So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Mon12302024

Chuyển biến trong chuyển đổi số ở Đắk Nông

Đánh giá:  / 0
DởHay 

   Qua 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 09 ngày 1/11/2021 của Tỉnh ủy, Đắk Nông đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác chuyển đổi số (CĐS).

   Nâng cao nhận thức

   Ngay sau khi Nghị quyết số 09 về CĐS tỉnh Đắk Nông đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được ban hành, các sở, ban ngành, địa phương đã quán triệt, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân. UBND tỉnh đã ban hành hơn 40 văn bản chỉ đạo, định hướng, hướng dẫn về CĐS... Các tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã cấp thôn được thành lập, với khoảng 4.078 thành viên.

dsc05184(1).jpg

Đảng ủy Khối CCQ&DN tỉnh tổ chức Hội thảo về chuyển đổi số trong công tác Đảng.

   Công tác tuyên truyền được triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Các cơ quan báo chí, truyền thông đã xây dựng các chuyên mục, chuyên trang, chuyên đề tuyên truyền định kỳ các nhiệm vụ liên quan đến CĐS trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Đài PT&TH Đắk Nông sản xuất được hơn 320 tin, bài về công tác CĐS. Báo Đắk Nông duy trì chuyên mục “Chuyển đổi số" với gần 100 tin, bài. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, hội thảo tìm kiếm giải pháp thực hiện hiệu quả nhiệm vụ CĐS.

c1(1).jpg

   Công an phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) hướng dẫn người dân cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử.

   Chuyển động CĐS

   Về hạ tầng số, 71/71 xã, phường, thị trấn đã được kết nối cáp quang đến trung tâm; 98% trung tâm các thôn, buôn, bon phủ sóng 4G. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) được kết nối và khai thác dữ liệu trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ tháng 2/2023. Có 6/19 sở, ban, ngành đã triển khai và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh (LGSP) với 10 hệ thống. Cổng thông tin dữ liệu đất đai hiện đã triển khai công tác đo đạc, kê khai đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa toàn tỉnh.

   Đặc biệt, tháng 11/2022, Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) của tỉnh đã chính thức khai trương, hiện đang giám sát 10 lĩnh vực để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo UBND tỉnh.

   100% các huyện, thành phố, 17/18 sở, ban, ngành đã triển khai niêm yết TTHC bằng mã QR-code. Cổng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) đã tích hợp ứng dụng một cửa điện tử liên thông của tỉnh. Tổng số TTHC đang triển khai là 1.710 thủ tục; trong đó, có 906 DVCTT một phần và 804 DVCTT toàn trình. 17,3% hồ sơ được tiếp nhận toàn trình và hồ sơ được xử lý toàn trình là 17,3%; kết nối thành công 510 TTHC của tỉnh lên cổng dịch vụ công quốc gia.

   Bên cạnh đó, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, toàn tỉnh đã thu nhận 322.313/324.898 tài khoản định danh điện tử (đạt 99,2%), trong đó đã thực hiện kích hoạt 241,498 tài khoản (74,3%).

   Công an phường Nghĩa Tân và Đoàn ph ường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) tuyên truyền, vận động người dân tích hợp các giấy tờ cần thiết vào tài khoản định danh điện tử.

   Đến tháng 8/2023, Đắk Nông đã thực hiện 18/25 TTHC thiết yếu trên cổng dịch vụ công quốc gia và cổng dịch vụ công của Bộ Công an. 490.670 căn cước công dân (CCCD) gắn chip được đồng bộ với thẻ BHYT còn hiệu lực để đi khám, chữa bệnh. 85/85 cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD phục vụ khám, chữa bệnh.

   Trong phát triển kinh tế số, có 3.976 đơn vị áp dụng hóa đơn điện tử; 99,29% người nộp thuế đăng ký nộp thuế điện tử. Tỉnh đã hỗ trợ cho 1.161 sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; 111.390 hộ sản xuất nông nghiệp được số hóa thông tin; 135.711 hộ sản xuất kinh doanh được đào tạo về kỹ năng số...

   Bố trí tối thiểu 1% ngân sách để CĐS

   Theo Tỉnh ủy Đắk Nông, từ nay đến năm 2025, các tổ chức, cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về Nghị quyết số 09. Tỉnh Đắk Nông ưu tiên bố trí tối thiểu 1% ngân sách sự nghiệp hàng năm, bảo đảm giao nhiệm vụ, dự toán có trọng tâm, trọng điểm để các sở, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ CĐS.

   Việc xây dựng và hoàn thiện CSDL chuyên ngành được tỉnh chú trọng. Trong đó, ưu tiên các ngành CĐS, xây dựng cổng dữ liệu mở tỉnh Đắk Nông, hoàn thành việc xây dựng 2 trung tâm giám sát điều hành thông minh cấp huyện...

   DVCTT toàn trình được phát triển theo hướng cá thể hóa. Người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ công theo nhu cầu, khi cần, theo cách thuận tiện, trực tuyến hoặc trực tiếp, dễ dàng, đơn giản, nhanh chóng, không giấy tờ, không cần sự hiện diện nếu pháp luật không yêu cầu. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị tập trung thúc đẩy CĐS trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý của doanh nghiệp và CĐS xã hội...