lúa, ngô, rau).

1.2. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản:

Chuyển đổi phương thức chăn nuôi, thủy sản theo hướng trang trại. Quy hoạch vùng chăn nuôi, nuôi thủy sản gắn với bảo vệ môi trường và an toàn sinh học.

Xã hội hóa hoạt động dịch vụ khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi, thú y, thủy sản để huy động các nguồn lực phát triển chăn nuôi, nuôi thủy sản.

Triển khai xây dựng các Trung tâm giống về chăn nuôi, thủy sản trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục thực hiện cải tạo đàn bò địa phương bằng giống bò đực lai Brahman đỏ tại huyện Chư Jút và mở rộng ra các huyện Đắk Glong, Tuy Đức…

Khảo sát, xây dựng mô hình chăn nuôi cá nước lạnh (cá tầm, cá hồi)  tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng huyện Đắk Glong, Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung huyện Krông Nô; nghiên cứu nuôi cá hồi, sản xuất cá giống, cá thịt các loại. Nghiên cứu  gây nuôi các loại cá đặc sản địa phương, như cá mõm trâu, cá lăng vàng đuôi đỏ tại các khu vực sông Sêrêpốk (Krông Nô, Chư Jút).

1.3. Đối với lĩnh vực nông nghiệp:

Đẩy mạnh chương trình trồng rừng công nghệ cao, lựa chọn các loại cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng… của tỉnh, có giá trị cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái. Phát triển và ươm tạo công nghệ trong lĩnh vực tạo giống cây công nghiệp và cây lâm nghiệp.

Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch sinh thái, kết hợp xây dựng các khu công viên giải trí, sản xuất cây cao cấp, ván nhân tạo trực tiếp từ nguồn nguyên liệu của tỉnh. Tăng cường áp dụng công nghệ và thiết bị hiện đại trong chế biến lâm sản, đặc biệt là công nghệ tinh chế gỗ.

2. Giải pháp:

2.1. Tổng kết thực tiễn và xác định nhiệm vụ, mục tiêu cho từng giai đoạn phát triển:

Tiếp tục điều tra, cập nhật đánh giá tổng kết thực tế các mô hình đã có, đạt giá trị cao từ 100 triệu đến 500 triệu đồng/ha/năm, các mô hình sản xuất tiết kiệm đất, tiết kiệm nước, các mô hình sản xuất nhà lưới, nhà kính, các cây trồng vật nuôi mới áp dụng công nghệ sinh học, các mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP)…trong thực tiễn tại địa phương, đặc biệt các mô hình do  người dân tự tìm tòi và thực hiện đạt kết quả cao (như các mô hình rau, hoa, cây cảnh, cây công nghiệp, cây ăn quả, cam quýt, nuôi lợn rừng, lợn địa phương, ba ba, gà H’Mông…), công nghệ chế biến bảo quản sau thu hoạch…để có cơ sở tổng kết, tham quan học tập, khuyến cáo, hướng dẫn nhân rộng. Trên cơ sở đó, xác định nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể, bước đi, các bước phát triển trước mắt và lâu dài, gắn với lợi thế và phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh.

2.2. Quy hoạch và quản lý quy hoạch:

Trên cơ sở quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Đắk Nông đến năm 2020 được phê duyệt, tiếp tục bổ sung điều chỉnh phù hợp và tiến hành quy hoạch chi tiết để triển khai từng giai đoạn, phù hợp yêu cầu thị trường. Trước mắt, hoàn thành các quy hoạch cây rau, mía đường, cao su, cây điều, v.v... Quy hoạch chăn nuôi và giết mổ tập trung, quy hoạch thủy sản; đồng thời hoàn thiện các quy hoạch liên quan, như quy hoạch thủy lợi, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng… Công tác quy hoạch gắn liền với việc xây dựng các chương trình, đề án về đầu tư nghiên cứu, cơ sở sản xuất ứng dụng công nghệ mới, công nghệ sinh học trong sản xuất, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi; công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch; làm cơ sở xây dựng các chương trình – dự án phát triển nông nghiệp nông thôn cao phù hợp với quy hoạch và thị trường.

2.3. Các chính sách khuyến khích phát triển:

Có chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chất lượng cao tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2010 - 2015. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng các cơ chế chính sách nhằm thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao  và các đề án liên quan như chính sách về đất đai, chính sách về tài chính, tín dụng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chăn nuôi bò thịt công nghệ cao; phát triển thủy lợi gắn với thủy điện vừa và nhỏ; kiên cố hóa kênh mương; phát triển mạng lưới khuyến nông, phát triển kinh tế tập thể (hợp tác xã, tổ hợp tác); trồng rừng công nghệ cao kết hợp với công nghiệp chế biến gỗ và đầu tư phát triển du lịch sinh thái…Định hướng sản xuất gắn với chế biến nông – lâm sản và tiêu thụ sản phẩm; kết nối liên kết bốn nhà: Nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nước, đặc biệt là quan hệ đối tác bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp.

2.4. Xem trọng ứng dụng khoa học công nghệ và lựa chọn các lĩnh vực, dự án ưu tiên đầu tư:

Lựa chọn, xây dựng các đề án, dự án nông nghiệp công nghệ cao đối với các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản phù hợp với từng vùng sinh thái. Ưu tiên và đầu tư cho công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ cho sản xuất. Thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học và xây dựng các mô hình sản xuất thử, khảo nghiệm trong nông nghiệp. Tập trung vào sử dụng các giống mới, giống lai có ưu thế vượt trội, các biện pháp canh tác tiên tiến, công nghệ sinh học hướng dẫn nông nghiệp bền vững, an toàn (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt – GAP). Chuyển giao nhân rộng cho nông dân các mô hình hiệu quả, giúp nông dân phát triển sản xuất theo nhu cầu thị trường. Ưu tiên đầu tư phát triển nhóm cây chủ lực, như cà phê, cao su, hồ tiêu, rừng nguyên liệu công nghệ cao, tạo vùng nguyên liệu bền vững, các cây trồng vật nuôi có giá trị vượt trội. Hình thành vùng chăn nuôi an toàn, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung.

Đồng thời với việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cần tăng cường đầu tư thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp phù hợp với vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với mục tiêu phổ cập các kiến thức cơ bản trong sản xuất thâm canh, tiếp cận với sản xuất hàng hóa và từng bước tiến lên sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

2.5. Huy động các nguồn lực, liên kết, hợp tác phát triển:

Chủ động và tích cực thực hiện liên kết, hợp tác và thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp theo các danh mục đã được tỉnh công bố. Thực hiện xây dựng lộ trình liên kết, hợp tác với các Viện, Trường đại học, thu hút các doanh nghiệp đầu tư và gắn kết hợp tác với vùng động lực phát triển phía Nam, trong đó đặc biệt là Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng,…là các trung tâm công nghiệp, dịch vụ có tiềm năng lớn về khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, nguồn vốn để có thể khai thác có hiệu quả các tiềm năng lợi thế của tỉnh trong nghiên cứu, đào tạo chuyển giao công nghệ và đầu tư sản xuất, chế biến, xúc tiến thương mại, xuất khẩu.

Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nguồn vốn, kỹ thuật đầu tư trong và ngoài tỉnh. Phát triển các hình thức liên kết, hợp tác trong nông dân, đặc biệt giữa nông dân với doanh nghiệp nhằm đầu tư mở rộng sản xuất, gắn với chế biến tiêu thụ, tạo sản xuất ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo thị trường tiêu thụ, làm cơ sở để xây dựng các thương hiệu sản phẩm có uy tín trên thị trường.

2.6. Đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến ngư:

Có kế hoạch đào tạo chuyên môn, nâng cao trình độ năng lực chuyên môn cho lực lượng cán bộ ngành nông nghiệp, đội ngũ cán bộ khuyến nông khuyến ngư của tỉnh. Tiếp tục duy trì, phát triển và sử dụng có hiệu quả lực lượng khuyến nông viên và cộng tác viên khuyến nông. Triển khai nhiều hình thức đào tạo bồi dưỡng, nâng cao ý thức giác ngộ chính trị, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, kỹ năng canh tác, kiến thức sản xuất mới cho nông dân.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, nhân rộng kết quả các chương trình khuyến nông, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Xúc tiến thương mại, thông tin giá cả thị trường.

Đổi mới nội dung và nâng cao hiệu quả các mô hình trình diễn, hướng dẫn, chuyển giao công nghệ, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Hướng dẫn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi (tập trung cho các nhóm cây chủ lực cần nâng cao chất lượng, như cà phê, điều, cao su, hồ tiêu,…phát triển chăn nuôi đại gia súc, cải tạo đàn bò). Có chương trình cụ thể về công tác khuyến nông chuyển giao khoa học kỹ thuật phù hợp đối với từng vùng, chú trọng vào các vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn.

Đối với vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, cần tập trung hướng dẫn kỹ thuật canh tác mới tiên tiến, công nghệ sinh học gắn với bảo quản và chế biến, hướng tới nền nông nghiệp bền vững (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt – GAP).

Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật để thay đổi tập quán canh tác, nâng cao trình độ sản xuất trồng trọt và chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với phòng trừ sâu bệnh, dịch hại, bảo vệ môi trường sinh thái.

Phát triển khuyến nông theo chiều sâu để nâng cao hiệu quả kinh tế. Từng bước chuyển hoạt động sang lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới, công nghệ sau thu hoạch, dịch vụ hỗ trợ, giá cả thị trường, xúc tiến thương mại, tổ chức quản lý, hợp lý hóa sản xuất,…., nhằm nâng cao sức cạnh trạnh của sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nền sản xuất hàng hóa trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Khuyến khích và đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động khuyến nông. Huy động tối da các nguồn lực trong xã hội phục vụ cho công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp đến nông dân; tăng cường mối quan hệ phối hợp với các tổ chức, đoàn thể và các ngành có liên quan nhằm đẩy mạnh quá trình xã hội hóa công tác khuyến nông, khuyến ngư. Đặc biệt thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp gắn với công tác khuyến nông.

Đổi mới cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để công tác khuyến nông phát triển đồng bộ, toàn diện và có hiệu quả. Tăng cường hỗ trợ cho nông, lâm, ngư nghiệp thông qua các chính sách đầu tư công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất; đầu tư sản xuất giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh, nhu cầu của người sản xuất và thị trường để có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh vùng nông thôn, như hệ thống giao thông thủy lợi…

Bổ sung, điều chỉnh mức phụ cấp cho khuyến nông viên, cộng tác viên khuyến nông cơ sở phù hợp với chính sách chung của tỉnh và các quy định của chính phủ về chế độ đối với người hoạt động khuyến nông.

2.7. Ứng dụng công nghệ sinh học:

Tạo điều kiện thuận lợi trong việc hình thành hệ thống tổ chức về công nghệ sinh học, thúc đẩy việc đầu tư, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trên địa bàn.

Đẩy nhanh việc triển khai dự án Trạm Ứng dụng và Phát triển công nghệ sinh học, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, đầu tư xây dựng các trạm, trại thực nghiệm, doanh nghiệp công nghệ sinh học. Hình thành hệ thống tổ chức về công nghệ sinh học từ tỉnh đến cơ sở để thực hiện việc tiếp nhận, chuyển giao công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống.

Xây dựng các đề án phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học trong từng lĩnh vực, địa bàn quản lý, hàng năm bố trí ngân sách và kêu gọi các nguồn đầu tư khác để triển khai thực hiện.

Đầu tư xây dựng các Trung tâm, Trạm nghiên cứu, ứng dụng về công nghệ sinh học, các khu công nghệ cao cả về trang thiết bị và đào tạo con người, coi đây là lực lượng nòng cốt trong việc định hướng phát triển công nghệ sinh học của tỉnh.

Có chính sách mời chuyên gia có trình độ bậc cao về công nghệ sinh học tham gia đào tạo, huấn luyện kỹ thuật viên về công nghệ sinh học, đào tạo và thu hút cán bộ trong lĩnh vực công nghệ sinh học đến làm việc tại tỉnh. Khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập các cơ sở nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học, đào tạo kỹ thuật viên trong lĩnh vực công nghệ sinh học.

2.8. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hành động:

Để thực hiện phong trào phát triển nông nghiệp công nghệ cao từ tỉnh đến cơ sở, cần làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về phát triển nông nghiệp công nghệ cao; từng bước hình thành tư duy sản xuất hàng hóa trong nền kinh tế thị trường cho nông dân và cán bộ đảng viên trong hệ thống chính trị. Coi phát triển nông nghiệp công nghệ cao là khâu then chốt, là giải pháp xuyên suốt, là bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh, tạo tiền đề quan trọng cho quá trình xây dựng nông thôn mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Đồng chí Nguyễn Đức Luyện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khảo sát mô hình trồng hoa của gia đình ông Lê Văn Quân ở phường Nghĩa Phú (Gia Nghĩa)

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Giao cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể triển khai thực hiện Nghị quyết. Định kỳ hàng năm, báo cáo Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Các Ban Đảng của Tỉnh ủy, các Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, các huyện, thị ủy và Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy tùy theo chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tế của địa phương, đơn vị triển khai thực hiện Nghị quyết thiết thực, hiệu quả.

Giao cho Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh xây dựng đề án tổng thể chỉ đạo các sở, ngành xây dựng các chương trình, đề án và kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện. Tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết của tỉnh do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban; Sở Nông nghiệp và PTNT là cơ quan thường trực.

Giao cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan thông tin, báo chí của tỉnh có trách nhiệm tuyên truyền nội dung Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Văn phòng Tỉnh ủy giúp Tỉnh ủy kiểm tra, theo dõi việc thực hiện Nghị quyết, báo cáo kết quả với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh biết, chỉ đạo..

Nghị quyết này được phổ biến đến chi bộ Đảng.

Nguồn: Báo Đắk Nông

Tin mới

Các tin khác