So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Thu12122024

Nông dân Đắk Nông bắt nhịp chuyển đổi số

Đánh giá:  / 0
DởHay 

Nông dân Đắk Nông có những thay đổi trong nhận thức, hành động chuyển đổi số, góp phần vào thúc đẩy phát triển nông nghiệp.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường thay đổi nhanh chóng, việc áp dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp là giải pháp tối ưu cho nhà nông.

Nhiều nông dân tại Đắk Nông đang dần chuyển từ phương pháp canh tác truyền thống sang những ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Cụ thể như đối với trường hợp của gia đình anh Nguyễn Khoa Lân, tổ dân phố 5, phường Nghĩa Tân, TP. Gia Nghĩa. Hiện gia đình anh đã ứng dụng nhiều kỹ thuật, công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất trên 5 sào đất luân canh các loại rau, củ quả.

Trong đó, một số khâu đã được thực hiện bán tự động như tưới nước, phân bón qua hệ thống tưới thông minh. Anh tích hợp một số phần mềm qua điện thoại di động để quản lý về đầu vào, đầu ra sản xuất, dễ dàng hạch toán hiệu quả kinh tế.

Công nghệ giúp anh đạt hiệu quả cao như về truy xuất nguồn gốc vật tư đầu vào, nắm bắt thông tin diễn biến thị trường kịp thời. Công nghệ giúp anh và đơn vị liên kết dễ dàng trao đổi các công việc, hợp tác, thương thảo các nội dung hợp đồng hàng năm.

Cũng nhờ công nghệ, doanh nghiệp bao tiêu có thể dễ dàng kiểm soát, truy xuất nguồn gốc về việc nhà nông như anh thực hiện các tiêu chí, quy trình canh tác như thế nào, đạt chất lượng ra sao.

Hoạt động minh chứng chất lượng nông sản sẽ không cần phải dài dòng, khó khăn thuyết phục bên bao tiêu mà có máy móc, công nghệ hỗ trợ.

Với 5 sào đất, chỉ tính riêng việc trồng cà tím Nhật Bản, sau 9 tháng gia đình anh thu về khoảng 70 tấn quả. Giá bán cà tím của gia đình ổn định với doanh nghiệp thu mua là 6 - 10 triệu đồng/tấn. Anh thu về từ 360 triệu đồng, trừ chi phí từ giống, vật tư, công, nước tưới, lãi khoảng 260 triệu đồng.

Theo ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân Đắk Nông, nhiều nông dân đã ứng dụng công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Chuyển đổi số đang trở thành xu hướng tích cực có tính lan tỏa trong nông nghiệp, nông dân.

Một số mặt chuyển đổi số đã giúp nông thây thay đổi tư duy sản xuất theo cách quy mô lớn, liên kết, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, thương mại số, kỹ thuật, công nghệ canh tác như tưới tiên tiến...

Chuyển đổi số đang mở ra một chương mới cho nông nghiệp Đắk Nông, không chỉ giúp nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí mà còn tạo ra những cơ hội mới cho nông dân tiếp cận thị trường toàn cầu.

Đắk Nông có trên 111.000 hộ sản xuất nông nghiệp đã được số hóa thông tin, đạt hơn 92,8%. Số hộ sản xuất, kinh doanh được đào tạo về kỹ năng số trên 135.700 hộ, đạt hơn 80,5% tổng số hộ nông dân toàn tỉnh. Điều này tạo thuận lợi cho ngành Nông nghiệp trong việc thực hiện chuyển đổi số.

Cũng theo ông Gấm, mặc dù chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích, nhưng quá trình áp dụng cũng không dễ dàng. Nhiều nông dân Đắk Nông đang đối mặt với những khó khăn, thách thức không hề nhỏ trong chuyển đổi số.

Cụ thể như đối với vấn đề về đáp ứng các tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu EU về quy định nông sản chống phá rừng, không gây mất rừng, suy thoái rừng.

Nông sản chủ lực của tỉnh như cà phê, cao su, sản phẩm gỗ chịu tác động. Hàng chục ngàn nông hộ trồng cà phê của tỉnh cần được hỗ trợ cụ thể, hiệu quả hơn để đáp ứng các tiêu chuẩn này khi kế hoạch đưa vào thực thi cuối năm 2024.

Trong đó, việc truy xuất sản phẩm đến tận vườn qua định vị không phải là dễ trong điều kiện hạ tầng số khu vực nông thôn còn nhiều hạn chế.

Nông hộ cũng còn không ít hạn chế trong vấn đề cập nhật các số liệu của mình. Họ cần được trang bị, hỗ trợ nhiều hơn về cả thiết bị, công nghệ để tiếp cận dễ dàng, thuận lợi hơn...

Nguồn: Báo Đắk Nông