Phát hiện chủng virus HIV mới đẩy nhanh quá trình phát bệnh
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ Sáu, 27 Tháng Hai 2015 10:39
Viện Y học Nhiệt đới Pedro Kourí (IPK) của Cuba mới đây đã công bố kết quả nghiên cứu về một chủng virus HIV mới có khả năng đẩy nhanh quá trình phát triển Hội chứng suy giảm miễn dịch (AIDS) ở những bệnh nhân mang loại virus này.
Trả lời phỏng vấn báo Cubasí, Giáo sư, Tiến sĩ Vivian Kourí - một nghiên cứu viên cấp cao ngành vi trùng học của IPK - cho hay thời gian trung bình để virus HIV phát triển thành AIDS trong cơ thể bệnh nhân thường từ 5 - 10 năm. Tuy nhiên, nếu một bệnh nhân bị mắc chủng virus CRF19 thì thời gian này giảm xuống chỉ còn chưa đầy 3 năm.
Chủng virus HIV CRF19 sẽ khiến quá trình phát triển thành AISD nhanh gấp 3 lần. (Nguồn: kurir.rs) |
Kết quả được đưa ra dựa trên quá trình theo dõi và điều trị cho 95 bệnh nhân nhiễm virus HIV. Trong số này, 52 người mang chủng CRF19 có thời gian phát bệnh AIDS dưới 3 năm, trong khi 21 người nhiễm chủng virus HIV khác không có các triệu chứng lâm sàng và vi trùng học của AIDS trong cùng thời gian trên. 22 bệnh nhân còn lại phát bệnh trong khoảng thời gian từ 7 - 9 năm sau khi nhiễm virus không thuộc chủng CRF19.
Giáo sư Kourí cho biết chủng virus CRF19 có nguồn gốc từ châu Phi nhưng hiện khá phổ biến tại Cuba. Theo ước tính sơ bộ của IPK, trong số những bệnh nhân mắc virus HIV có 32-34% bị mắc chủng B, 22-24% mắc chủng BG và 17-19% mắc chủng CRF19. Tuy nhiên, đây chỉ con số thống kê mang tính cục bộ.
Về sự khác biệt giữa chủng CRF19 với các chủng virus khác, Giáo sư, Tiến sĩ Kourí giải thích rằng để đi vào các tế bào trong cơ thể người, virus HIV trải qua giai đoạn “bám rễ” thông qua các protein tiếp nhận CD4 và protein đồng thụ thể CCR5 nằm tại màng tế bào.
Sau vài năm, virus HIV sẽ sử dụng protein CXCR4 làm tế bào đồng thụ thể để thay thế cho CCR5. Sự thay đổi này đánh dấu bước phát triển thành AIDS. Trong trường hợp của chủng CRF19, bước thay thế tế bào đồng thụ thể diễn ra sớm so với các chủng virus khác nên đã làm đẩy nhanh quá trình phát triển thành AIDS trong cơ thể bệnh nhân.
Để thực hiện công trình nghiên cứu này, IPK đã hợp tác với một số bác sỹ thuộc Đại học Liege và Đại học Thiên chúa Leuven của Bỉ. Công trình nghiên cứu đã được tạp chí quốc tế chuyên ngành EBoMedicine giới thiệu.
Cuba là một trong những nước Mỹ Latinh có tỷ lệ lây nhiễm HIV thấp nhất với chỉ số lây nhiễm 0,1% (so với 0,6% của cả Mỹ Latinh và 1% của vùng Caribe). Chỉ số này được Cuba duy trì ổn định trong nhiều năm nhờ có chính sách chăm sóc y tế tốt và hàng năm đều tiến hành xét nghiệm HIV miễn phí cho khoảng 2 triệu người dân.
Tin mới
- Nobel Vật lý 2018 vinh danh các nhà khoa học Mỹ, Pháp, Canada - 02/10/2018 09:56
- 'Bản sao Trái đất' nhiều khả năng có đại dương bao phủ - 14/10/2016 11:06
- Sáng chế biến chai nhựa phế phẩm thành vỏ điện thoại - 14/10/2016 11:03
- Chip mới có thể thúc đẩy sự phát triển của công nghệ lượng tử - 12/10/2016 10:41
- Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2015: Hãy thức tỉnh và hành động vì âm nhạc - 03/04/2015 13:51