So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Fri07052024

Nông dân tích cực chăm sóc, phòng bệnh cho vườn cà phê

Đánh giá:  / 0
DởHay 

   Sau khi các vườn cà phê thu hoạch xong, nông dân các địa phương đã tích cực áp dụng các biện pháp kỹ thuật để chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Ngoài việc cắt cành, tạo tán, nhiều hộ đã bắt đầu tưới nước, bón phân để phục hồi lại vườn cây sau vụ thu hoạch.

   Bước vào vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2019, người trồng cà phê trên địa bàn tỉnh đối mặt với không ít khó khăn bởi giá bán giảm mạnh, giá các loại vật tư tăng cao. Tuy nhiên, theo nông dân, giá cả cà phê tăng giảm thất thường cũng tùy theo từng năm nên bước sang vụ mới, bà con vẫn tích cực chăm sóc, hy vọng niên vụ tới thị trường cà phê sẽ khả quan hơn.

   Gia đình bà Nguyễn Thị Hoa ở thôn 6, xã Đắk Ha (Đắk Glong), trồng trên 2 ha cà phê. Năm nay, bước vào vụ thu hoạch, việc tính toán, bố trí công việc mùa màng của gia đình bà gặp trở ngại do thiếu nhân công thu hái. Do đó, vợ chồng bà tự thu hoạch nên thời gian kéo dài hơn các hộ trong khu vực hơn một tháng. Bà Hoa cho hay: “Năm nay, gia đình tôi quyết định không thuê công hái cà phê mà chỉ để người trong nhà làm. Một phần do công lao động quá cao nên tôi tiết kiệm để lo cho con cái ăn học”.

   Dù chưa kịp nghỉ ngơi, xong thu hoạch vợ chồng bà Hoa bắt tay ngay vào công đoạn chăm sóc để giúp vườn cây nhanh chóng phục hồi trở lại. Theo bà Hoa, vườn cây vừa mới thu hoạch xong thường mất sức, môi trường đất vườn nhiễm nấm bệnh nhiều. Do đó, việc xử lý vườn cây, tỉa cành, tạo tán cần phải làm kịp thời. Ngoài tỉa cành chân vịt, cành tổ quả, cành già, cành vô hiệu mọc trong tán sát mặt đất, bà Hoa còn khẩn trương tưới nước, bón thêm phân lân để bảo đảm cho cây phân hóa mầm hoa, tăng số hoa và số quả. Gia đình bà cũng bón kali giúp cà phê tăng tỷ lệ đậu quả cao chống chọi thời tiết bất thuận.

Gia đình ông Lê Văn Ba, ở thôn Tân Hòa, xã Đắk R'moan (thành phố Gia Nghĩa) tưới nước kết hợp vệ sinh vườn cà phê

   Còn gia đình ông Lê Văn Ba, ở thôn Tân Hòa, xã Đắk R'moan (thành phố Gia Nghĩa) cũng có hơn 1,5 ha cà phê ở giai đoạn kinh doanh. Trong những ngày này, sau khi vệ sinh vườn cây như cắt cành, gom dọn cành lá mục, ông còn tiến hành bơm nước tưới đợt 1 cho cà phê.

   Theo ông Ba, trong lúc tưới cho cây lại sức thì ông cũng tranh thủ rửa vườn để loại trừ rong rêu, tảo đỏ, nấm hồng. Sau đó, ông sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật chuyên trị nấm, rỉ sắt, mọt đục cành, rệp sáp… để phòng ngừa, hỗ trợ cho cây tăng thêm sức đề kháng. Cùng với đó, ông còn chú trọng bổ sung thêm các thành phần dưỡng chất đa, trung, vi lượng chuyên bón trong mùa khô, giúp nở hoa tốt, tỷ lệ đậu quả cao, nâng cao năng suất, chất lượng cho vườn cây.

 

Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh khuyến khích người dân ủ vỏ cà phê làm phân hữu cơ để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm chi phí đầu tư và tăng lợi nhuận cho người sản xuất. Ngoài ra, nông dân cũng cần cảnh giác các loại bệnh bệnh rỉ sắt, đốm mắt cua, rệp sáp, rệp vẩy, bọ xít trong suốt mùa khô. Nếu để rệp sáp phát triển mạnh, xâm nhập vào cuống hoa, chùm trái non sẽ rất khó diệt trừ...

 

   Theo ông Nguyễn Thiện Chân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh, giai đoạn vườn cà phê sau thu hoạch là thời điểm chuyển tiếp từ mùa mưa sang mùa khô. Giai đoạn này cũng phát sinh nhiều loại sâu bệnh hại cho vườn cây. Vì vậy, Chi cục đã tổ chức đến từng địa bàn, hướng dẫn cho bà con các biện pháp kỹ thuật chăm sóc và áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp ngay từ đầu vụ nhằm cắt đứt nguồn sâu bệnh lây lan qua vụ sau. Đồng thời, đơn vị khuyến cáo bà con thực hiện tốt công tác chuẩn bị vật tư, máy móc phục vụ tưới, bón phân… giúp mùa vụ tiếp theo diễn ra suôn sẻ, thuận lợi.

 

Nguồn: Báo Đắk Nông