So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Wed07032024

Kỷ niệm 30 năm ngày khánh thành công trình khôi phục, mở rộng Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba

Đánh giá:  / 0
DởHay 

Sáng ngày 20/3/2014, tại thành phố Đà Lạt, Viện Nghiên cứu hạt nhân (NCHN), Viện Năng lượng Nguyên tử (NLNT) Việt Nam đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm ngày khánh thành công trình khôi phục, mở rộng Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt và Đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba.

Đến dự buổi Lễ có: ông Nguyễn Xuân Tiến, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Lâm Đồng; TS. Lê Đình Tiến, Thứ trưởng, Bí thư Đảng ủy Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN); ông Tozser Sandor M., đại diện Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA); đại diện một số cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam; các đại biểu đến từ các nước Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Thụy Điển, Thái Lan, Hoa Kỳ và Ucraina; các đồng chí lãnh đạo đại diện các cục, vụ, viện, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và của tỉnh Lâm Đồng, thành phố Đà Lạt và các tổ chức, đoàn thể ở các tỉnh, thành trong cả nước; các đồng chí nguyên là lãnh đạo và lãnh đạo Viện NLNT Việt Nam, các đồng chí nguyên là lãnh đạo Viện NCHN qua các thời kỳ; các đồng chí lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Viện NLNT Việt Nam; các đồng chí nguyên là cán bộ viên chức đã từng công tác và toàn thể gần 200 cán bộ viên chức hiện đang công tác tại Viện NCHN.

 


Toàn cảnh Lễ Kỷ niệm

 

Tiếp theo phần nghi thức mở đầu buổi Lễ, PGS.TS Nguyễn Nhị Điền, Viện trưởng Viện NCHN đã trình bày báo cáo tổng kết 30 năm vận hành và khai thác Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Báo cáo nhấn mạnh: Được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ KH&CN, Viện NLNT Việt Nam, sự hợp tác có hiệu quả của các cơ quan trong nước và quốc tế, sự giúp đỡ, tạo nhiều điều kiện thuận lợi của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền tỉnh Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt, cùng sự cố gắng nỗ lực của tập thể cán bộ viên chức Viện NCHN, Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt và các thiết bị nghiên cứu xung quanh đã có 30 năm vận hành an toàn và khai thác có hiệu quả; các hoạt động nghiên cứu khoa học, triển khai kỹ thuật tiến bộ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tiềm lực cơ sở vật chất và nhân lực… đã được các cấp lãnh đạo, quản lý hữu quan, đồng nghiệp trong nước và quốc tế nhìn nhận và đánh giá tốt. Sự kiện được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba là mốc son ghi dấu chặng đường 30 năm bền bỉ phấn đấu, xây dựng và trưởng thành của nhiều lớp cán bộ, viên chức Viện NCHN.

 

 

PGSTS. Nguyễn Nhị Điền, Viện trưởng Viện NCHN trình bày báo cáo tổng kết 30 năm vận hành và khai thác Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt

Tiếp đó, thừa ủy nhiệm của Chủ tịch Nước, Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã trao Huân chương Độc lập hạng Ba cho Viện NCHN. Trong bài phát biểu, Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến nhấn mạnh: những đóng góp của Viện NCHN Đà Lạt đối với đất nước nói chung và đối với tỉnh Lâm Đồng nói riêng trong thời gian qua rất đáng trân trọng. Việc Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương Độc Lập hạng Ba là sự ghi nhận công lao đóng góp của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Viện trong suốt 30 năm qua. Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng, Đồng chí cũng cảm ơn, ghi nhận những đóng góp sự của Viện NCHN Đà Lạt đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhiệt liệt chúc mừng thành tích và phần thưởng cao quý mà Viện NCHN được trao tặng; về phía địa phương, tỉnh Lâm Đồng cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện để Viện hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, đồng thời Đồng chí cũng mong muốn trong thời gian tới, Viện NCHN Đà Lạt sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với tỉnh Lâm Đồng trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

 

Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến, UVBCHTW Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại buổi Lễ

 

Phát biểu tại buổi Lễ, Thứ trưởng Lê Đình Tiến, thay mặt Lãnh đạo Bộ KH&CN đã biểu dương tập thể cán bộ, viên chức Viện NCHN, Viện NLNT Việt Nam đã đảm bảo vận hành an toàn và khai thác có hiệu quả Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt trong suốt 30 năm qua. Thứ trưởng gửi lời cảm ơn chân thành tới Chính phủ và các chuyên gia của Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết trước đây, đã tận tình giúp đỡ để Việt Nam có được một thiết bị khoa học hiện đại, đó là Lò phản ứng nghiên cứu tại Đà Lạt; đặc biệt là Ông Ulitin Valeriy Fedorovich, Trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô, đã trực tiếp tham gia lãnh đạo thực hiện công trình này. Thứ trưởng cũng gửi lời cảm ơn chân thành đến Cơ quan NLNT quốc tế (IAEA), Chính phủ và các nhà khoa học các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Cộng hòa Ấn Độ, Cộng hòa Pháp... đã tham gia hợp tác đa phương và song phương, giúp đỡ Việt Nam trong đào tạo cán bộ, trao đổi chuyên gia, cung cấp trang thiết bị trực tiếp phục vụ cho vận hành và khai thác Lò phản ứng hạt nhân tại Đà Lạt ngày càng an toàn và hiệu quả. Nhân dịp này, thay mặt Lãnh đạo Bộ KH&CN, đồng chí Thứ trưởng chân thành cảm ơn Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để Viện NCHN hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong nhiều thập niên qua; Đồng chí Thứ trưởng đánh giá cao và chân thành cảm ơn GSTS. Phạm Duy Hiển, nguyên Phó Viện trưởng Viện NLNT Quốc gia, nguyên Viện trưởng NCHN, đã trực tiếp chỉ huy công trình khôi phục và mở rộng Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt và đã có nhiều đóng góp quan trọng trong suốt quá trình hoạt động của Lò phản ứng. Lãnh đạo Bộ cũng đánh giá cao sự đóng góp của các nhà khoa học đầu ngành như GSTS. Ngô Quang Huy, TSKH. Trần Hà Anh, PGS TS. Nguyễn Mộng Sinh, TS. Phạm Quốc Trinh, TS. Phạm Khắc Chi… Bộ KH&CN cũng tin tưởng rằng, trên cơ sở các kết quả, thành tựu đã đạt được trong 30 năm qua, đặc biệt là thành công trong nghiên cứu chuyển đổi toàn bộ vùng hoạt Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt sang sử dụng loại nhiên liệu mới, Viện NCHN nói riêng và Viện NLNT Việt Nam nói chung, sẽ có thêm cơ sở để cụ thể hóa kế hoạch tiếp tục đảm bảo vận hành an toàn, khai thác có hiệu quả hơn nữa lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, cũng như xúc tiến Dự án xây dựng Trung tâm KH&CN hạt nhân mới với lò phản ứng nghiên cứu công suất cao, đa mục tiêu.

Đồng chí Lê Đình Tiến, Thứ trưởng Bộ KH&CN, Bí thư Đảng ủy Bộ phát biểu tại buổi Lễ

Ngài Andrey Grigorievich Kovtun- Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên Bang Nga tại Việt Nam, ông Tozser Sandor M.- đại diện cơ quan NLNT quốc tế (IAEA), ông Daito Michio - đại diện Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cũng lần lượt phát biểu chúc mừng tập thể cán bộ, viên chức Viện NCHN vì những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua và bày tỏ sự tin tưởng rằng với tri thức, kinh nghiệm tích lũy được, Viện sẽ tiếp tục mở rộng hơn nữa hợp tác quốc tế và đóng góp hiệu quả hơn vào các dự án sắp tới của ngành NLNT Việt Nam.

 

Đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba

 

Thay mặt Viện NCHN, ThS. Nguyễn Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Viện NCHN đã cảm ơn các đồng chí Lãnh đạo: Đảng, Nhà nước, Bộ KH&CN, Viện NLNT Việt Nam, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội của địa phương Lâm Đồng và Đà Lạt; cảm ơn sự hợp tác có hiệu quả của các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế để Viện NCHN có được như ngày hôm nay; đồng thời sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo, góp ý để đưa Viện NCHN tiếp tục phát triển bền vững và đóng góp hữu hiệu hơn vào sự phát triển bền vững của ngành NLNT Việt Nam.

 

Nhân dịp Kỷ niệm 30 năm ngày khánh thành công trình khôi phục, mở rộng Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt và 60 năm NLNT vì mục đích hòa bình, tối 18/3/2014, tại thành phố Đà Lạt đã diễn ra cuộc Gặp mặt hữu nghị Việt - Nga. Tham dự cuộc Gặp mặt có Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Đình Tiến, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn NLNT quốc gia Nga (ROSATOM) Vyacheslav Aleksandrovich Pershukov và gần 200 đại biểu là các chuyên gia, cán bộ khoa học - kỹ thuật Liên Xô và Việt Nam, trong đó có nhiều chuyên gia, cán bộ, viên chức đã trực tiếp tham gia công trình khôi phục, mở rộng Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Tại cuộc Gặp mặt, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại quá trình hợp tác khôi phục Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt vào đầu những năm 1980 và bày tỏ tin tưởng vào hiệu quả của sự hợp tác trong thực hiện Dự án xây dựng Trung tâm KH&CN mới với Lò phản ứng nghiên cứu công suất cao, đa mục tiêu và Dự án Điện hạt nhân trong thời gian tới. Tại cuộc Gặp mặt, Bộ KH&CN đã trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Khoa học và Công nghệ” cho 13 nhà khoa học - kỹ thuật Liên Xô đã có nhiều đóng góp giúp Việt Nam khôi phục, mở rộng Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt; đồng thời, ROSATOM đã trao Kỷ niệm chương “Ngành Công nghệ hạt nhân” cho 6 nhà khoa học Việt Nam và Chứng nhận danh dự cho các cán bộ, nhân viên Viện NCHN Đà Lạt vì những đóng góp cho việc khôi phục và mở rộng lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt.

 

Trong khuôn khổ các hoạt động Kỷ niệm 30 năm khánh thành công trình khôi phục, mở rộng Lò phản ứng nghiên cứu Đà Lạt, Hội thảo quốc tế về Thiết kế, vận hành và sử dụng Lò phản ứng nghiên cứu (Symposium on Research Reactor Design, Operation and Utilization) cũng đã được tổ chức vào ngày 19/3/2014. Hội thảo tập trung vào các chủ đề: i) Các Dự án quốc gia về các lò phản ứng nghiên cứu mới; các bài học rút ra trong quá trình đặt hàng, xây dựng và vận hành các lò nghiên cứu mới và vai trò của lò nghiên cứu trong việc hỗ trợ chương trình Phát triển NLNT quốc gia; ii) Thiết kế Nguyên lý hạt nhân và thủy nhiệt các lò nghiên cứu dạng bể bơi, dùng nước làm chậm, với các loại nhiên liệu và các chất phản xạ khác nhau; iii) Kinh nghiệm sử dụng lò nghiên cứu cho đào tạo, phân tích kích hoạt, sản xuất đồng vị phóng xạ, sử dụng các chùm nơtron và chiếu xạ pha tạp vật liệu, đặc biệt là chế tạo các thỏi bán dẫn với kích thước lớn… Hội thảo thu hút sự tham dự của hơn 120 đại biểu, là các nhà khoa học và những người quan tâm đến lĩnh vực công nghệ hạt nhân đến từ các quốc gia Nga, Mỹ, Pháp, Thụy Điển, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Việt Nam. Các thông tin thu nhận được từ Hội thảo rất bổ ích cho ngành NLNT Việt Nam trong quá trình thực hiện Dự án Trung tâm KH&CN hạt nhân mới.

Nguồn:  Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam