So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Thu11212024

Phát triển khoa học và công nghệ: Để chính sách không thành lực cản?

Đánh giá:  / 0
DởHay 
    Thực trạng hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) cho thấy, những cách hiểu khác biệt trong những chính sách, quy định nhằm ưu đãi cho các doanh nghiệp KH&CN, giữa các cơ quan quản lý và các nhà khoa học có thể dẫn tới việc thực hiện chính sách thiếu hiệu quả.
 
    Do đó, hiểu đúng và giải tỏa những khác biệt mới có thể góp phần giải phóng tiềm lực KH&CN, theo nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân.

    - PV: Đầu năm 2021, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư hướng dẫn số 03/2021/TT-BTC về ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo ông, thông tư này có những quy định gì khác với một vài nghị định trước đây về doanh nghiệp KH&CN?

    - Ông Nguyễn Quân: Thực tế là nếu theo dõi các chính sách KH&CN, bạn sẽ thấy chế độ ưu đãi thuế tương tự đã được quy định từ năm 2007 trong Nghị định 80/2007/NĐ-CP và sau đó là Nghị định 96/2010/NĐ-CP về doanh nghiệp KH&CN và thông tư liên tịch số 06 giữa ba Bộ KH&CN - Tài chính – Nội vụ. Điểm khác là lần này Bộ Tài chính ban hành thông tư theo quy định mới của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn chi tiết Nghị định 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp KH&CN thống nhất cách hiểu theo ngành dọc sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn so với trước đây cho các doanh nghiệp khi làm thủ tục có liên quan với các cơ quan thuế.

    Tuy nhiên, Thông tư 03 quy định mức ưu đãi thuế có phần không được như các quy định trước đây khi không nói rõ về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp mà doanh nghiệp KH&CN được hưởng, nên có lẽ họ chỉ được miễn giảm thuế tổng cộng 13 năm, còn thuế suất sẽ chịu như các doanh nghiệp khác. Trong khi các quy định trước đây cho phép doanh nghiệp KH&CN được hưởng ưu đãi thuế như doanh nghiệp CNC hoặc doanh nghiệp đầu tư vào các khu CNC, ngoài thời gian miễn giảm thuế, còn được hưởng mức lãi suất ưu đãi 10% trong 15 năm hoặc suốt đời dự án. Điều này làm mất đi sự hấp dẫn đối với doanh nghiệp KH&CN và tạo ra sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp KH&CN với doanh nghiệp CNC, doanh nghiệp đầu tư vào khu CNC hoặc doanh nghiệp có dự án CNC. Chưa kể Thông tư 03 chỉ quy định ưu đãi thuế, trong khi các văn bản trước đây là thông tư liên tịch còn quy định chế độ chính sách đối với cán bộ khoa học của tổ chức KH&CN công lập khi chuyển sang làm việc tại doanh nghiệp KH&CN, việc giao tài sản nhà nước cho doanh nghiệp KH&CN để sản xuất kinh doanh, chia sẻ lợi nhuận giữa doanh nghiệp KH&CN với tổ chức KH&CN và nhà nước…Những quy định này không còn hiệu lực sẽ lại gây khó cho các tổ chức KH&CN khi thành lập doanh nghiệp KH&CN cũng như khi chuyển đổi thành doanh nghiệp KH&CN.

    - Như vậy thông tư 03 có một số quy định ưu đãi "thụt lùi" so với một số quy định đã có từ trước?

    - Đúng vậy. Ngoài ra hiện nay một số văn bản pháp luật còn thiếu đồng bộ, dẫn tới cách hiểu khác nhau và cách thực hiện khác nhau, từ đó hạn chế tính thực thi. Trong đó, vấn đề đầu tiên phải kể tới là chưa đồng bộ giữa các luật: trong Luật Doanh nghiệp chưa có quy định loại hình doanh nghiệp KH&CN, trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp cũng không có ưu đãi dành riêng cho doanh nghiệp KH&CN mà mới chỉ có quy định ưu đãi cho Doanh nghiệp công nghệ cao (CNC). Chúng ta có tư duy (một kiểu luật bất thành văn) là các luật chuyên ngành mới có hiệu lực cao nhất, cho nên dù Luật KH&CN quy định về doanh nghiệp KH&CN, nhưng các cơ quan về thuế sẽ yêu cầu ưu đãi thuế phải theo luật Thuế, loại hình doanh nghiệp phải theo luật Doanh nghiệp. Luật KH&CN có quy định doanh nghiệp được ưu đãi như thế nhưng trong các luật chuyên ngành chưa quy định, nên trước đây đã phải “lách luật” và “vận dụng” là các doanh nghiệp KH&CN được hưởng ưu đãi như các doanh nghiệp đầu tư vào khu CNC hoặc doanh nghiệp CNC, hoặc doanh nghiệp có dự án CNC.

    - Phải chăng vì chưa có sự thống nhất như vậy nên các cơ quan quản lý khác nhau có thể hiểu rất khác nhau khiến người ta sợ sai, có nơi mạnh dạn vận dụng có nơi không dám, cuối cùng là các doanh nghiệp khó được hưởng lợi?

    - Thực ra để được ưu đãi về thuế, với các doanh nghiệp KH&CN, việc giải trình với các cơ quan thuế hay kiểm toán hết sức khó khăn. Ví dụ cơ quan thuế đồng ý rồi nhưng sau này lại phải giải trình với cơ quan kiểm toán là bao nhiêu % doanh thu của tôi từ sản phẩm KH&CN. Và sẽ có tình huống làm khó doanh nghiệp : nếu sản phẩm này không đủ 30% doanh thu, ví dụ 29%, thì vẫn phải đóng thuế bình thường, trong khi 30% thì được miễn giảm thuế trên 100% doanh thu. Chưa kể thủ tục để được miễn giảm thuế nhiều nơi còn phiền hà nên nhiều doanh nghiệp cũng nói với tôi rằng “thà đóng thuế bình thường còn đỡ khổ hơn xin miễn thuế”.

    Không chỉ trong việc ưu đãi về thuế cho doanh nghiệp KH&CN, mà trong nhiều lĩnh vực khác của hoạt động KH&CN cũng có hiện tượng "lệch pha" của các chính sách, quy định, dẫn tới khó khăn vướng mắc trong việc thực thi.

    Thông tư 03 quy định mức ưu đãi thuế có phần không được như các quy định trước đây khi không nói rõ về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp mà doanh nghiệp KH&CN được hưởng, nên có lẽ họ chỉ được miễn giảm thuế tổng cộng 13 năm, còn thuế suất sẽ chịu như các doanh nghiệp khác. Trong khi các quy định trước đây cho phép doanh nghiệp KH&CN được hưởng ưu đãi thuế như doanh nghiệp CNC hoặc doanh nghiệp đầu tư vào các khu CNC, ngoài thời gian miễn giảm thuế, còn được hưởng mức lãi suất ưu đãi 10% trong 15 năm hoặc suốt đời dự án.

    - Vậy ông có thể nói cụ thể hơn về những "lệch pha" này?

    - Chẳng hạn như vẫn có sự khác biệt giữa Luật KH&CN và Luật Thuế thu nhập cá nhân hay Luật Viên chức. Ví dụ, Luật KH&CN có quy định là thu nhập từ đề tài dự án KH&CN được miễn thuế thu nhập cá nhân, nhưng trong Luật Thuế thu nhập cá nhân lại không có quy định đó. Nên rút cuộc các nhà khoa học đi làm đề tài vẫn phải khấu trừ trước thuế thu nhập cá nhân, những ai kiên trì xin miễn thì vẫn được miễn sau khi giải trình quyết toán thuế, còn không đủ kiên trì thì vẫn phải nộp thuế.

    Hoặc đối với các nhà khoa học, trong Luật KH&CN đưa ra ưu đãi cho các nhà khoa học có trình độ cao, có thành tích đặc biệt như đạt giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng quốc tế về KH&CN, chủ trì dự án quốc gia, trước đây trong Nghị định 115/2005/NĐ-CP quy định các nhà khoa học có thành tích đặc biệt như vậy có thể nâng lương vượt một bậc trong cùng ngạch, hoặc ưu tiên nâng ngạch không qua thi tuyển, nhưng trong Luật viên chức không có quy định ấy. Vì thế mặc dù đã có thông tư liên tịch giữa ba Bộ KH&CN, Tài chính, Nội vụ nhưng cuối cùng các ưu đãi trên không thực hiện được đối với ngạch viên chức cao cấp, vì ngạch này do Bộ Nội vụ quản lý và một số công chức của Bộ Nội vụ nói rằng trong Luật Viên chức không quy định.

    Hoặc việc cấp kinh phí cho các đề tài, nhiệm vụ KH&CN theo cơ chế quỹ cũng được quy định trong Luật KH&CN nhưng Luật Ngân sách nhà nước không quy định riêng cho KH&CN mà yêu cầu tất cả các nhiệm vụ sử dụng ngân sách đều phải tuân thủ quy trình như nhau – phải lập dự toán, có quyết định phê duyệt cấp bộ hoặc cấp tỉnh mới được đưa vào dự toán ngân sách trình Chính phủ và Quốc hội phê duyệt, và năm sau mới được cấp tiền. Như vậy, kể cả các nhiệm vụ cấp bách như khi có dịch Covid-19 muốn làm vaccine hay máy thở mà năm trước chưa có dự toán thì năm nay cũng khó có tiền, trừ khi được Chính phủ quyết định. Cách làm như vậy không phù hợp với đặc thù của KH&CN là cấp kinh phí phải kịp thời ngay khi nhà khoa học có ý tưởng nghiên cứu, khi thị trường có nhu cầu. Nhưng hiện nay vẫn duy trì cách làm cũ mà hầu như không quốc gia nào làm như thế, lý do là Luật Ngân sách chỉ có quy định chung: mọi dự án chỉ được bố trí kinh phí khi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổng hợp vào dự toán ngân sách của bộ, ngành, địa phương. Trong khi đề tài, dự án KH&CN hoàn toàn khác với dự án đầu tư xây dựng cơ bản, phải chịu chung cơ chế với dự án xây dựng cơ bản, kể cả việc phải có định mức kinh tế kỹ thuật cho hoạt động nghiên cứu.

    Chừng nào chưa có sự đồng bộ về pháp luật, chưa có đổi mới tư duy, thì làm khoa học vẫn bị ràng buộc như thế.

    - Nhiều người cho rằng một trong những nguyên nhân khiến chưa có sự đồng bộ về pháp luật hoạt động KH&CN là do chúng ta chưa chấp nhận sự rủi ro trong nghiên cứu khoa học. Theo ông?

    - Nghiên cứu KH&CN có thể thất bại, tỷ lệ thất bại có thể cao hơn thành công, nhưng Luật Ngân sách nhà nước lại không có quy định nào liên quan đến đầu tư mạo hiểm. Tức là đã đầu tư bằng ngân sách thì phải thành công, phải đạt mục tiêu, phải có sản phẩm. Nhà khoa học muốn nghiên cứu, nhiều cái rất hay nhưng nếu nhận tiền ngân sách thì buộc phải thành công, phải có sản phẩm, như vậy dẫn tới tâm lý đối phó, hoặc là hợp thức hóa hồ sơ cho sản phẩm đã làm rồi, thành công rồi, hoặc là phải đơn giản hóa, tổng quát hóa sản phẩm cuối cùng của họ, ví dụ chỉ là bán thành phẩm, hoặc chỉ là dạng prototype, pilot để nghiệm thu đề tài đúng quy định, chứ chưa đủ điều kiện thương mại hóa thành sản phẩm quy mô thương mại để đưa vào cuộc sống.

    Lẽ ra ngân sách nhà nước cho nghiên cứu khoa học cũng như là đầu tư của doanh nghiệp là phải chấp nhận đầu tư mạo hiểm. Trong Luật Công nghệ cao năm 2008 đã có quy định là nhà nước thí điểm thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm, sau đó có thể chuyển giao cho tư nhân, thoái vốn, nhưng đến nay chưa thực hiện. Mà khi nhà nước không thí điểm làm đầu tư mạo hiểm thì không thể biết cơ chế vận hành và tác dụng của đầu tư mạo hiểm để ban hành văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư mạo hiểm, đến giai đoạn cần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bây giờ vướng mắc lớn nhất của khởi nghiệp chính là không có quy định của pháp luật về đầu tư mạo hiểm, kể cả đầu tư thiên thần và quỹ đầu tư. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2017 có nói đến quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, Nghị định 38/2018/NĐ-CP có một chương về quỹ đầu tư khởi nghiệp, tạo ra khung pháp lý, nhưng cho đến nay vẫn không có thông tư hướng dẫn chi tiết về quy trình thủ tục lập quỹ và cơ chế vận hành quỹ (ví dụ hồ sơ có những gì, nộp hồ sơ cho ai, bao nhiêu ngày phải cấp giấy phép, chia sẻ lợi nhuận theo nguyên tắc nào, thoái vốn ra sao, có cho phép nhà đầu tư nước ngoài vào không, nhà đầu tư nước ngoài thoái vốn và chuyển lợi nhuận ra nước ngoài như thế nào...).

    - Được biết gần đây ông hỗ trợ trường ĐH Bách khoa Hà Nội hình thành quỹ khởi nghiệp. Xin ông cho biết việc vận hành các quỹ như thế nào?

    - Vừa rồi trường Đại học Bách khoa Hà Nội xây dựng một quỹ đầu tư khởi nghiệp đầu tiên hỗ trợ sinh viên và cựu sinh viên khởi nghiệp mới thấy khó khăn thế nào. Lãnh đạo trường Đại học Bách khoa cho biết đóng 1 triệu vào quỹ cũng không dám chứ chưa nói là đóng hàng tỉ, mặc dù trường có tiền, rất muốn đầu tư nhưng không được vì kiểm toán sẽ xuất toán ngay lập tức. Thế thì chỉ huy động vốn cá nhân thôi, mà dùng vốn cá nhân thì trường sẽ không thể được hưởng lợi nhuận của quỹ khi đầu tư thành công. Kinh nghiệm trên thế giới như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Israel... là quỹ mạo hiểm sẽ đem lại lợi nhuận vô cùng lớn, nhưng quy định của chúng ta không cho phép dùng ngân sách nhà nước đầu tư mạo hiểm. Vì thế người ta rất sợ làm, làm gì phải chắc chắn thành công thì mới làm. Các doanh nghiệp KH&CN hay các nhà khoa học đều thế thôi, làm đề tài phải thấy là chắc chắn làm được thì mới dám nhận, không dám chắc thành công thì hợp thức hóa để nghiệm thu, nhưng kết quả sau đó không dùng được có thể phải cất vào ngăn kéo.

    Nhìn vào những điều đó để thấy là những ràng buộc hạn chế phát triển của KH&CN nước ta vẫn còn nhiều. Điều đó dẫn tới là ngành KH&CN vẫn chưa thể phát triển được tương xứng với tiềm lực và kỳ vọng của chúng ta.

    Ví dụ trong đại dịch, nước ta là một trong những nước công bố nghiên cứu thành công vaccine rất sớm nhưng đến các khâu thử nghiệm lâm sàng thì chững lại vì đến giai đoạn này cần có sự đầu tư rất lớn của nhà nước chứ tư nhân không dám mạo hiểm và không đủ tiềm lực. Nếu không có nhà đầu tư kịp thời (kể cả nhà nước và tư nhân) thì sản phẩm không thể được cấp phép và ra thị trường, mất cơ hội chống dịch và mất thời cơ cạnh tranh. Không làm sớm, tới đây khi cả thế giới người ta tiêm được rồi thì mình sản xuất ra cũng không thể bán được và lại lỡ nhịp, thậm chí là lãng phí nguồn lực đầu tư.

    Trong bối cảnh phát triển và hội nhập quốc tế hiện nay, dù muốn hay không thì các sản phẩm của quốc tế vào Việt Nam ngày càng nhiều, các doanh nghiệp FDI mang công nghệ vào, nên phải gỡ những ràng buộc đó để thúc đẩy tiềm lực KH&CN của Việt Nam, phải thay đổi tư duy về đầu tư cho KHCN để không lỡ nhịp quá nhiều so với thế giới.

    Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Nguồn tin: truyenthongkhoahoc.vn