So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Fri11222024

Bàn về giải pháp thúc đẩy hoạt động KH&CN của doanh nghiệp điển hình sáng tạo

Đánh giá:  / 0
DởHay 
    Chiều 12/10, tại TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Nghiên cứu phát triển Thương hiệu Việt, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội nghị bàn về giải pháp hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) của doanh nghiệp điển hình sáng tạo hậu COVID-19.
 
    Hội nghị Bàn về giải pháp hoạt động KH&CN của doanh nghiệp điển hình sáng tạo hậu Covid-19 đã đánh giá những ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19 như: tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức 2 - 3%; gần 39.000 doanh nghiệp đã đăng ký tạm ngừng kinh doanh (tăng gần 82% so với cùng kỳ năm trước); số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là khoảng 1,3 triệu người (tăng 221.000 người so với cùng kỳ năm 2019). Không chỉ vậy, nền kinh tế còn phải đối mặt với một số vấn đề như già hóa dân số, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên.
 

    Tại Hội nghị, ông Trần Giang Khuê - Quyền trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP. Hồ Chí Minh cho rằng, tất cả các sản phẩm sở hữu trí tuệ sẽ tạo nên động lực để phát triển cho thương hiệu của doanh nghiệp. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chính là công cụ, biện pháp cần thiết để doanh nghiệp vươn ra thị trường nước ngoài. Bên cạnh việc tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm thì doanh nghiệp cũng cần phải xây dựng, quảng bá thương hiệu của mình. Điều này có lợi ích hơn nhiều so với quảng cáo vài chục giây trên truyền hình và đỡ tốn kém chi phí hơn rất nhiều.

    Ông Trần Xuân Đích - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) cho biết, trước khó khăn của các doanh nghiệp, Bộ KH&CN đã giảm 50% các loại lệ phí sở hữu công nghiệp khi doanh nghiệp đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp trong năm 2020; đối với lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ cũng đang miễn phí đăng ký các tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế… cho lĩnh vực y tế; hỗ trợ 100% chi phí truy xuất nguồn gốc cho container đầu tiên của doanh nghiệp xuất khẩu trái cây chính ngạch sang Trung Quốc như thanh long, chuối, xoài, dưa hấu, vải, nhãn, măng cụt…

    Tại sự kiện, Ban tổ chức đã vinh danh 60 doanh nghiệp điển hình sáng tạo và 30 sản phẩm/dịch vụ uy tín chất lượng. Đây là những doanh nghiệp bước đầu có đầu tư cho KH&CN, có tiềm năng phát triển trở thành các doanh nghiệp mạnh và đóng góp cho nền kinh tế. Bà Phan Thị Mỹ Yến - Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển thương hiệu Việt, Trưởng ban tổ chức cho biết, qua nhiều năm tổ chức, chương trình đã trở thành sự kiện được doanh nghiệp mong đợi và từng bước xây dựng được uy tín trong việc khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam tích cực chú trọng phát minh sáng chế, đầu tư khoa học và kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh. Từ đó, doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực cạnh tranh bằng giải pháp tạo ra sản phẩm/dịch vụ đạt chất lượng, có hàm lượng trí tuệ cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nguồn: vjst.vn