Chế biến sâu chanh dây - Hướng đi của doanh nghiệp
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ hai, 20 Tháng sáu 2022 08:54
Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Đắk Nông đã mạnh dạn đầu tư hạ tầng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến sâu chanh dây. Điều này không chỉ góp phần giải quyết đầu ra mà còn từng bước nâng cao giá trị kinh tế cho loại nông sản này.
Công ty TNHH MTV Thuận Tâm (Công ty Thuận Tâm) bắt đầu thu mua chanh dây tại xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) từ khoảng năm 2010. Sau nhiều năm, Công ty từng bước đầu tư được nhiều loại máy móc, thiết bị để sơ chế và chế biến sâu chanh dây.
Cách đây ít năm, Công ty Thuận Tâm quyết định xây dựng nhà kho mới, rộng rãi hơn để chế biến chanh dây theo hướng chuyên sâu. Hệ thống máy móc từng bước được hoàn thiện theo quy trình khép kín. Công ty tập trung vào chế biến sản phẩm dịch chanh tươi phục vụ nhu cầu xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Tuấn Hải, Giám đốc Công ty Thuận Tâm, trung bình 3 kg chanh dây tươi chế biến được 1 kg dịch chanh. Sau khi thu mua, chanh dây được đưa vào dây chuyền rửa sạch, để gọn gàng.
Công ty TNHH MTV Thuận Tâm (Gia Nghĩa) xây dựng được nhà xưởng, dây chuyền chế biến chanh dây theo hướng chuyên nghiệp |
Dịch chanh sau khi được công nhân tách khỏi vỏ sẽ được kiểm tra kỹ, phân loại và đóng vào các bịch nilon lớn, đưa vào kho đông lạnh. Kho đông lạnh của Công ty Thuận Tâm có sức chứa khoảng 100 tấn dịch chanh cấp đông.
Nếu tiêu thụ thuận lợi, Công ty có thể đạt được công suất chế biến khoảng 300 tấn dịch chanh tươi/1 tháng. Với số lượng hàng hóa này, Công ty góp phần giải quyết việc làm cho cả trăm lao động tại địa phương.
Kho lạnh của Công ty Thuận Tâm có thể cấp đông đến âm 50 độ C. Nhưng thông thường, Công ty triển khai cấp đông dịch chanh dây ở nhiệt độ âm 25 độ C.
“Kho lạnh đóng vai trò quyết định trong chế biến dịch chanh dây. Vì hàng hóa đưa đi xuất khẩu cần thời gian dài nên phải cấp đông, càng lạnh sâu càng tốt. Chất lượng sản phẩm đầu vào tốt, được bảo quản kỹ càng thì xuất đi rất yên tâm mà giá bán cũng cao hơn”, ông Hải chia sẻ.
Dịch chanh dây là một trong những sản phẩm được nhiều doanh nghiệp chọn chế biến để xuất khẩu |
Tại Đắk R’lấp, Công ty Cổ phần đầu tư Long Huệ (Công ty Long Huệ) là một trong những doanh nghiệp lớn chuyên chế biến chanh dây. Hiện tại, Công ty này đang sản xuất 2 mặt hàng chính là: quả tươi và nước ép (cô đặc, đông lạnh…). Hàng năm, Công ty Long Huệ xuất khẩu khoảng 5.000 tấn sản phẩm đến các nước châu Á và châu Âu.
Theo ông Nguyễn Chí Long, Tổng Giám đốc Công ty Long Huệ, những năm qua, công ty đã hoàn thiện được hệ thống máy móc, nhà xưởng để chế biến, bảo quản chanh dây.
Nhờ vậy, doanh nghiệp tự tin hơn rất nhiều trong xuất khẩu hàng hóa. Hiện Công ty Long Huệ đã xây dựng được thị trường xuất khẩu chanh dây dài hạn với sản lượng không giới hạn.
Ông Long chia sẻ: "Có nhà xưởng chế biến, bảo quản sản phẩm nên chủ động được phương án thu mua, bao tiêu đầu ra cho người dân. Khi thị trường "khát", Công ty mua được chanh dây với giá cao cho bà con. Còn nếu thị trường chậm lại, Công ty cũng mua được giá tốt nhất có thể".
Việc xây dựng kho lạnh giúp các doanh nghiệp tự tin hơn trong chế biến bảo quản chanh dây |
Những năm gần đây, thị trường chanh dây từng bước khởi sắc. Nhờ lợi thế sẵn có, Đắk Nông đang đẩy mạnh việc thu hút đầu tư lĩnh vực sơ chế, chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp, trong đó có chanh dây. Bên cạnh đó, Đắk Nông cũng phát triển chanh dây theo hướng hàng hóa có chứng nhận, gắn với chuỗi giá trị.
Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Nông Phạm Tuấn Anh cho biết, những năm qua, tỉnh đang nỗ lực kết nối, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nhà xưởng, dây chuyền chế biến để hình thành vùng nguyên liệu chanh dây, phát triển bền vững hơn.
Đắk Nông đặt mục tiêu kết nối bà con nông dân, HTX với các nhà máy chế biến ngay trên địa bàn để giảm bớt khâu trung gian, đem lại giá trị kinh tế cao cho cả người trồng và doanh nghiệp.
Nguồn: báo Đắk Nông
Tin mới
- Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ “Đề xuất chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm từ cây dược liệu của tỉnh Đắk Nông theo chuỗi giá trị” - 31/08/2022 09:58
- Nâng cao giá trị cây lúa trên đất Ðắk Nông - 22/08/2022 07:49
- Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 - 12/08/2022 16:08
- Mã số vùng trồng - Điều kiện cần để nông sản xuất ngoại - 14/07/2022 10:22
- Tạo bứt phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ - 14/07/2022 09:05
Các tin khác
- Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Nông và Đại học Tây Nguyên triển khai hợp tác về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ - 17/06/2022 09:47
- Hội đồng đánh giá, tuyển chọn tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh “Đánh giá, chọn lọc giống và xây dựng quy trình canh tác, chế biến sâu tạo sản phẩm từ cây mắc ca (Macca intergrifolia) trên địa bàn huyện Tuy Đức tỉnh Đắk Nông” - 25/05/2022 15:23
- Liên kết sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm bơ - 25/05/2022 14:38
- Hội thảo phổ biến, lấy ý kiến kết quả điều tra đánh giá thực trạng sản xuất, tiêu thụ xoài, bơ, sầu riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông - 19/05/2022 10:32
- Hội thảo góp ý chương trình khoa học công nghệ phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Đắk Nông - 19/05/2022 10:08