So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Mon12302024

Ðắk Nông nỗ lực chuyển đổi số

Đánh giá:  / 0
DởHay 

   Xác định chuyển đổi số (CĐS) là một xu thế tất yếu. Do đó, Đắk Nông đang huy động mọi nguồn lực, nhằm chủ động tháo gỡ những khó khăn để triển khai thực hiện hiệu quả nhất đối với công tác CĐS trên địa bàn.

   Tập trung 3 trụ cột cốt lõi

   Đắk Nông xác định nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng trong tiến trình CĐS. Vì vậy, tỉnh đã sớm xây dựng các kế hoạch đào tạo cán bộ nòng cốt CĐS trên địa bàn.

   Đến nay, tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Nhân viên doanh nghiệp viễn thông hướng dẫn người dân đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử

   Tỉnh đã tổ chức được 3 lớp tập huấn nâng cao năng lực CĐS, hướng đến một quốc gia số toàn diện cho những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp.

   Toàn tỉnh đã triển khai thành lập được 58/71 tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, với khoảng 550 thành viên; 543/711 tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn, với 2.424 thành viên; 7/8 huyện, thành phố đã triển khai thành lập 100% tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, cấp thôn.

   Cùng với nguồn nhân lực, việc thực hiện CĐS được tỉnh quan tâm hàng đầu, triển khai ở 3 trụ cột chính, gồm chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

   Đối với chính quyền số, đến nay, tỉnh đã xây dựng nền tảng chia sẻ, tích hợp và kho dữ liệu dùng chung theo kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Đắk Nông phiên bản 2.0.

Nhiều hộ kinh doanh đã được hỗ trợ dán tem quét mã QR code cho sản phẩm

   Tỉnh kết nối với Chính phủ, kết nối cơ sơ dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm, cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến…

   Hiện nay, 8/8 huyện, thành phố và 7/18 sở, ngành đã triển khai niêm yết thủ tục hành chính bằng mã QR-code. Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã tích hợp ứng dụng một cửa điện tử liên thông, cung cấp 312 dịch vụ công mức độ 3 và 646 dịch vụ công mức độ 4.

   Đối với lĩnh vực kinh tế số, Đắk Nông đã thực hiện hỗ trợ đưa hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử. Trong đó, các hàng nông sản đạt tiêu chuẩn OCOP, VietGAP được đưa lên sàn “Voso.vn” và “Postmart.vn”. Toàn tỉnh đã có 630 sản phẩm được hỗ trợ lên sàn thương mại điện tử.

   Đối với việc xây dựng xã hội số, toàn tỉnh hiện có 100% xã, phường, thị trấn được kết nối cáp quang đến trung tâm; phủ sóng 4G đến 97% thôn, buôn, bon.

   Tỷ lệ hộ gia đình có kết nối băng rộng cố định đạt 50,65%; tỷ lệ hộ gia đình có máy tính đạt 23,17%; tỷ lệ người dân sử dụng internet đạt 73,08%; tỷ lệ thuê bao điện thoại thông minh đạt 88,74%...

 

Ðến nay, các doanh nghiệp viễn thông đã triển khai phủ sóng được 6/10 vùng lõm sóng, thôn lõm sóng viễn thông trên địa bàn. Ngoài ra, trong 8 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp viễn thông di động đã triển khai phủ sóng thêm 17 thôn, bon, bản tại 7 huyện trên địa bàn tỉnh.

 

Mã QR thủ tục hành chính được niêm yết tại UBND các xã, phường

   Chủ động khắc phục khó khăn

   Để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, Đắk Nông đang còn nhiều việc phải làm, bởi quá trình ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và CĐS vẫn còn không ít khó khăn.

   Trong đó, về nguồn nhân lực hiện nay của Đắk Nông chưa đáp ứng được yêu cầu CĐS. Một số đơn vị chưa bố trí được cán bộ chuyên trách CNTT phục vụ CĐS. Cơ sở hạ tầng về CNTT nói chung, công nghệ số trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế.

   Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong Đoàn Văn Phương cho biết: “Hiện nay, máy móc, thiết bị của cán bộ, công chức được trang bị khá lâu, nên đã xuống cấp. Các phần mềm gần như lạc hậu, chưa được nâng cấp, gây khó khăn cho việc triển khai công tác CĐS trên địa bàn”.

   Công việc CĐS của Đắk Nông được cụ thể hóa từ Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy, với 96 nhiệm vụ, tổng kinh phí thực hiện khoảng 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, do còn nhiều khó khăn, nên tỉnh vẫn chưa thể cân đối được nguồn lực cho công tác này.

Đồ họa: N. Hiền - L.D

   Ngoài ra, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới còn nhiều khó khăn. Trên địa bàn một số nơi chưa có điện, khoảng 40% hộ đồng bào dân tộc thiểu số chưa có điện thoại thông minh.

   Tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh chưa có internet cố định là khoảng 85%, hộ đồng bào dân tộc thiểu số chưa có internet di động khoảng 40%.

   Ngay tại TP. Gia Nghĩa, hạ tầng cơ sở phục vụ CĐS vẫn còn nhiều hạn chế. Theo Chủ tịch UBND TP. Gia Nghĩa Đỗ Tấn Sương, phường Quảng Thành vẫn còn 4 tổ dân phố: Nghĩa Thắng, Nghĩa Lợi, Nghĩa Tín, Nghĩa Hòa sóng điện thoại rất yếu, không có mạng internet.

Đồ họa: N. Hiền - L.D

   TP. Gia Nghĩa đã đề nghị các doanh nghiệp viễn thông sớm hỗ trợ, lắp đặt các trạm phát sóng điện thoại, internet, giúp địa phương triển khai tốt công tác xã hội số đề ra.

   Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh mới đây, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười nhấn mạnh, mặc dù công tác CĐS của tỉnh còn bồn bề khó khăn, thế nhưng, các ngành, địa phương vẫn phải quyết tâm, quyết liệt thực hiện đến cùng, nếu không sẽ mãi "giẫm chân tại chỗ". Trong đó, các đơn vị cần xây dựng lộ trình thực hiện CĐS từng bước, từng việc cụ thể.

   Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tranh thủ những nguồn lực sẵn có để chủ động khắc phục khó khăn, triển khai tốt công tác CĐS một cách hiệu quả, bắt nhịp với đà CĐS quốc gia.

 

Nguồn: Báo Đắk Nông