So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Wed07032024

Những đề tài khoa học thiết thực với Tây Nguyên

Đánh giá:  / 0
DởHay 

 

Trước những tác động, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sự khai thác quá mức của con người, Tây Nguyên đang có nguy cơ suy thoái về đất, cạn kiệt nguồn nước, đa dạng sinh học bị đe dọa... Thực trạng này rất cần sự đóng góp của khoa học và công nghệ với những đề tài, dự án thiết thực, nhằm giúp Tây Nguyên phát triển một cách bền vững.
Nhờ ứng dụng một số đề tài, dự án phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, cây hồ tiêu đã cho năng suất cao và ổn định, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Trong ảnh: Người dân Gia Lai thu hoạch hồ tiêu.
 
Sâm Ngọc Linh là một loại dược liệu quý hiếm.
 
Một số kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy, sâm Ngọc Linh có tác dụng bồi bổ cơ thể, chống suy nhược, khả năng kháng khuẩn cao, cải thiện chức năng gan. Các nhà khoa học cũng phát hiện chất MR2 chiếm hàm lượng hơn 50% tổng số Saponin có trong sâm Ngọc Linh, có tác dụng chống trầm cảm, cải thiện trí nhớ ở người cao tuổi... Cây dược liệu quý hiếm này chỉ phân bố ở vùng núi Ngọc Linh, thuộc hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Do điều kiện thổ nhưỡng khá đặc biệt ở đây cho nên sâm Ngọc Linh khó trồng và phổ biến ở các vùng đất khác.
 
Những năm qua, do còn bất cập trong chính sách và công tác quản lý yếu kém, sâm Ngọc Linh trong tự nhiên bị khai thác cạn kiệt và đang có nguy cơ tiệt chủng.
 
Trước nguy cơ đáng báo động về một loài thực vật quý hiếm bị "xóa sổ" trong sách Đỏ Việt Nam, khoảng mười năm lại đây đã có một số đề tài, dự án cấp Nhà nước, cấp Bộ được triển khai, thực hiện.
 
Nhóm nghiên cứu do PGS,TS Dương Tấn Nhựt, Viện nghiên cứu khoa học Tây Nguyên, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (HLKH và CNVN) chủ trì từ năm 2012 đã thực hiện đề tài "ứng dụng Công nghệ chiếu sáng đơn sắc (LED) trong nghiên cứu nhân nhanh giống cây sâm Ngọc Linh". Đề tài đã áp dụng các phương pháp mới, hiện đại như hệ thống lớp mỏng tế bào (TCL), phát sinh phôi vô tính sâm Ngọc Linh, sử dụng công nghệ chiếu sáng đơn sắc trong các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của loại cây này... Nhờ đó, nhóm nghiên cứu thu được các kết quả: hơn 85% số cây con phát triển tốt ngoài tự nhiên.
 
Đáng chú ý sau tám tháng trồng đã có 35% số cây sâm hình thành củ, trong khi cây sâm Ngọc Linh trồng bằng hạt phải sau hai năm mới có củ. Đến nay, các tác giả của nhóm nghiên cứu đã xây dựng và hoàn thiện quy trình nhân giống vô tính cây sâm Ngọc Linh, tạo ra nguồn cây giống, với hơn 10 nghìn cây đã và đang được trồng thử nghiệm thành công ở vùng núi bản địa Ngọc Linh (Kon Tum).
 
Nhằm tạo ra giống bò Holstein Friesian (HF) có năng suất và chất lượng cao, phục vụ việc phát triển ngành chăn nuôi bò sữa ở Lâm Đồng, TS Lê Thị Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên và nhóm nghiên cứu triển khai đề tài "Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cấy chuyển phôi bò sữa cao sản tại Tây Nguyên". Sau một thời gian phối hợp thử nghiệm tại Công ty sữa Dalatmilk, trong các ngày 14 và 18-7-2013, hai con bê giống thuần chủng, nhờ cấy phôi tươi từ bò HF sang bò lai De - bu ra đời, mỗi con có trọng lượng 38kg và 42kg. Do được thụ hưởng môi trường miễn dịch thụ động từ bò mẹ lai De-bu trong suốt thời kỳ mang thai và bú sữa mẹ, bê HF sinh ra có tính thích nghi và khả năng chống bệnh cao. Cũng nhờ giảm chi phí đầu vào, giảm được các khoản đầu tư kỹ thuật nuôi bê giai đoạn đầu nhưng vẫn bảo đảm khỏe mạnh mà các hộ chăn nuôi có được con giống bò cao sản HF giá thành thấp.
 
Theo TS Lê Thị Châu, thành công của đề tài sẽ góp phần nhân rộng mô hình đàn bò sữa cao sản bằng phương pháp cấy chuyển phôi từ bò HF sang bò lai và bò vàng địa phương tại Lâm Đồng nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung. Đây cũng là cách tạo thêm công ăn, việc làm, nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi bò sữa.
 
Khoảng 10 năm trở lại đây, tình trạng khí hậu và thời tiết biến đổi bất thường đã làm cho vùng Tây Nguyên, nhất là các tỉnh Đác Lắc, Gia Lai, Đác Nông khô hạn nặng nề. Không dừng lại ở các kết quả nghiên cứu, triển khai và ứng dụng vào lĩnh vực công nghiệp (công nghệ và thiết bị xử lý khói thải động cơ và công nghiệp, công nghệ xử lý nước nhiễm can-xi, mangan...), Viện Khoa học vật liệu ứng dụng TP Hồ Chí Minh (Viện HLKH và CNVN) cũng đã có những đề tài, dự án phục vụ thiết thực cho sản xuất nông nghiệp của người dân các tỉnh Tây Nguyên.
 
Các loại vật liệu hút nước giữ ẩm CH03, CH06, CH24 cho cây trồng được các cán bộ khoa học của Viện nghiên cứu, chế tạo từ các nguồn phế thải trong sản xuất nông nghiệp (rơm, mùn cưa...).
 
Khảo sát, phân tích của nhóm nghiên cứu do PGS, TS Nguyễn Cửu Khoa chủ trì, cho thấy chất giữ ẩm CH giảm từ 30 đến 50% lượng nước tưới cho cây trồng, mặt khác giảm chi phí chăm sóc cho người lao động và tăng hiệu quả kinh tế cho người nông dân từ ba triệu đến 10 triệu đồng/ha. Tương tự như vật liệu hút nước giữ ẩm CH, phân nhả chậm NPK cũng do nhóm nghiên cứu thuộc Viện Khoa học vật liệu ứng dụng TP Hồ Chí Minh thực hiện gần đây, đã được triển khai thử nghiệm ở một số địa phương khu vực Tây Nguyên. Tại Lâm Đồng và Đác Nông, việc kết hợp phân nhả chậm NPK với chất hút nước giữ ẩm CH trong canh tác đã cho kết quả đáng khích lệ, lượng phân bón giảm từ 15 đến 30% (đối với cây chè) và từ 20 đến 30% (với cây cà-phê và cây bắp) nhưng vẫn bảo đảm tăng năng suất cây trồng. Được biết, nhóm nghiên cứu đang có kế hoạch mở rộng sử dụng phân NPK nhả chậm trên các cây tiêu, bông và cao-su...
 
Theo TS Nguyễn Đình Kỳ, Phó Chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên 3 (Viện HLKH và CNVN), cùng với những điều tra và nghiên cứu về tình trạng thoái hóa đất, sự "xung đột" về nguồn nước, bảo tồn đa dạng sinh học; các vấn đề về dân tộc, tôn giáo và tình hình khai thác khoáng sản ở Tây Nguyên... đây là những đề tài, nhiệm vụ khoa học hết sức thiết thực đối với đời sống sản xuất và kinh doanh của người dân trên địa bàn.
 

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các nhà khoa học thuộc Viện HLKH và CNVN phối hợp các đơn vị nghiên cứu khác trong cả nước, đang khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu thực hiện có hiệu quả Chương trình "Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên" giai đoạn 2011 - 2015. 

Theo nhandan.com.vn