So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Fri07052024

Mô hình khuyến nông tạo bước đệm ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất

Đánh giá:  / 0
DởHay 

   Thời gian qua, việc xây dựng các mô hình khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân đã được ngành Khuyến nông tỉnh thực hiện và đạt được những kết quả nhất định, góp phần tích cực xóa đói, giảm nghèo.

   Từ những mô hình khuyến nông đã giúp người nông dân tiếp cận, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhất là đưa những cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Qua đó, giúp nông dân xóa dần độc canh cây lương thực, đồng thời bổ sung cơ cấu cây giống, thâm canh tăng vụ tại địa phương.

   Đặc biệt, nông dân đã chuyển đổi đất ruộng không chủ động được nước sang trồng những cây phù hợp như: ngô, khoai lang, bí đỏ, cải bắp… mang lại hiệu quả kinh tế hơn.

Giống lúa LCH 37 (Sơn Lâm 2) do Phòng Nông nghiệp – PTNT huyện Krông Nô thực hiện đạt năng suất từ 8 – 9 tấn/ha

   Qua thực tế sản xuất, từ các mô hình, dự án khuyến nông đã tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận kiến thức cơ bản trong trồng trọt, chăn nuôi. Với hàng chục mô hình, dự án khuyến nông được thực hiện trong thời gian qua đã giúp nông dân mạnh dạn áp dụng và nhân rộng.

   Theo ông Nguyễn Văn Quang, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp huyện Krông Nô, năm 2018 Trung tâm đã thực hiện hàng chục mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Cụ thể mô hình sản xuất bơ theo tiêu chuẩn VietGAP, với diện tích 15,5 ha tại 3 xã là Quảng Phú (13,5 ha), Nam Đà (1 ha), Tân Thành (1 ha). Trung tâm tổ chức Ban vận động hội những người trồng bơ huyện Krông Nô để bà con học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với nhau.

   Đối với mô hình liên kết theo chuỗi giá trị cây đinh lăng, huyện đang tập trung phát triển trong vùng đồng bào thiểu số tại chỗ, với diện tích trên 10 ha tại 4 xã. Đến nay, Trung tâm tiến hành cấp được 60.000 bầu giống đinh lăng cho 34 hộ của 4 xã. Hiện cây sinh trưởng, phát triển tốt. Cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ tham gia mô hình.

   Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện còn thực hiện hiệu quả các mô hình như: Mô hình lúa VietGAP tại xã Buôn Choáh, với diện 100 ha, mô hình bảo tồn nguồn gen cây Sâm cau,  mô hình sản xuất cam, quýt hữu cơ với quy mô 3 ha, xây dựng vườn chồi giống cà phê xanh lùn (TS 05), cà phê dây… Cũng theo ông Quang, việc triển khai mô hình theo hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ là động lực cũng như giúp nông dân có thêm sản phẩm mới để đa dạng hóa sản phẩm trong sản xuất.

   Còn huyện Đắk Mil, năm 2018, Trung tâm Khuyến nông đã giao cho Trạm Khuyến nông huyện Đắk Mil phối hợp với các ban ngành xã Đắk Gằn thực hiện mô hình dưa lưới với quy mô 0,7 sào tại thôn Bắc Sơn, với tổng kinh phí đầu tư 82,5 triệu đồng. Hai hộ tham gia mô hình được đầu tư 100% giống và vật tư nông nghiệp.

   Ông Nguyễn Thế Độ, hộ tham gia mô hình cho biết: “Tôi rất vui khi được chọn tham gia thực hiện mô hình trồng dưa lưới theo hướng công nghệ cao, tuy mới trồng vụ đầu tiên nhưng đã có kết quả khả quan”. Giống dưa lưới trồng làm mô hình có tên Earth’s Red được nhập từ Hàn Quốc, có thời gian sinh trưởng 75-78 ngày, chiều cao cây 2,5m, dạng quả tròn, ruột màu đỏ cam. Đây là loại cây trồng mới tại địa bàn huyện Đắk Mil và cũng là mô hình đầu tiên áp dụng công nghệ cao theo hướng hữu cơ. Trong quá trình trồng và chăm sóc được chủ hộ sử dụng các dòng nem vi sinh để xử lý nấm bệnh và bón phân cho cây bằng các loại phân hữu cơ cao cấp.

   Theo ông Độ, trọng lượng trung bình 1 quả dưa lưới đạt 1,5 kg, năng suất ước đạt trên 2,4 tấn/0,7 sào, giá bán tại vườn 45.000 đồng/kg, gia đình ông thu nhập trên 120 triệu đồng. Sau khi trừ mọi chi phí như công lao động, điện nước, vật tư, lợi nhuận thu được khoảng 50 triệu đồng.

   Theo ông Nguyễn Viết Vui, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh thì mô hình khuyến nông được thực hiện đúng yêu cầu, định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương. Trung tâm đã chú trọng triển khai các mô hình áp dụng giống mới, giống đặc sản có năng suất, chất lượng cao, đủ điều kiện nhân rộng nhằm tạo ra vùng sản xuất hàng hóa lớn có đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Trong đó, chú trọng đến việc xác định địa điểm triển khai mô hình dựa trên nhu cầu phát triển kinh tế của nông dân, định hướng của địa phương, giúp cho nông dân sản xuất theo hướng tập trung, có sự đổi mới về kỹ thuật.

 

Nguồn: Báo Đắk Nông