So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Thu07042024

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với điều kiện thực tế tại tỉnh Đắk Nông

Đánh giá:  / 0
DởHay 

    Đắk Nông là một trong năm tỉnh Tây Nguyên có thế mạnh để phát triển các loại cây công nghiệp lâu năm như: Cà phê, hồ tiêu, điều... và một số loại cây ngắn ngày (lúa, ngô, khoai,...) đem lại nguồn thu nhập chính cho đại đa số người dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán, nắng nóng xảy ra, dịch hại trên cây trồng ngày càng phát sinh. Bên cạnh đó, giá cả một số mặt hàng nông sản không ổn định, xuống rất thấp trong khi đó giá cả đầu vào như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và công lao động tăng cao, điều này đã gây khó khăn rất lớn cho nhiều hộ nông dân. Trước thực trạng trên, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ việc trồng các loại cây truyền thống như: Cà phê, hồ tiêu, lúa... sang trồng một số loại cây ăn quả, cây hoa màu đang cho hiệu quả tương đối cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương, nâng cao hiệu quả kinh tế, đảm bảo được nguồn thu nhập cho gia đình.

Mô hình chuyển đổi từ việc trồng lúa nước sang trồng hoa hồng Pháp

    Cách trung tâm thành phố Gia Nghĩa khoảng 15km về hướng Đông, chúng tôi được người dân chỉ dẫn đến thăm mô hình trồng thâm canh hoa hồng của hộ anh Vũ Quang Hưng tại thôn Đắk Tân, xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa. Với nhiều màu sắc, nhiều loại giống khác nhau, được canh tác trên diện tích trồng lúa trước đây của người dân tại địa phương. Diện tích khoảng 2,4ha trong đó có 01ha là anh mua, còn 1,4ha anh thuê lại của người dân xung quanh. Anh sử dụng 1,5ha để trồng hoa hồng còn lại anh trồng các loại hoa khác như hoa ly, hoa cúc. Qua trao đổi được biết trồng hoa hồng không khó, nhưngphảibiết chọn vùng đất để trồng, yêu cầu đất thịt nhẹ, phù sa và chủ động tưới tiêu. Trước khi làm đất cần bón 40 - 45kg vôi bột/0,1ha, phân hữu cơ vi sinh với lượng 1.000kg/ha, cày bừa kỹ, nhặt sạch cỏ dại, lên luống ruộng 1 - 1,2m, cao 30 - 35cm, trồng hàng đôi. Hai hàng đơn cách nhau 35 - 40cm, cây cách cây 30 - 35cm (35.000 cây/1,5ha). Sau trồng phải giữ ẩm thường xuyên cho cây, khi cây đã bén rễ (30 ngày sau trồng) thì tiến hành bón thúc, loại phân bón sử dụng là phân hỗn hợp có trên thị trường như phân NPK 20 : 10 : 10; 15 : 15 : 15, DAP. Sau 4 tháng thì cây hoa hồng bắt đầu cho thu hoạch lứa 1, trung bình từ 2 - 3 hoa/cây, từ lứa thứ 2 trở đi trung bình mỗi cây cho 4 - 5 hoa, khoảng cách giữa 2 lứa là 40 - 45 ngày. Với chu kỳ như vậy, trước các dịp lễ lớn anh tiến hành cắt bỏ đồng loạt để hoa ra tập trung, số lượng lớn đáp ứng đủ nhu cầu trong các dịp lễ lớn. Sau khi cây phát lộc anh bón 150 - 200kg phân NPK, đồng thời cứ 7 - 10 ngày phun phòng trừ sâu bệnh và phân bón lá 1 lần để phòng trừ nhện đỏ, bọ trĩ chích hút, các loại nấm gây hại, đồng thời cung cấp dinh dưỡng thiết yếu để cây sinh trưởng phát triển tốt. Với 01ha canh tác, hàng năm anh thu về cho gia đình từ 500 - 600 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí. So với trồng lúa hàng năm thì hiệu quả của việc chuyển đổi sang trồng hoa hồng là rất cao, tuy nhiên tùy theo điều kiện cụ thể của gia đình mà có hướng chuyển đổi cho phù hợp vớí thực tế. 

Mô hình chuyển đổi từ việc trồng cà phê sang trồng ổi theo hướng hữu cơ.

    Đến với thôn 3, xã Đắk Ha, cách đường quốc lộ 28 khoảng 4km là nơi sản xuất của gia đình anh Nguyễn Văn Bắc. Với tổng diện tích 02ha trong đó có khoảng 0,5ha đất mỡ gà khó thoát nước, ban đầu chưa am hiểu sâu về kỹ thuật trồng cà phê, nên anh đã trồng cà phê trên toàn bộ diện tích trên. Do đất không phù hợp, khó thoát nước,... nên số cây cà phê trồng trên diện tích 0,5ha đất mỡ gà, cây sinh trưởng và phát triển kém, mặc dù đầu tư lớn nhưng năng suất thu được vẫn thấp so với các vườn xung quanh. Trước thực trạng đó anh đã tham khảo và đưa cây ổi vào để trồng, thay thế trên diện tích 0,5ha cà phê kém hiệu quả. Năm 2015, anh trồng 0,2ha để thử nghiệm, sau này khi cây ổi đã cho thu hoạch, năng suất ổn định, thị trường tiêu thụ rộng nên anh quyết định mở rộng diện tích. Với 0,2ha đất anh trồng khoảng 220 cây, gồm giống ổi Nữ Hoàng, ổi Xá Lị và ổi Lai lê, khoảng cách 3 x 3m, từ khi trồng đến lúc thu bói 5 tháng và bước vào thu hoạch chính là 8 tháng. Trong thời gian nuôi trái anh sử dụng các loại phân NPK, phân hữu cơ nhập khẩu như: Yara, Behn Meyer,... để bón. Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng ổi, an toàn cho người sử dụng, anh dùng các loại phân và thuốc trừ sâu có nguồn gốc sinh học, sử dụng các loại nấm đối kháng để phòng trừ sâu bệnh. Anh cho biết: từ khi cây ổi ra hoa đến lúc thu hoạch khoảng 3 tháng, khi trái ổi bằng ngón chân cái là anh tiến hành bao trái để hạn chế côn trùng chích hút. Với 220 cây trồng năm 2014, anh thu được 200 kg/cây/năm; giá bán 10.000đ/kg, sau khi trừ chi phí mỗi cây cho lợi nhuận 1.000.000 đồng; mỗi năm anh thu lợi nhuận ròng 220.000.000 đồng/0,2 ha. So với trước đây anh trồng cà phê thì gia đình anh thấy đây là loại cây sinh trưởng và phát triển tốt phù hợp với chân đất thấp, cho thu nhập cao và ổn định.

    Có thể nói, trong thời điểm hiện nay sản xuất nông nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, biến đổi khí hậu đang diễn ra gay gắt, giá cả nông sản không ổn định, điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa‘‘ vẫn còn xảy ra. Vì vậy, chủ trương đa dạng hóa, chuyển đổi cây trồng phù hợp với tình hình của từng địa phương để tăng hiệu quả kinh tế đang được các cấp, các ngành và nông dân quan tâm. Với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế của vùng, áp dụng theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sạch đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng thì mô hình trồng hoa hồng tại hộ anh Vũ Quang Hưng, thôn Đắk Tân, xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa và mô hình trồng ổi tại hộ anh Nguyễn Văn Bắc, thôn 3, xã Đắk Ha, huyện Đắk G‘long đáng được để bà con nông dân lựa chọn tham quan học hỏi và áp dụng trong tình hình hiện nay./.

Nguyễn Thị Thảo