KH&CN trực tiếp làm thay đổi diện mạo đời sống, kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ hai, 17 Tháng tám 2020 09:49
Chiều 14/8, tại Hà Nội, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc đã làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về KH&CN phục vụ phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2011 - 2020”.
Toàn cảnh buổi làm việc
Tham dự Hội nghị có đồng chí Hà Ngọc Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Trưởng Đoàn giám sát; các đồng chí Lãnh đạo Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành; các đồng chí thành viên Đoàn giám sát. Về phía Bộ KH&CN có đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; các đồng chí Lãnh đạo Bộ và đại diện lãnh đạo, cán bộ của các đơn vị quản lý nhà nước của Bộ.
Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc nêu rõ, 10 năm qua, được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự nỗ lực của Bộ KH&CN, các bộ, ngành có liên quan và địa phương, các chương trình, nhiệm vụ KH&CN phục vụ phát triển KT - XH vùng DTTS&MN đã được triển khai đúng hướng, trực tiếp làm thay đổi diện mạo đời sống, phát triển KT-XH vùng DTTS&MN; huy động được nguồn vốn đầu tư cho ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN, làm cho hoạt động nghiên cứu gắn bó với thực tiễn của địa phương, người dân được hưởng những thành quả do KH&CN mang lại. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp ở nông thôn đổi mới công nghệ hoặc hỗ trợ hình thành các ngành nghề mới nhằm phát huy lợi thế của địa phương, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân; phát triển sản xuất tại một số địa bàn đặc biệt khó khăn, chậm phát triển, vùng dân tộc ít người. Vì thế, tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng dân tộc thiểu số và miền núi thời gian qua đạt khá cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Bước đầu hình thành vùng sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa. Cơ sở hạ tầng từng bước được tăng cường; giảm tỷ lệ hộ nghèo, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên.
Một vài ví dụ nổi bật, chỉ riêng Chương trình Nông thôn miền núi, trong 10 năm qua đã xây dựng 4.324 mô hình, tạo việc làm cho trên 3.000 lao động thường xuyên và 6.200 lao động thời vụ, tạo sinh kế cho đồng bào người dân vùng dân tộc thiểu số như H’Mông, Dao, Thái, Tày, Nùng (khu vực miền núi phía Bắc), Ê Đê, Khơ Me (khu vực phía Nam)… Thông qua Chương trình hỗ trợ và phát triển tài sản trí tuệ) đã xây dựng, phát triển 38 nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý cho vùng DTTS&MN theo chuỗi giá trị (các sản phẩm Hoa hồi, na Chi Lăng, chè Shan Tuyết (Sơn La), cafe Buôn Mê Thuột, hồ tiêu Chư Sê...). Dự án KAWATECH – Hà Giang áp dụng thử nghiệm ở một số khu vực thuộc Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang là một dự án thành công điển hình, góp phần giải quyết những vấn đề cơ bản về nước ở Việt Nam.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cũng chỉ ra vướng mắc liên quan vùng DTTS&MN gặp nhiều khó khăn do tiềm lực KH&CN tại các vùng này còn hạn chế; trong đó nguồn nhân lực KH&CN phục vụ phát triển vùng DTTS&MN có xu hướng giảm về chất lượng do chính sách ưu đãi chưa đủ hấp dẫn. Việc duy trì, nhân rộng các mô hình sau khi triển khai còn gặp khó khăn cả về vốn và nhân lực có trình độ kỹ thuật để duy trì sản xuất. Không có nhiều doanh nghiệp mặn mà triển khai các dự án tại các vùng này. Do đó, Bộ KH&CN đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều trong các Luật KH&CN nhằm có các quy định đặc thù để phát triển KH&CN phục vụ đồng bào dân tộc và vùng DTTS&MN. Đồng thời, tiếp tục bố trí đủ kinh phí cho hoạt động KH&CN.
Đồng tình với các kết quả Bộ KH&CN nêu, đại diện các bộ, ngành và Uỷ ban Dân tộc của Quốc hội cũng khẳng định vai trò của KH&CN với phát triển KT-XH của vùng DTTS&MN và nhấn mạnh, nếu không đưa KH&CN vào phát triển KT – XH vùng DTTS&MN thì không thể giải quyết được vấn đề nghèo, đói ở khu vực này.
Trước góp ý của đoàn giám sát, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh ghi nhận và chia sẻ, mặc dù báo cáo chưa khái quát hết được bức tranh chung đóng góp của KH&CN với phát triển chung. Tuy nhiên, KH&CN luôn với tâm thế phục vụ, đồng hành cùng các ngành, lĩnh vực, đóng góp vào phát triển KT-XH, an ninh quốc phòng chung của đất nước, sau đó tập trung vào đối tượng đặc thù chuyên biệt có vị trí chiến lược là vùng DTTS&MN.
Bộ trưởng khẳng định, thời gian qua, các chính sách tiến bộ của quốc tế về KH&CN đã được Quốc hội ủng hộ, vận dụng linh hoạt trong điều kiện thực tế của Việt Nam, tuy nhiên để đi vào cuộc sống vẫn có những điểm chưa đồng bộ với các pháp luật liên quan. Trong khó khăn chung, khoa học đã từng bước thể hiện vai trò, nhất là với khu vực nông thôn miền núi. Minh chứng là các Chương trình Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Nông thôn miền núi, Chương trình Quỹ gene... với hơn 1.000 đề tài, dự án liên quan đến DTTS&MN. Gần đây nhất tổng kết Chương trình Tây Bắc, bên cạnh nhiều sản phẩm KH&CN, điều đặc biệt nhất là bộ cơ sở dữ liệu liên ngành số hóa của 14 lĩnh vực; các luận cứ khoa học, các khuyến nghị…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Hà Ngọc Chiến đánh giá cao nội dung báo cáo của Bộ KH&CN đã bám sát đề cương yêu cầu và có chất lượng cao. Đồng chí cũng cho biết, đây là lần đầu tiên Hội đồng Dân tộc giám sát về lĩnh vực này, đúng vào thời điểm rất ý nghĩa, rất cần thiết.
Đánh giá cao những đóng góp của Bộ KH&CN, đồng chí Hà Ngọc Chiến cho rằng nhìn vào số lượng đề tài, nhiệm vụ trực tiếp giải quyết các vấn đề vùng miền núi, dân tộc thiểu số là rất đồ sộ. Trong 10 năm qua đã có 6 chương trình khoa học công nghệ liên quan đến vùng DTTS&MN, với 1.115 đề tài, dự án, 1.483 nhiệm vụ KH&CN trực tiếp giải quyết các vấn đề KH&CN phục vụ phát triển KT-XH vùng DTTS&MN, 4.324 mô hình, cho thấy sự quan tâm đầu tư đối với khu vực này.
"Nhờ việc thực hiện các chính sách vào cuộc sống thực tế cho thấy sự thay đổi "một trời một vực" ở vùng DTTS&MN, trong đó ghi nhận đóng góp của KH&CN theo đúng tinh thần nghị quyết của Trung ương trên tất cả các lĩnh vực. Các kết quả nghiên cứu KH&CN còn là căn cứ để hoạch định chính sách và tiếp tục để hoạch định chính sách trong giai đoạn tới", đồng chí Hà Ngọc Chiến khẳng định.
Đồng chí Hà Ngọc Chiến đề nghị, Bộ tiếp tục cụ thể hóa số liệu riêng về đầu tư KH&CN phục vụ phát triển KT-XH vùng DTTS&MN giai đoạn 2011 – 2020 trong số liệu chung của cả nước; đánh giá hiệu quả thực sự kết quả các đề án, đề tài đối với 3 vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; làm rõ vai trò doanh nghiệp trong nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng KH&CN cũng như định hướng thời gian tới những vấn đề gì cần tập trung giải quyết.
Nguồn: https://www.most.gov.vn
Tin mới
- Hiệp định EVFTA – cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Liên minh châu Âu - 18/08/2020 10:02
- Chiết xuất đông trùng hạ thảo bằng máy chiết chân không - 18/08/2020 09:45
- Đề xuất đầu tư 15 phòng thí nghiệm trọng điểm cho các nhà khoa học - 18/08/2020 09:34
- Thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch - 18/08/2020 09:19
- Tư duy thiết kế - ứng dụng trong thiết kế nhận diện thương hiệu các sản phẩm địa phương - 17/08/2020 10:00
Các tin khác
- Phát triển nền tảng số ‘Make in Vietnam’ - thúc đẩy nhanh chuyển đổi số - 17/08/2020 09:38
- Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn xây dựng quy trình đánh giá, nghiệm thu các nhiệm vụ - 17/08/2020 09:31
- Chế phẩm sinh học chứa virus 'khắc tinh' của sâu hại rau muống - 14/08/2020 09:52
- Tìm 'đường' thương mại hóa cho sản phẩm nghiên cứu - 14/08/2020 09:37
- Các công cụ trực tuyến có thể cải thiện chẩn đoán tự kỷ - 14/08/2020 09:21