So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Wed07032024

Nông nghiệp sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu

Đánh giá:  / 0
DởHay 

   Để ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), nhiều hộ dân đã áp mô hình sản xuất sinh thái, hữu cơ. Ngành Nông nghiệp cũng đã có chiến lược phát triển sản xuất theo hướng này để ổn định, đạt hiệu quả cao hơn.

   Theo Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), BĐKH tác động rất lớn đến canh tác nông nghiệp của người dân, nhất là ở các tỉnh Tây Nguyên.

   Trong đó, hiện tượng El Nono thường gây hạn hán kéo dài, có thể làm giảm 20 – 25% lượng mưa. El Nono cũng là nguyên nhân gây thiếu nước trầm trọng đối với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên.

   Nhiều năm qua, BĐKH đã làm giảm dòng chảy trên các sông, mực nước ngầm cũng suy giảm, dẫn đến thiếu nước tưới cho cây trồng, nhất là cây cà phê, hồ tiêu.

   Trước thực tế đó, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái để ứng phó với BĐKH. Phần lớn các mô hình này đều được sản xuất theo hướng hữu cơ, thuận tự nhiên.

   Trong đó, ngoài áp dụng các biện pháp tưới nước tiên tiến, tiết kiệm, nhiều nông dân còn thực hiện các mô hình trồng xen canh, trồng cây che bóng mát, không sử dụng phân hóa học…, mang lại kết quả tích cực.

Nông dân xã Trường Xuân (Đắk Song) giới thiệu về vườn hồ tiêu sinh thái

   Tại HTX Hồ tiêu hữu cơ Bình Tiến (Đắk Song), nhiều thành viên đã trồng xen canh cây mắc ca, sầu riêng vào vườn hồ tiêu. Theo bà con, việc xen canh cây ăn quả giúp vườn tiêu thích ứng hơn trong điều kiện thời tiết cực đoan.

   Bởi trồng đa cây hợp lý sẽ giúp sinh thái vườn hài hòa, cây thích nghi tốt hơn với điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Vườn hồ tiêu cũng có sức đề kháng tốt hơn, ít sâu bệnh hơn.

   Theo ông Đồng Xuân Liền, Giám đốc HTX Bình Tiến, hình thức canh tác của xã viên phổ biến là trồng xen các loại cây ăn quả trong vườn tiêu. Trên mặt đất, bà con giữ lại thảm thực vật là những loại cỏ có ích để giữ độ ẩm.

   Các thành viên đã thay thế phân, thuốc bảo vệ thực vật hóa học bằng phân vi sinh, chế phẩm hữu cơ để chăm sóc cây trồng. Đây là biện pháp sản xuất thân thiện với môi trường, giúp cây trồng tăng sức đề kháng, chống chịu bệnh hại.

   Không những vậy, việc trồng xen, tạo cây che bóng còn giúp giữ độ ẩm, giảm được lượng nước tưới trong mùa khô. Hiện nay, tại một số vườn xen canh tốt, năng suất hồ tiêu đạt trung bình gần 2 tấn/ha. Sản phẩm từ cây ăn quả cũng giúp các thành viên có thu nhập hàng trăm triệu đồng.

   Bên cạnh trồng xen canh, nhiều hộ nông dân ở các huyện còn mở hướng sản xuất “cà phê sinh thái”. Đây là mô hình sản xuất ứng phó với những bất lợi do tác động của thời tiết, BĐKH khá hiệu quả.

Sử dụng công nghệ tưới phun mưa giúp tiết kiệm nước, ứng phó tốt với biến đổi khí hậu

   Theo Sở NN - PTNT, nông nghiệp sinh thái là canh tác hoàn toàn hữu cơ, đa dạng sinh học, đầu vào thấp… Các mô hình sản xuất sinh thái đều đã áp dụng những kỹ thuật như: đa cây, trồng cây lưu niên, đầu tư vành đai cây xanh, tạo hệ thống hồ đập để bảo vệ, dự trữ nguồn nước.

   Nhiều mô hình sản xuất ở Đắk R’lấp, Đắk Mil, Gia Nghĩa… đã áp dụng thành công kỹ thuật nông nghiệp tái sinh, phục hồi, giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển bền vững.

   Ông Đỗ Văn Hồng, ở thị trấn Đắk Mil cho biết: “Việc tái tạo lại môi trường đất sau thời gian dài sử dụng chất hóa học giúp vườn cây phát triển ổn định hơn. Cách làm của tôi là dùng xác bã thực vật để tăng độ mùn cho đất, tạo môi trường sinh sống các loại vi sinh vật”.

   Hiện nay, Sở NN - PTNT đã xây dựng kế hoạch, quy hoạch về cây trồng, vật nuôi, công trình thủy lợi phù hợp với BĐKH. Các địa phương cũng đưa vào sản xuất các loại giống cây trồng thích ứng với điều kiện của từng tiểu vùng.

   Trong đó, các loại cây lương thực, hoa màu có thời gian sinh trưởng ngắn, chịu hạn cao đã được người dân sử dụng rộng rãi. Người dân cũng tích cực chuyển đổi cây trồng theo hướng thích ứng với BĐKH...

 

Nguồn: Báo Đắk Nông