So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Sun11242024

Triển vọng của cây trồng biến đổi gen tại Kenya và Bangladesh

Đánh giá:  / 0
DởHay 

    Kenya triển khai mở rộng canh tác cây trồng thực phẩm biến đổi gen (BĐG)

    Từ cuối năm 2019, bông Bt (một giống cây trồng BĐG đã được chấp thuận trồng thương mại hoá tại Kenya) trở thành cây trồng công nghệ sinh học đầu tiên được canh tác tại quốc gia này, đây là kết quả sau nhiều năm thử nghiệm. Đầu tháng 4/2020, Bộ Nông nghiệp Kenya đã phân phối một tấn hạt giống bông Bt để trồng tại các khu vực trình diễn thí điểm với diện tích 10.000 ha, đồng thời tổ chức hoạt động nâng cao nhận thức về các giống bông BĐG.

Người dân thu hoạch bông từ ruộng của mình (nguồn: Business Daily Africa)

    Ứng dụng của cây trồng BĐG ban đầu đã gây ra nhiều tranh luận tại quốc gia này, khi các nhà phản đối công nghệ sinh học đặt ra những câu hỏi về độ an toàn của công nghệ, đặc biệt trong thời đại bùng nổ căn bệnh ung thư như hiện nay. Tuy nhiên, sau khi các nghiên cứu khoa học không cho thấy bất cứ mối liên hệ nào giữa cây trồng BĐG và khả năng gây ung thư, tranh luận chống công nghệ sinh học đã dần dịu lại và các nhà khoa học hàng đầu về công nghệ sinh học tại địa phương tiếp tục thúc đẩy việc nghiên cứu cũng như ứng dụng thành tựu này.

    Hiện nay, giống sắn Bt (sắn BĐG) cũng đang chờ cấp phép từ các cơ quan chức năng để trở thành cây trồng thực phẩm BĐG đầu tiên được trồng tại Kenya. Giống sắn BĐG được cho là có khả năng kháng bệnh sọc nâu được phát triển qua Dự án sắn kháng virus cho châu Phi (VIRCA plus). Dự án là sự hợp tác giữa các nhà nghiên cứu Kenya, Uganda, Nigeria và Hoa Kỳ.

    Giáo sư Douglas Miano, nhà nghiên cứu đứng đầu dự án VIRCA plus tại Kenya cho biết, sắn chủ yếu bị ảnh hưởng bởi 2 căn bệnh nguy hiểm là bệnh khảm lá sắn (ảnh hưởng tới lá từ đó làm giảm mạnh năng suất cây trồng) và bệnh sọc nâu (ảnh hưởng tới rễ, biến nó trở thành căn bệnh nguy hiểm nhất bởi nó khiến củ sắn không còn đáp ứng làm thực phẩm cho người và thức ăn vật nuôi). Nông dân địa phương bị mất khoảng 70 triệu USD hay 70% sản lượng sắn mỗi năm do căn bệnh sọc nâu.

    Trước những ưu điểm của giống sắn BĐG, Tổ chức Nghiên cứu Chăn nuôi và nông nghiệp Kenya (Kalro) đã đệ trình đơn đề nghị tới Cơ quan An toàn sinh học quốc gia nhằm tìm cách mở rộng canh tác thực địa đối với các giống sắn Bt, từ đó cho phép chọn tạo và nhân giống loại sắn này trước khi nó giúp ích cho người nông dân.

    Nông dân trồng cà tím tại Bangladesh hưởng lợi từ công nghệ BĐG

    Theo một nghiên cứu mới đây của Đại học Cornell (Hoa Kỳ), nông dân tại Bangladesh đã thu được năng suất và doanh thu cao hơn đáng kể thông qua việc canh tác cà tím BĐG chống chịu sâu hại. Năm 2019, Đại học Cornell đã tiến hành khảo sát đối với các nông dân tại Bangladesh đang canh tác cà tím giống BĐG và không BĐG, kết quả cho thấy năng suất và doanh thu của giống cà tím BĐG chống chịu sâu hại cao hơn đáng kể so với giống cà thông thường. Khảo sát được thực hiện tại 5 khu vực sản xuất cà tím quan trọng nhất của Bangladesh (gồm Rangpur, Bogra, Rajshahi, Jessore và Tangail) với dữ liệu được thu nhận qua phỏng vấn trực tiếp từ 195 nông dân trồng cà tím BĐG và 196 nông dân trồng cà tím không BĐG. Đây là những nông dân tự lựa chọn giống cây trồng để canh tác.

Người dân thu hoạch cà tím tại Bangladesh (nguồn: Đại học Cornell)

    Cà tím BĐG được phát triển bởi Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Bangladesh (BARI) liên kết với Công ty Mahyco (một công ty nông nghiệp có trụ sở tại Ấn Độ), Đại học Cornell và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn những tổn thất gây ra bởi sâu đục thân và sâu đục quả cà tím (EFSB), đồng thời nhằm giảm bớt việc sử dụng thuốc trừ sâu.
    Tính trung bình trên 4 giống cà tím BĐG sản lượng thu hoạch được cao hơn 19,6% và thu nhập tăng thêm khoảng 21,7% so với các giống cà tím thường (số liệu được công bố vào tháng 5/2020 trên Tạp chí Lĩnh vực kỹ thuật sinh học và công nghệ sinh học). Doanh thu tăng thêm trên 1 ha tương đương với khoảng 664 USD - một số tiền đáng kể đối với những người nông dân nghèo tại Bangladesh.

    Trong số các nông dân trồng cà tím BĐG được khảo sát, 83% hài lòng với năng suất đạt được và 80% hài lòng với chất lượng cây trồng; 59% nông dân trồng cà tím không BĐG hài lòng với sản lượng của họ. Khoảng 28% nông dân trồng cà tím không BĐG cũng chỉ ra rằng một lượng lớn quả cà bị phá hoại bởi ấu trùng sâu đục thân và sâu đục quả. Đây không phải là một mối lo ngại đối với giống cà tím Bt, bởi nó cung cấp khả năng kháng bệnh sẵn có trong gen di truyền. Do sản lượng cao hơn, doanh thu cùng chất lượng cà tím tăng, khoảng 3/4 nông dân trồng cà tím BĐG nói rằng họ có kế hoạch tiếp tục trồng giống BĐG vào mùa vụ tới.

    Là loại rau quả quan trọng thứ hai được trồng tại Bangladesh, cà tím đang được canh tác bởi khoảng 150.000 nông hộ nhỏ trên diện tích 50.955 ha, đây cũng là một trong các thành phần thức ăn quan trọng được người dân Bangladesh tiêu dùng hàng ngày. Tác giả chính của nghiên cứu, GS Tony Shelton - nguyên Giám đốc dự án Đối tác cải tiến cà tím khu vực Nam Á nuôi dưỡng tương lai (Feed the Future South Asia Eggplant Improvement Partnership) cho biết, nghiên cứu này là tài liệu đầu tiên ghi nhận các lợi ích kinh tế của 4 giống cà tím Bt hiện có thông qua chuỗi thị trường Bangladesh cũng như khả năng chấp nhận của nông dân và người tiêu dùng.

Nguồn: https://vjst.vn