So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Thu07042024

Ứng dụng Khoa học và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất giống, trồng thương phẩm và tiêu thụ gấc lai bền vững tại tỉnh Đắk Nông

Đánh giá:  / 0
DởHay 

Gấc có tên khoa học là: Momordica cochinchinensis Spreng thuộc họ bầu bí, là cây ưa khí hậu ấm áp, ẩm độ không khí cao; Gấc là loại cây không kén đất, chịu được hạn, có thể tận dụng các loại đất bạc màu, đất bỏ hoang, đất rìa ao hồ, đất làm hàng rào… đây là cơ sở cải thiện được nguồn thu nhập cho nông dân, giúp nông dân tận dụng tối đa quỹ đất.

Giống gấc lai là giống được lai giữa giống gấc Việt Nam và giống gấc Ấn Độ, có chất lượng tốt, quả tròn, to, trọng lượng quả trung bình đạt 2 - 3kg, cá biệt có quả đạt 4 - 5kg. Quả ít gai, khi chín có màu đỏ, tỉ lệ long cùi cao, ruột đỏ thẫm, cho năng suất cao. Còn giống gấc khác trọng lượng quả trung bình từ 1 - 2kg, vỏ có nhiều gai nhọn, khi chín chuyển sang màu đỏ cam, cùi vỏ trong vàng tươi, lớp long màu đỏ tươi.

Giống gấc lai có năng suất cao, chất lượng tốt, cho hàm lượng Carotenoid, Beta Caroten, Alphatocopherol, Lycopen cao hơn rất nhiều so với cùng một quả gấc khi thu hoạch. Gấc có nhiều công dụng như:

- Bổ sung Vitamin: Dầu gấc chứa nhiều hàm lượng Beta Carotene là tiền sinh tố của Vitamin A. Chất này khi vào cơ thể sẽ chuyển thành vitamin A, có lợi đối với mắt.

- Công dụng làm đẹp: Hàm lượng Lycopen, Beta Carotene, Alphatocopherol,… có trong dầu gấc cao gấp  nhiều lần cà chua. Trong lớp màng đỏ bao quanh hạt gấc còn chứa rất nhiều vitamin E chất chống oxi hóa, chống lão hóa tế bào. Các chất này góp phần chống sạm da, khô da, rụng tóc,... Không chỉ vậy hiện nay dầu gấc còn được chiết suất để chữa các loại mụn trứng cá có nhân. Vì vậy, gấc trở thành loại quả dùng trong công nghiệp mỹ phẩm.

- Phòng chống ung thư: Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, chất Lycopen trong cà chua có khả năng phòng chống ung thư, hạn chế sự phát triển các tế bào ung thư. Nhưng theo nghiên cứu của Đại học Califonia thì hàm lượng Lycopen trong gấc còn cao hơn cà chua gấp 70 lần. Không chỉ vậy, gấc còn chứa nhiều các chất khác như Vitamin E, carotene… làm vô hiệu hóa 75% các chất gây ung thư, đặc biệt là ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt…

- Tác dụng tốt với tim mạch: Dầu gấc có tác dụng làm giảm cholesterol, làm bền thành mạch, chống xơ vữa động mạch, từ đó giảm hiện tượng tai biến và tốt cho tim, người bị mắc bệnh tiểu đường, tăng tuổi thọ.

- Tác dụng tốt cho hệ tiêu hóa: Các món ăn được chế biến từ gấc giúp nhuận tràng, chống táo bón.

- Nâng cao sức đề kháng cơ thể: Curcumin trong dầu gấc có khả năng loại bỏ các gốc tự do gây ung thư có trong thức ăn, nước uống hàng ngày. Đồng thời nâng cao sức đề kháng, thể lực. Bên cạnh tinh chất Curcumin được coi là quý giá còn có Beta Caroten chứa trong màng của quả gấc cũng có tác dụng chống ôxy hóa mạnh, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Giúp cơ thể nâng cao hệ thống miễn dịch.

- Hạt gấc, loại thuốc dân gian: Hạt gấc cũng là loại thuốc dân gian. Nhân hạt gấc chứa chất dầu màu vàng, các chất dinh dưỡng như chất béo, đạm, chất xơ, phosphtase…thường dùng trị mụn nhọt, quai bị, sưng tấy, lở loét, tắc tia sữa…

Trước đây, cây gấc đã được khảo sát đánh giá là rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của tỉnh Đắk Nông. Tuy nhiên, do còn một số hạn chế trong kỹ thuật trồng, chăm sóc và quản lý dẫn đến các mô hình trồng gấc tự phát trong dân không thể phát triển mạnh. Đặc biệt chưa có sự kết nối, đầu tư khép kín giữa người trồng và doanh nghiệp nên sản phẩm gấc của người dân trồng ra chủ yếu tự tiêu thụ ở dạng quả tươi trên thị trường, do vậy cây gấc chưa thể trở thành cây trồng mang tính hàng hóa và là cây xóa đói giảm nghèo cho toàn tỉnh. Tình hình canh tác gấc tại tỉnh Đắk Nông được tóm tắt qua một số nét cơ bản như sau (Trương Vĩnh Hải, 2012):

Giống gấc: Hầu hết số hộ trồng gấc ở Đắk Nông đều không rõ nguồn gốc của giống và không nhận dạng được những đặc tính nông sinh học cơ bản của giống. Việc trồng gấc mang tính tự phát. Phần lớn các hộ trồng gấc bằng hạt từ việc thu thập ở chợ hoặc ở những vùng khác. Bên cạnh đó, việc trồng từ hạt cũng đã dẫn đến sự phân ly các tính trạng, đặc biệt là các tính trạng liên quan đến năng suất và chất lượng thịt quả cũng như khả năng chống chịu sâu bệnh hại và điều kiện bất lợi của ngoại cảnh. Điều này cho thấy rằng, công tác chọn giống phù hợp với điều kiện tự nhiên cũng như đáp ứng yêu cầu thị trường cùng với kỹ thuật nhân giống để đạt hiệu quả cao giữ một vị trí rất quan trọng.

Thời vụ: Do khí hậu ấm áp quanh năm nên Đắk Nông phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cây gấc. Nông dân có thể trồng gấc quanh năm nếu họ có đủ điều kiện và thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, theo điều tra, hầu hết nông dân trồng gấc từ đầu mùa mưa và cho thu hoạch chính vụ vào dịp cuối năm.

Kiểu giàn: Trên 60% số hộ nông dân trồng gấc ở Đắk Nông làm giàn gấc theo kiểu giàn lưới qua đầu (Kiểu giàn phổ biến cho các loại cây trồng thuộc họ bầu bí). Số hộ còn lại trồng gấc để cho leo lên hàng rào và những cây lâu năm khác.

Năng suất gấc phụ thuộc nhiều vào giàn leo, do việc trồng gấc ở đây mang tính tự phát, diện tích manh mún và đầu ra cho sản phẩm chưa ổn định nên làm giàn cho gấc chưa được chú trọng, vì thế năng suất còn thấp và bấp bênh.

Bón phân: Kết quả điều tra cho thấy, nông dân ở Đắk Nông còn ít chú trọng đến việc bón phân cho gấc. Cây gấc chỉ được bón phân đối với những hộ nông dân trồng theo hợp đồng của các công ty thu mua gấc hoặc trên những vườn gấc trồng tập trung có làm giàn leo. Tuy nhiên, lượng phân sử dụng và quy trình bón có sự khác biệt giữa các hộ trồng.

Tưới nước cho gấc: Do cây gấc có tính chịu hạn cao và dựa vào đặc tính sinh trưởng của gấc (sau khi thu hoạch, cây sẽ rụng lá, rụng cành) nên hầu hết nông dân ở Đắk Nông không tưới nước cho cây gấc trong mùa khô.

Bảo vệ thực vật: Có khoảng 10% số hộ trồng gấc cho biết có xuất hiện bệnh trên quả gây thối quả và rụng, tuy nhiên không biết bệnh gì; Tất cả các hộ trồng gấc không tập trung, cho cây leo lên hàng rào hoặc cây trồng khác thường không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong suốt quá trình sinh trưởng, phát triển của cây; Có 25% số hộ trồng gấc tập trung có sử dụng thuốc bảo bệ thực vật, chủ yếu là các loại thuốc phòng trừ bệnh hại cây trồng phổ biến. Việc nông dân sử dụng thuốc phòng trị bệnh cho gấc là do thói quen khi gặp triệu chứng bệnh trên các đối tượng cây trồng tương tự chứ chưa được tập huấn, hướng dẫn cụ thể.

Thu hái và tiêu thụ: Đối với hầu hết các hộ trồng gấc, khi quan sát vỏ quả chuyển từ xanh sang màu đỏ cam là thời điểm thu hoạch để mang ra chợ bán. Nếu sử dụng vào việc chế biến cho mục đích sử dụng cho gia đình thì gấc có thể để chín lâu hơn trên cây.

C:\Users\pc\Downloads\image2.JPG

Ông Lê Xuân Quả (trái) GĐ Trung tâm TT&ƯDKHCN và Ông Nguyễn Viết Hưng Trưởng Khoa Nông học trường ĐH Nông Lâm Thái Nguyên thăm mô hình gấc tại Cư Jút - Ảnh: LXQ

Nhìn chung, Đắk Nông là một tỉnh có tiềm năng và triển vọng lớn để phát triển sản xuất gấc lai thương phẩm quy mô công nghiệp theo tiêu chuẩn GlobalGAP, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa được chú trọng phát triển, hầu hết người dân trồng Gấc tự phát, năng suất và hiệu quả kinh tế thấp. Do đó, cần tăng cường đầu tư hơn nữa để xây dựng cơ sở sản xuất giống chất lượng cao, ứng dụng chuyển giao các công nghệ sản xuất giống gấc lai, công nghệ trồng và chăm sóc gấc lai thương phẩm tại địa phương, đưa các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, từ đó nâng cao trình độ kỹ thuật và trình độ quản lý cho người dân, những vấn đề này cần phải được giải quyết đồng bộ mới có thể tạo ra sự phát triển mạnh và bền vững cho nghề trồng gấc của tỉnh Đắk Nông.

Vì vậy, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh Đắk Nông đề xuất và triển khai dự án: “Ứng dụng Khoa học và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất giống, trồng thương phẩm và tiêu thụ gấc lai bền vững tại tỉnh Đắk Nông” nhằm giải quyết những vấn đề sau:

- Tăng cường năng lực cho cán bộ cơ sở và người dân bằng các chương trình tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, hội thảo, tham quan học tập kinh nghiệm về sản xuất gấc.

- Xây dựng mô hình sản xuất giống, trồng gấc tại tỉnh Đắk Nông nhằm khai thác, sử dụng hợp lý diện tích đất đai hiện có, đất đai còn trống, đất đai chưa hiệu quả sang trồng gấc đạt hiệu quả kinh tế cao.

- Trên cơ sở thành công của dự án, sau khi kết thúc dự án đơn vị thực hiện sẽ đề xuất chính sách nhằm khuyến khích phát triển diện tích gây trồng gấc trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

- Hỗ trợ, khuyến khích người dân áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong quá trình triển khai dự án, tiến tới quy hoạch thành vùng nguyên liệu cung cấp sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.

- Tạo ra chuỗi giá trị các sản phẩm từ gấc trên cơ sở gắn kết giữa Nhà nước (cơ chế chính sách, hỗ trợ tài chính), người nông dân (tạo nguồn nguyên liệu), nhà khoa học (chuyển giao kỹ thuật), doanh nghiệp (thu mua nguyên liệu, chế biến sản phẩm), trong đó lấy doanh nghiệp làm hạt nhân.

Dự án tập trung vấn đề phát triển và nâng cao hiệu quả về chuỗi giá trị cây gấc ở Đắk Nông đồng thời có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của 4 nhà:

- Nhà sản xuất: là những người nông dân trực tiếp sản xuất trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

- Nhà kinh doanh: Hợp tác xã Nông - Lâm nghiệp Nam Hà là đơn vị cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm (quả gấc tươi) của các hộ nông dân trên địa bàn triển khai dự án.

- Nhà quản lý: Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Nông, phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và trạm Khuyến nông - Khuyến ngư của các huyện trực tiếp thực hiện dự án (2 huyện Cư Jút và Krông Nô).

- Nhà Khoa học: Nhóm nghiên cứu và phát triển cây gấc thuộc Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên với nhiều năm kinh nghiệm trong nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ.

Huyền Trang