So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Fri11222024

Đổi mới công nghệ: Vốn không phải là yếu tố quyết định

Đánh giá:  / 0
DởHay 
    Đổi mới công nghệ là một trong những biện pháp hàng đầu giúp doanh nghiệp (DN) nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh cũng như tạo dựng vị thế bền vững trên thị trường. Tuy nhiên, để giải bài toán đổi mới công nghệ, vốn đầu tư không phải là yếu tố quyết định.

    Vai trò then chốt trong sản xuất hiện đại

    Ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam - cho biết, tất cả các ngành sản xuất trong nền kinh tế hiện nay đều cạnh tranh với nhau bằng năng suất thông qua khoa học và công nghệ (KH&CN), chứ không cạnh tranh bằng kỹ năng của người lao động thông thường như trước. Bởi, không có một kỹ năng nào của cá nhân người lao động có thể bù lại được tiến bộ KH&CN. “Thời điểm này, vai trò của KH&CN không phải là cho dài hạn, nghiên cứu định hướng, mà chính là đi trực tiếp vào xây dựng năng lực cạnh tranh cho DN” - ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh. Từ năm 2014 - 2015, ngành dệt may đã tìm kiếm các công nghệ sử dụng ít lao động; đặc biệt, ứng dụng robot hóa trong nâng cao năng suất lao động và đầu tư những nhà máy sợi chỉ có 20 công nhân trên 1 vạn cọc sợi (trước đây là 100 công nhân)…

    Để vận hành hiệu quả hệ thống điện có quy mô hàng đầu Đông Nam Á, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã sớm thực hiện đồng bộ các giải pháp; nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ, triệt để và hiệu quả công nghệ số, công nghệ thông tin và tự động hóa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Năm 2019, EVN đã nhận Giải thưởng “DN chuyển đổi số xuất sắc” thông qua hoạt động chuyển đổi số toàn diện tại EVN bao gồm lĩnh vực quản trị DN: Triển khai hệ thống quản trị nguồn lực DN (ERP), phần mềm quản lý nguồn nhân lực HRMS, hệ thống văn phòng điện tử (E-Office)…

    Rõ ràng, trước tốc độ phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, nếu DN không có sự đầu tư, chính sách đổi mới công nghệ, có thể sẽ bị đào thải. Tuy nhiên, theo khảo sát của Bộ Công Thương và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) thực hiện với 2.659 DN thuộc 18 nhóm ngành công nghiệp về độ sẵn sàng tiếp cận với CMCN 4.0 có tới 82% các DN đang ở vị trí mới nhập cuộc, 61% còn đứng ngoài cuộc và 21% DN mới bắt đầu “nhập cuộc”.

Sản xuất thông minh là xu thế tất yếu

    Khắc phục rào cản

    Ứng dụng công nghệ robot và tự động hóa hiện nay đã phổ biến trên thế giới, mang lại những hiệu quả lớn đối với nền kinh tế quốc gia, đặc biệt là sự phát triển của DN. Song trên thực tế, DN muốn tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, có thêm nhiều robot để phục vụ sản xuất đang còn gặp nhiều khó khăn.

    Tiến sĩ Nguyễn Quân - Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam - cho rằng, trong quá trình chuyển đổi số, DN cần quan tâm cân nhắc lựa chọn sản phẩm, công nghệ phù hợp. Sau khi lựa chọn, DN cần số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu cho hoạt động và chuẩn bị nguồn nhân lực cho chuyển đổi số…

    Từ góc độ của DN cung cấp các giải pháp công nghệ, ông Võ Hồng Kỳ - Giám đốc Siemens PLM tại Việt Nam - chia sẻ: Trong quá trình đưa các giải pháp giúp sản xuất thông minh tới DN, chúng tôi nhận thấy, các DN còn có tâm lý ngại thay đổi do không muốn dây chuyền sản xuất phải ngừng trong một thời gian ngắn để nâng cấp hệ thống, điều này sẽ gây thiệt hại đến họ. Đó là lý do tại sao các giải pháp công nghệ mới chậm đến với khách hàng. Chỉ khi gặp thách thức về cạnh tranh với việc lợi nhuận của sản phẩm ngày càng giảm, thị phần càng ngày càng ít đi, chi phí sản xuất ngày càng cao do dây chuyên công nghệ cũ kỹ…, DN mới buộc thay đổi.

    Theo nhiều chuyên gia, khi thực hiện hoạt động đầu tư đổi mới công nghệ, DN cần tiến hành điều tra, nghiên cứu kỹ tính năng kỹ thuật cũng như mức độ tối tân của công nghệ sắp đầu tư. Đồng thời, nếu thiếu vốn đầu tư, DN nên thực hiện giải pháp tình thế là đổi mới có trọng điểm. Tính trọng điểm của hoạt động đầu tư thể hiện ở chỗ: DN chỉ đổi mới với những công nghệ chủ chốt mang tính “sống còn” đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, tránh đầu tư dàn trải, tràn lan.

    Theo ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ KH&CN (Bộ Công Thương), hiện nay, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ cao đang tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả các DN có nhu cầu đầu tư để nâng cao trình độ và hiệu quả sản xuất. Trong thời gian tới, các DN sẽ được tiếp cận nhiều chính sách ưu đãi minh bạch, công bằng, cởi mở hơn nữa với định hướng của Đảng và Chính phủ trong việc nâng cao năng lực tiếp cận với cuộc CMCN 4.0.

    Cung cấp thông tin, hướng dẫn DN thực hiện hoạt động đầu tư, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số; kết nối DN với đơn vị tư vấn, nhà cung cấp công nghệ, giải pháp có uy tín, chất lượng và phù hợp đặc thù, yêu cầu của các ngành, lĩnh vực… là những hoạt động được Bộ Công Thương tập trung thực hiện nhằm hỗ trợ DN.

Nguồn: http://truyenthongkhoahoc.vn