So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Wed07032024

Chế phẩm sinh học chứa virus 'khắc tinh' của sâu hại rau muống

Đánh giá:  / 0
DởHay 

    Nuôi sâu để diệt... sâu

    Năm 2017, Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra kế hoạch xây dựng cánh đồng rau muống nước VietGap mang thương hiệu Thành phố. Trong đó, nhấn mạnh không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật để trừ sâu.

Sâu khoang hại rau muốn

    Tuy nhiên, thực tế trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận, sâu khoang là loài sâu ăn tạp xuất hiện rất nhiều, chúng có thể phá hại trên 200 loại cây trồng, phát triển quanh năm và thậm chí phát sinh thành dịch trên diện rộng. Rau muống nước cũng là một trong những loài thực vật dễ bị tổn thương trước sâu khoang.

    Để trừ sâu khoang hại rau muống nước, nông dân thường dùng các loại thuốc sử dụng trên lúa và pha trộn nhiều chủng loại thuốc. Điều này không những làm tăng chi phí sản xuất mà còn làm tăng tồn lưu hoá chất trên cây rau muống, tăng nguy cơ gây ngộ độc cho người tiêu dùng và gây ô nhiễm môi trường.

 

    TS. Nguyễn Thị Hai cùng cộng sự đã tiến hành thực hiện đề tài nghiên cứu đưa virus Nucleo Pohedrosis vào chế phẩm sinh học để diệt sâu. Khi phun chế phẩm lên cây, virus sẽ đi vào cơ thể sâu theo thức ăn và sinh sản gây chết sâu trong vòng từ 2 ngày đến 5 ngày. Khi sâu chết, virus sẽ phóng thích ra bên ngoài và tiếp tục lây nhiễm cho lứa sâu kế tiếp. Chế phẩm không gây độc cho con người và môi trường.
    Quy trình sản xuất gồm các bước như nhân nuôi sâu ký chủ, sản xuất virus NPV trên ký chủ sâu khoang, tạo chế phẩm SL-NPV phù hợp để sử dụng cho cây rau muống nước. Các bước tiến hành được hướng dẫn rõ ràng, dễ thực hiện, từ đó dễ triển khai ở quy mô lớn.

    Theo chia sẻ từ nhóm nghiên cứu, để tạo ra sản phẩm diệt sâu như vậy, quá trình sẽ bắt đầu với nhân nuôi sâu ký chủ. Ở bước này, sâu khoang giống được thu ở những ruộng rau muống không phun thuốc. Sâu sẽ được nuôi trên thức ăn nhân tạo cho đến khi sâu hóa nhộng.

    Thức ăn thêm cho trưởng thành là mật ong hoặc nước đường 10%. Ghép cặp nhộng đực, nhộng cái và thu trứng để nhân nuôi sâu phục vụ sản xuất sâu giống và tạo chế phẩm SL-NPV. Virus trên ký chủ sâu khoang sẽ lây nhiễm từ 12 - 24 giờ.
Sâu nuôi có chứa virus bên trong, sau khi đưa ra môi trường sẽ tiêu diệt sâu đồng loại
 

    Sau khi sâu nhiễm virus, nhóm sẽ nuôi sâu bằng thức ăn sạch, chuyển sang sử dụng dịch li tâm để lây nhiễm cho sâu. Nếu không phải ở phòng thí nghiệm, nông dân có thể bắt sâu ngoài đồng và tự cho nhiễm NPV qua thức ăn tự nhiên hay nhân tạo vì sinh khối virus có thể bảo quản trong cơ thể sâu chết hoặc bằng dịch đã li tâm.

    Tiếp theo, nhóm nghiên cứu của TS. Hai bổ sung acetone 10% phối trộn dịch nghiền xác sâu theo tỉ lệ 1:1 và lọc, từ đó tạo ra chế phẩm dạng lỏng hoặc dạng bột, dễ dàng bảo quản và sử dụng được nhiều lần.

    Mỗi ha lãi thêm hơn 10 triệu đồng

    Qua thử nghiệm diện rộng, chế phẩm có hiệu lực trên sâu khoang ở cây rau muống nước từ 75,7% (dạng bột) đến 83,8% (dạng lỏng), tương đương với hiệu lực của những loại thuốc hóa học khác. Về năng suất, sử dụng chế phẩm SL-NPV cũng cho đồng rau muống hiệu suất tương đương so với phun thuốc hóa học, vào khoảng từ 22,2 - 22,5 tấn/ ha.

    Về hiệu quả kinh tế, việc sử dụng chế phẩm SL-NPV đã làm tăng lợi nhuận cho người nông dân từ 11.200.000đ đến 13.050.000đ/ha so với đối chứng không phun và sai khác không đáng kể so với phun thuốc hóa học.

    Qua tính toán, nếu sử dụng chế phẩm để trừ sâu khoang sẽ làm giảm được lượng hóa chất thương phẩm sử dụng là 22 kg, lít thuốc/ha, đồng thời tạo ra sản phẩm an toàn, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, người nông dân, hạn chế sự ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí cho thành phố.

    Theo TS Nguyễn Thị Hai, virus NPV có hiệu lực cao nhưng lại rất chuyên tính. Chủng SL-NPV chỉ có độc lực trên sâu khoang và không tác động trực tiếp đến các loài sâu hại khác và thiên địch. Vì vậy sử dụng chế phẩm SL-NPV ngoài tác dụng quản lý mật độ sâu khoang còn giúp bảo tồn thiên địch trên đồng để chúng hạn chế sự bùng phát của các sâu hại khác.

    Trong trường hợp bên cạnh sâu khoang, trên cánh đồng còn có loài sâu, bệnh hại khác phát triển cao thì nên sử dụng phối hợp thêm các biện pháp khác. Do SL-NPV có hiệu lực cao và có khả năng lây lan trên đồng mạnh nên sau một vài năm sử dụng, sâu ký chủ sẽ được kìm hãm ở mức rất thấp không phải sử dụng thuốc để phòng trừ. Vì vậy, các công ty thuốc bảo vệ thực vật không mặn mà với các chế phẩm này. "Để sản phẩm này tới tay của người nông dân cần có những chương trình giúp đỡ từ phía nhà nước, các cơ quan Ban ngành để nông dân có thói quen sử dụng chế phẩm, giúp duy trì tác nhân có ích trên đồng để chúng tự kìm hãm sâu khoang", TS Hai cho biết.

    Trong khuôn khổ đề tài, nhóm nghiên cứu cũng tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các hộ nông dân sản xuất rau muống ở huyện Củ Chi, Hóc Môn. Qua đó cho thấy, quy trình này có thể phổ biến rộng rãi cho nông dân tự sản xuất NPV để làm thuốc trừ sâu sinh học dùng trên đồng ruộng. Tuy nhiên, TS Hai cũng khuyến cáo để tạo chế phẩm và bảo quản chế phẩm thì cần phải có cơ sở, đơn vị có đủ điều kiện và năng lực chuyên môn. Có thể đó là các công ty thuốc bảo vệ thực vật hoặc các Trung tâm Khuyến nông của địa phương.

    Quy trình cũng có thể chuyển giao áp dụng tại các cơ sở sản xuất chế phẩm sinh học để cung cấp ra thị trường chế phẩm diệt trừ sâu khoang trên rau muống và các cây trồng khác.