So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Wed07032024

Nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh: “Nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật bảo quản sau thu hoạch quả bơ”

Đánh giá:  / 0
DởHay 

   Ngày 07/4, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh: “Nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật bảo quản sau thu hoạch quả bơ”.

   Đề tài do Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch là cơ quan chủ trì thực hiện và Ths. Nguyễn Mạnh Hiểu làm chủ nhiệm, thời gian thực hiện từ tháng 6/2019 đến tháng 6/2021. Hội đồng do Ông Nguyễn Viết Thuật - Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Nông làm Chủ tịch.

Ths. Nguyễn Mạnh Hiểu - chủ nhiệmnhiệm vụ trình bày báo cáo trước Hội đồng

   Đắk Nông hiện là một trong những tỉnh có diện tích và sản lượng bơ lớn của cả nước, với diện tích gần 2.600 ha, trồng chuyên canh hơn 700 ha, trồng xen canh gần 1.900 ha và năng suất bình quân từ 10 - 15 tấn/ha, chiếm khoảng 20% tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh, chủ yếu tập trung nhiều ở các huyện: Đắk Mil, Đắk R’lấp, Đắk Song, Đắk G’long và thị xã Gia Nghĩa. Bơ Đắk Nông đang được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng, bởi quả to, cơm dẻo, màu vàng sậm, mẫu mã đẹp hơn và chín kéo dài so với bơ các địa phương khác và là cây ăn quả có giá trị dinh dưỡng cao, giàu năng lượng, chứa khoảng 25 loại vitamin và khoáng chất tự nhiên có lợi cho sức khỏe, được xem là một loại quả “siêu thực phẩm” ít nơi nào có được. Tuy nhiên, lợi thế lớn nhưng giá trị hàng hóa Bơ Đắk Nông còn thấp do việc hạn chế trong ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong sơ chế, bảo quản và vận chuyển. Quy mô sản xuất manh mún, tình trạng bà con nông dân trồng tự phát không theo quy hoạch, nguồn vật tư đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…), quy trình sản xuất chưa đảm bảo, đầu ra sản phẩm không ổn định, chưa xây dựng thương hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý để truy xuất nguồn gốc xuất xứ… Đặc biệt, quy trình sơ chế, bảo quản sau thu hoạch chưa đảm bảo, dẫn đến hạn chế về thị trường tiêu thụ.

   Để khắc phục tình trạng này, đề tài đã đi sâu nghiên cứu các nội dung chủ yếu như: Phân tích hiện trạng sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ và đánh giá tổn thất sau thu hoạch quả bơ ở Đắk Nông; nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ bảo quản bơ trồng tại Đắk Nông; hoàn thiện quy trình công nghệ xử lý chín quả bơ bằng khí Ethylene ngoại sinh; xây dựng mô hình sơ chế, bảo quản bơ tại Đắk Nông…

   Theo đó, sau 24 tháng triển khai, nhóm thực hiện đề tài đã xây dựng 02 Mô hình ứng dụng công nghệ sơ chế, bảo quản, xử lý chín quả bơ trồng tại tỉnh Đắk Nông; Quy trình công nghệ sơ chế, bảo quản bơ trồng tại Đắk Nông với thời gian bảo quản ≥ 35 ngày; tỉ lệ thối hỏng < 5%; đảm bảo chất lượng cảm quan, dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm; Quy trình công nghệ xử lý chín quả bơ trồng tại Đắk Nông cho tỷ lệ chín đồng loạt ≥ 95%; đảm bảo chất lượng cảm quan, dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm; Đồng thời bơ đạt TCVN 10744:2015.

   Kết quả đề tài được hội đồng đánh giá cao về tính thực tiễn, đồng thời xếp loại đạt. Sau khi được nghiệm thu, kết quả của đề tài sẽ được chuyển giao cho công ty TNHH Long Huệ Đắk Nông và các công ty, cơ sở phối hợp ứng dụng triển khai thực hiện trong thực tiễn.

 

Nguyễn Mai