So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Sun11242024

Phổ biến thông tin công nghệ sản xuất nông sản an toàn, xử lý môi trường nông thôn cho bà con nông dân huyện Đan Phượng

Đánh giá:  / 0
DởHay 

Ngày 21/3/2014, tại 2 xã Phương Đình và Thọ Xuân, huyện Đan Phượng, Hà Nội, Cục Thông tin khoa học và công nghệ (KH&CN) quốc gia phối hợp với Hội Nông dân huyện Đan Phượng tổ chức Hội thảo khoa học “Phổ biến thông tin công nghệ sản xuất nông sản an toàn, xử lý môi trường nông thôn” cho bà con nông dân.

Phương Đình và Thọ Xuân là 2 xã của huyện Đan Phượng, Hà Nội phát triển mạnh trồng trọt và chăn nuôi theo hình thức trang trại, đi đầu áp dụng tiến bộ KH&CN về nông sản an toàn của huyện Đan Phượng. Xã Phương Đình với thế mạnh trồng trọt đã và đang trở thành nơi cung cấp nguồn nông sản sạch cho Hà Nội. Xã có hơn 300 ha đất nông nghiệp, trong đó có 100 ha trồng hoa màu, tập trung ở khu vực bãi Đáy thuộc thôn La Thạch … Đến nay, xã đã chuyển đổi trên 60 ha sang cây ăn quả và rau, trong đó có 10 ha rau an toàn. Nông dân ở đây chủ yếu dựa vào rau màu để sống. Giá rau tương đối ổn định, đôi lúc còn được giá như thời gian này, nên bà con rất phấn khởi. Thọ Xuân cũng là một xã phát triển nông nghiệp nông thôn theo hướng trồng trọt với cây chủ yếu là: lúa, ngô, đậu tương và các loại cây ăn quả như đu đủ, cam, bưởi, nhãn, táo ...

Tuy xã Phương Đình và Thọ Xuân có nhiều cố gắng chuyển đổi ngành nghề, nhưng cư dân trong hai xã vẫn phát triển tự phát, áp dụng kiến thức canh tác, nuôi trồng truyền thống đã được truyền từ đời này sang đời khác. Chính quyền xã đang cố gắng tìm tòi và đề xuất kế hoạch phát triển và cơ cấu ngành nghề hợp lý. Hiện nay, trước nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng về các sản phẩm nông sản an toàn, bà con nông dân cần phải tiếp cận thông tin tiến bộ KH&CN, các giải pháp kỹ thuật mới trong chăn nuôi và trồng trọt trên nền các kiến thức truyền thống để tạo ra các sản phẩm nông sản an toàn.

Sản xuất ra những sản phẩm nông sản sạch và an toàn với quy trình nghiêm ngặt ở từng công đoạn để đảm bảo truy xuất nguồn gốc đã khó, nhưng để đưa những sản phẩm đó ra thị trường và được thị trường chấp nhận còn khó hơn. Đó cũng là lý do khiến các sản phẩm của Phương Đình và Thọ Xuân chưa có thương hiệu và vị trí ổn định trên thị trường. Hiểu được những khó khăn đó của bà con nông dân, Cục Thông tin KH&CN quốc gia đã mời các nhà khoa học không chỉ phổ biến các kiến thức KH&CN để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn, mà còn hướng dẫn phương thức xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản của 2 xã với hy vọng trong thời gian tới, Phương Đình và Thọ Xuân sẽ có thương hiệu nông sản an toàn và người tiêu dùng sẽ nhận biết được thương hiệu này qua chất lượng nông sản của hai xã.

Tại Hội thảo, bà con nông dân đã được hướng dẫn phương pháp trồng trọt và chăm sóc gia súc, gia cầm đặc biệt là lợn, gà bằng chế phẩm vi sinh; phương thức sử dụng phân hữu cơ vi sinh trong sản xuất nông sản an toàn như: ủ phân chuồng, tưới cây, xử lý phế thải nông nghiệp tại ruộng làm phân bón hữu cơ… Ngoài ra, bà con nông dân còn được hướng dẫn cách thức tiếp cận các thông tin KH&CN qua Thư viện điện tử KH&CN và Cổng thông tin KH&CN của Cục Thông tin.

Với sự tham gia của hàng trăm bà con nông dân của hai xã đã khẳng định đây là các hội thảo rất có ý nghĩa, giúp bà con nắm bắt được nhiều thông tin cần thiết và hữu ích trong sản xuất nông nghiệp an toàn, đồng thời hỗ trợ xây dựng phát triển thương hiệu rau an toàn của huyện Đan Phượng nói chung và 2 xã Phương Đình, Thọ Xuân nói riêng đảm bảo tham gia xuất khẩu sang các thị trường khó tính.