So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Thu11212024

“2014 là năm hành động của ngành Khoa học và Công nghệ"

Đánh giá:  / 0
DởHay 

Đổi mới tư duy

- Thưa Bộ trưởng, xin Bộ trưởng lược qua một vài thành tựu mà Bộ KH&CN làm được trong năm 2013?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Trong năm 2013, thành tựu quan trọng nhất chính là việc Luật KH&CN sửa đổi được Quốc hội thông qua.

Đạo luật này đã tiếp cận được tiêu chí của kinh tế thị trường, thông lệ quốc tế trong hoạt động KH&CN. Đặc biệt là việc tổ chức các đề tài, dự án về KH&CN và cơ chế đầu tư, tài chính cho KH&CN.

Qua Luật, lần đầu tiên chúng ta buộc doanh nghiệp nhà nước phải có trách nhiệm đầu tư cho hoạt động KH&CN thông qua việc dành một phần lợi nhuận trước thuế để thành lập Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp. Đây cũng là lần đầu tiên Bộ KH&CN được giao thẩm quyền trong việc phân bổ dự toán ngân sách hàng năm cho KH&CN và cũng là lần đầu tiên cho phép áp dụng cơ chế của Quỹ phát triển KH&CN trong việc tài trợ cho các đề tài, dự án nghiên cứu, khoán chi đến sản phẩm cuối cùng cho các đề tài, dự án.

Như vậy, sắp tới các nhà khoa học sẽ được tạo điều kiện thuận lợi hơn để có thể có được những đề tài dự án chất lượng tốt, có kết quả đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội.

Trong năm 2013, các viện nghiên cứu lớn, các trường đại học và toàn ngành cũng có được những đề tài, dự án có kết quả tốt. Ví dụ như việc lần đầu tiên chúng ta công bố bản đồ gene của 36 giống lúa bản địa Việt Nam, điều này giúp cho khâu tạo giống, cải tạo giống mới có năng suất cao… Hoặc, trong lĩnh vực công nghệ, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đang tiến hành đóng giàn khoan 120m nước (sau khi thành công với giàn khoan 90m nước)…

Bên cạnh đó, năm 2013 cũng chứng kiến nhiều mô hình ứng dụng KH&CN thành công như mô hình của Công ty Bảo vệ thực vật An Giang. Chúng ta đã làm chủ được một số giống cây, giống con nhập ngoại mà hiện nay đang phát triển rất tốt (cam không hạt, hoa lan…).

Ở lĩnh vực công nghệ sinh học, các nhà khoa học của Việt Nam cũng đã giải quyết thành công việc xử lý đất bị nhiễm dioxin do chiến tranh gây ra. Bên cạnh đó, số những công bố khoa học quốc tế của Việt Nam có tỷ lệ trích dẫn cao. Theo Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới, Việt Nam đứng thứ 76/142 quốc gia về năng lực đổi mới sáng tạo trong khi nếu xét về kinh tế thì chúng ta đứng thứ 132. Việt Nam cũng là quốc gia được xếp hạng thứ 57 trên thế giới về công bố quốc tế và trích dẫn công bố quốc tế….

Năm 2013 cũng chứng kiến nhiều nguồn đầu tư cho KH&CN (ngoài phần ngân sách 2% hàng năm). Đó phải kể đến Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) dành 10% lợi nhuận trước thuế, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam dành khoảng 2.000 tỷ và nhiều đơn vị khác trong và ngoài nhà nước đã dành kinh phí cho Quỹ phát triển KH&CN. Từ Quỹ ấy, họ mời các nhà khoa học tham gia vào hoạt động nghiên cứu, sản xuất và gặt hái được những thành công đáng kể như Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông…

Việc đầu tư thông qua hợp tác quốc tế cũng rất tốt. Năm 2013, chúng tôi cũng khởi động dự án FIRST do World Bank tài trợ 100 triệu USD và vốn đối ứng của Việt Nam là 10 triệu USD; dự án đổi mới sáng tạo Phần Lan - Việt Nam giai đoạn hai là 10 triệu Euro…

- Rõ ràng năm 2013 ngành KH&CN gặt hái khá nhiều thành công, nhưng có vẻ như Bộ trưởng còn trăn trở trước nhiều việc dang dở…?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Đúng vậy! Trăn trở lớn nhất của chúng tôi là việc xây dựng nền tảng pháp lý cho KH&CN còn khó khăn. Mà cái khó khăn lớn nhất chính là việc đổi mới tư duy của các cơ quan quản lý.

Mà điều này thì cần sự vào cuộc của giới truyền thông để làm thay đổi tư tưởng của họ.

Thực ra những cái gọi là đổi mới trong KH&CN của chúng ta thì với cộng đồng thế giới đã áp dụng từ rất lâu rồi. Tôi ví dụ như thế giới khoán và chỉ kiểm soát đầu ra, tức là chú ý đến sản phẩm cuối cùng. Và, họ chỉ cần biết sản phẩm cuối cùng của anh là cái gì từ tiêu chí, thông số, thị trường. Nếu nhà khoa học làm được, họ sẽ cho quyết toán chỉ bằng vài tờ chứng từ chứ không phải là cả tập hóa đơn dầy cộp như của chúng ta hiện nay.

Một vấn đề nữa chính là việc sau khi Luật KH&CN sửa đổi được thông qua, chúng tôi bắt tay ngay vào việc xây dựng những Nghị định để hướng dẫn và nhiều văn bản dưới Luật. Nhưng mất nửa năm qua chúng tôi mới hoàn thành được 5 Nghị định mà vẫn còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận.

Chúng ta có đủ “vũ khí”

- Để có được đạo luật sửa đổi với nhiều cải tiến đã là điều khó. Nhưng, để nó thực sự phát huy đúng vai trò của mình trong cuộc sống thì còn khó hơn rất nhiều, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Đúng là việc đưa chính sách vào cuộc sống là vô cùng khó, mà cái khó lớn nhất như tôi đã nói chính là tư duy của người quản lý và thêm nữa là sự phối hợp, thống nhất hành động của các cơ quan liên quan.

Tôi lấy ví dụ, từ năm 2005 Chính phủ đã có Nghị định về cơ chế tự chủ, cho phép tổ chức KH&CN được quyền kinh doanh như doanh nghiệp, được cấp giấy chứng nhận đăng ký sản xuất kinh doanh nếu có nhu cầu. Thế nhưng, do các văn bản không đồng bộ nên các Sở Kế hoạch và Đầu tư không chịu cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh….

Bộ KH&CN rất nỗ lực phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan để ban hành các văn bản đồng bộ và tuyên truyền tập huấn cho mạng lưới ở cơ sở và các ngành khác cũng phải như vậy. Có thế, chúng ta mới tránh khỏi việc Chính phủ ra Nghị định, nhưng không có văn bản và tập huấn cấp Bộ thì cấp dưới không thực hiện.

- Bộ trưởng có nói, năm 2012 là năm khởi động, năm 2013 là năm bản lề, vậy còn năm 2014 sẽ là năm gì của ngành KHCN?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Năm 2014 sẽ là năm hành động!

Theo dự kiến, trong quý I sẽ ban hành toàn bộ Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật KH&CN sửa đổi và quý II sẽ bắt đầu thực hiện.

Khi chúng ta có đủ “vũ khí” là Luật, Nghị quyết, Nghị định, Thông tư và tiền (từ nguồn đầu tư trong nước, nước ngoài) đã sẵn sàng rồi thì phải hành động.

Trong 2014, chúng tôi sẽ tập trung vào các giải pháp lớn như đầu tư của ngân sách Nhà nước, ngân sách của doanh nghiệp dành cho KH&CN phải tăng trưởng có hiệu quả. 2014 là năm đầu tiên các tập đoàn Nhà nước, các tổng công ty phải bỏ tiền ra đầu tư cho KH&CN từ ít nhất từ 3-8% lợi nhuận, tối đa là 10% lợi nhuận trước thuế...

Quan điểm của Bộ KH&CN là sẽ chỉ chi ngân sách nhà nước vào chỗ nào xã hội không đầu tư, vào chỗ phải có hiệu quả chứ không phải dùng ngân sách rải đều, mỗi địa phương một ít bởi như vậy rất lãng phí nguồn lực. Tôi cho rằng, ở đâu làm tốt là phải đầu tư nhiều, đâu không làm tốt- kể cả các Bộ- nếu sử dụng tiền không hiệu quả thì phải cắt giảm.

Ngoài ra, Bộ sẽ tập trung vào các chương trình KH&CN quốc gia, tiến tới giảm bớt chương trình trọng điểm cấp Nhà nước (KC, KX).

Trước đây, chúng ta có 10 chương trình trọng điểm cấp Nhà nước về KH&CN và 4 chương trình trọng điểm về xã hội và nhân văn. Tuy nhiên, do cách quản lý và quan niệm của giới khoa học nên các sản phẩm từ các chương trình này không theo chuỗi, mà dàn trải. Tức là ai có nhu cầu thì đề xuất hỗ trợ nghiên cứu chứ không ghép lại với nhau thành sản phẩm chủ lực.

Mấy năm qua, Bộ KH&CN đã điều chỉnh, trình Thủ tướng phê duyệt các chương trình quốc gia. Đây là tổ hợp các đề tài dự án mà hướng đến mục tiêu là làm được sản phẩm quốc gia. Ví dụ như việc phải làm sao để chúng ta có được thương hiệu gạo Việt Nam trên trường quốc tế…

Cuối cùng, nhân dịp năm mới Giáp Ngọ, tôi xin gửi tới độc giả Báo điện tử Vietnam+ lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất. Chúc mỗi người chúng ta đều thấm nhuần tinh thần KH&CN, để KH&CN thực sự đi vào cuộc sống và trở thành quốc sách hàng đầu của đất nước.

- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng và chúc Bộ KH&CN sẽ có một năm hành động quyết liệt và hiệu quả, để KH&CN thực sự trở thành đòn bẩy chính của nền kinh tế!./.

Nguồn: Bộ Khoa học và Công nghệ