So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Wed07032024

Cần có những biện pháp phòng tránh tác hại do mưa lũ gây ra

Đánh giá:  / 0
DởHay 

   Những năm gần đây, trước những biến đổi bất thường của thời tiết khí hậu như các hiện tượng: lũ lụt, cạn kiệt và đặc biệt là hiện tượng lũ lụt xuất hiện ngày một nhiều và ngày càng khốc liệt. Lũ lụt xảy ra ở nhiều nơi trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, gây thiệt hại nặng về tài sản của Nhà nước và nhân dân, ảnh hưởng lớn tới sự phát triển dân sinh kinh tế của các nơi mà nó đi qua.

   Lũ lụt ở Tây Nguyên có những nét khác biệt so với các vùng đồng bằng. Với đặc điểm ở đây là chiều dài dòng sông ngắn, độ dốc lòng sông lớn, diên tích lưu vực nhỏ, khả năng tập trung dòng chảy nhanh. Chính vì vậy, lũ lụt trên các sông suối trong khu vực thường xảy ra nhanh, với tốc độ dòng chảy và cường suất lũ rất lớn; các vùng trũng thấp ở Tây Nguyên thường hẹp, có độ sâu ngập lụt lớn. Mặt khác, diễn biến các con lũ thường có thời gian lên nhanh, xuống nhanh, có sườn lũ rất dốc và lũ thường xuất hiện vào ban đêm nên việc phòng tránh gặp rất nhiều khó khăn.

   Đối với các sông suối ở Tây Nguyên, thông thường mỗi năm có từ 4 - 6 trận lũ lớn. Biên độ lũ (chênh lệch mực nước chân lũ lên với mực nước đỉnh lũ) thường từ vài ba mét đến bảy tám mét, trên một số sông suối nhỏ biên độ lũ có thể lớn hơn 10 mét. Thời gian cho mỗi trận lũ phụ thuộc rất nhiều vào tính chất mưa, hình dạng lưu vực và độ che phủ của thảm thực vật trên lưu vực. Hầu hết trên các sông suối nhỏ thường có thảm phủ thực vật kém, do cây rừng bị chặt phá nhiều thời gian một trận lũ chỉ kéo dài vài ba ngày. Những sông suối lớn và những sông suối có độ che chở tốt của rừng đầu nguồn thì thời gian trận lũ kéo dài hơn, thường từ 4 - 5 ngày, thậm chí có nơi hơn 10 ngày.

   Các sông chính ở Tây Nguyên thường trùng với mùa có các nhiễu động mạnh như bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông hoặc đổ bộ vào vùng bờ biển từ Trung Trung bộ đến Nam Trung bộ, kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh trong thời kỳ tháng 8, tháng 9 và không khí lạnh tăng cường trong thời kỳ tháng 10, tháng 11. Phần nhiều những cơn bão, áp thấp nhiệt đới này tạo nên dải hội tụ có trục đi ngang qua Trung bộ. Do vậy, đa phần Tây Nguyên nằm ở phần phía Nam dải hội tụ này nên mưa lũ thường xuất hiện trong thời gian này. Đặc biệt, nếu bão hoặc áp thấp đổ bộ vào vùng bờ biển từ Bình Định đến Nha Trang thì tàn dư của nó thường gây mưa lũ lớn ở Tây Nguyên.

Ảnh: Hoa màu của người dân huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông ngập sâu trong nước lũ (TL năm 2020 tại laodong.vn)

   Những năm gần đây, trước sự biến đổi lớn của khí hậu thủy văn toàn cầu, biến trình mưa ở khu vực Tây Nguyên cũng có những thay đổi nhất định. Do vậy, số trận mưa lớn và cường độ mưa cũng tăng lên. Kết hợp với những biến đổi tại chỗ như việc chặt phá rừng cùng nhiều hoạt động khác đã làm thay đổi diện mạo tự nhiên của lưu vực, làm cho dòng chảy lũ trên các sông suối ở Tây Nguyên vì vậy cũng trở nên hung dữ hơn và có mức độ tàn phá khóc liệt hơn. Theo số liệu thống kê, trong vòng hơn 10 năm trở lại đây, ở Tây Nguyên đã xảy ra hơn 10 trận lũ lớn đến đặc biệt lớn và lũ quét đã gây ngập lụt trên diện rộng. Hậu quả sau mỗi trận lũ như vậy, để lại là hàng chục người chết và mất tích, nhiều nhà cửa, cầu cống, đường sá giao thông,... bị hủy hoại nghiêm trọng. Ví dụ: Trận lũ từ 19h ngày 05/8/2020 đến 13h ngày 09/8/2020, do ảnh hưởng của đới gió mùa Tây Nam có cường độ mạnh, kết hợp hội tụ gió trên cao và rìa xa phía Nam dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua Bắc Bộ, khu vực Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to diện rộng, có nơi có mưa rất to. Lượng mưa đo được tại một số nơi như sau: tại Chư Sê (Gia Lai): 229 mm; tại Ia Lốp (Đắk Lắk): 424,2 mm; tại Đắk Wil: 210.2 mm, Đắk Drông: 240.8 mm và đặc biệt tại Đắk Ru: 717.4 mm (Đắk Nông)… Do vậy, đã làm mực nước trên các sông suối ở trên hệ thống Sê Rê Pốk lên nhanh và xuất hiện lũ với biên độ phổ biến từ 5,00 - 9,00 m, đỉnh lũ vượt báo động 3 phổ biến từ 1,00 - 1,50 m. Mưa vừa, mưa to diện rộng, có nơi có mưa rất to, đã gây thiệt hại nặng về tài sản của Nhà nước và Nhân dân nhiều buôn làng ở các huyện Ea Súp, Buôn Đôn và Cư M’gar… (Đắk Lắk); các huyện Đắk R’lấp, Cư Jút, Đắk Song và Tuy Đức (Đắk Nông). Theo báo cáo của Ban phòng chống lụt bão các tỉnh, đợt mưa lũ đã làm 05 người trong tỉnh bị chết, ước tính mức thiệt hại về tài sản trên 3.000 tỷ đồng.

   Hiện nay, chỉ cần một lượng mưa vừa hoặc mưa to không phải trên diện rộng, cũng có thể làm mực nước trên các sông suối lên cao đột ngột. Diễn biến của các con lũ trong những năm gần đây phổ biến là thời gian lên nhanh, sườn dốc, tạo ra những trận lũ quét đột ngột, gây ra những tác hại nhất định đối với các hồ chứa, giao thông vận tải và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của con người…

   Theo nhận định của các Chuyên gia Khí tượng Thuỷ văn, mùa mưa bão năm 2021có khả năng diễn biến không phức tạp như năm 2020. Số cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam có khả năng íthơn năm 2020và ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Số cơn bão hoạt động trên biển Đông từ 12-14 cơn, trong đó số cơn bão ảnh hưởng đến Việt Nam khoảng từ 5- 7cơn(đề phòng các cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp trên khu vực Biển Đông).Một nửa trong số đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đấtliền nước ta và đó cũng là số cơn bão, áp thấp nhiệt đới có tác động đến tình hình thời tiết, thủy văn các tỉnh Tây Nguyên, tập trung chủ yếu từ tháng 7 đến tháng 11, với mức độ ảnh hưởng chủ yếu là gây các đợt mưa vừa, mưa to hoặc rất to trên diện rộng sinh lũ, lụt, lũ quét và sạt lở đất.

   Mực nước đỉnh lũ dự kiến năm 2021, sẽ thấp hơn năm trước (năm 2020) và xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Cụ thể, mực nước trên các sông suối thuộc các huyện phía Tây bắt đầu từ tháng 6 cần đề phòng những trận mưa lớn sinh lũ (lũ tiểu mãn), gây ngập ở một số vùng trũng thấp ven sông. Dự báo số trận lũ khoảng từ 7 - 10 trận, lũ lớn tập trung chủ yếu vào các tháng 8 và tháng 9. Mực nước đỉnh lũ lớn nhất phổ biến đạt từ báo động 1 đến báo động 2, một số nơi đạt từ báo động 2 đến trên báo động 3, xuất hiện vào tháng 9. Các huyện phía Đông, mùa lũ sẽ bắt đầu từ tháng 9 và kết thúc vào tháng 11. Dự báo có khoảng từ 3 - 6 trận lũ, tập trung chủ yếu vào tháng 10 và tháng 11. Mực nước đỉnh lũ lớn nhất đạt từ báo động 2 đến báo động 3, một số nơi trên báo động 3, xuất hiện vào tháng 11. Mực nước đỉnh lũ lớn nhất ở mức xấp xỉ đỉnh lũ trung bình nhiều năm và thấp hơn đỉnh lũ năm 2020.

   Tây Nguyên đang mùa mưa lũ, mực nước trên các sông suối sẽ có dao động đáng kể. Chính vì vậy, đề nghị Ban Phòng chống lụt bão các tỉnh, các huyện và các địa phương triển khai các biện pháp phòng chống lụt bão ngay từ bây giờ. Đặc biệt cần quan tâm và có biện pháp kiểm tra lại dung tích thiết kế, cao trình các đập nước, độ rộng của tràn xả lũ, kết cấu và biện pháp thi công đập, thấm ngấm và rò rỉ qua thân đập, sống leo qua thân đập… Thường xuyên quản lý, điều hành, sử dụng dung tích hồ chứa một cách có hiệu quả và thích hợp. Cần tăng cường các công tác kiểm tra, giám sát công trình khi có mưa to, lũ lớn xảy ra trên diện rộng. Cần có các biện pháp bảo vệ rừng đầu nguồn một cách tốt nhất, nhằm hạn chế việc phá rừng làm nương rẫy. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa công tác dự báo khí tượng thủy văn, nhất là dự báo mưa và dòng chảy nhằm chủ động hơn trong việc quyết định đến thời điểm đóng mở cống cho hợp lý…

   Trong những năm qua, ở các tỉnh Tây Nguyên nhiều nơi vỡ đập tràn, gây lũ - lũ quét ở hạ lưu công trình gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Do vậy, cũng cần phải chú ý quan tâm và có các biện pháp phòng chống cho các vùng có nguy cơ ngập lụt. Chú ý về thời vụ và thu hoạch của cây trồng, di dân, giao thông, thông tin liên lạc, đời sống, dịch bệnh… khi có lũ đặc biệt lớn xảy ra.

   Thời gian tới, diễn biến thời tiết khí hậu thủy văn ở Tây Nguyên còn có những diễn biến phức tạp, vấn đề phòng chống lũ lụt trong những tháng mưa lũ là hết sức cần thiết. Đề nghị các cấp, các nghành và các địa phương cần có những biện pháp ứng phó khi có lũ lụt xảy ra trên diện rộng, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất do thiên tai gây ra./.

 

Võ Duy Phương

 

                                                                                                Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Tây Nguyên