So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Sat11232024

Nghiên cứu chuẩn hóa nguồn dược liệu và tạo sản phẩm thực phẩm bảo vệ gan từ cao chiết cây An xoa (Tổ kén- Helicteres sp.) tại tỉnh Đắk Nông

Đánh giá:  / 0
DởHay 

   Chi An xoa/Tổ kén (Helicteres) là chi phân bố ở vùng nhiệt đới. Chi An xoa bao gồm các loài cây bụi hoặc cây nhỏ, có khoảng 60 loài phân bố trên thế giới. Hiện nay, một số loài thuộc chi An xoa được rất nhiều nước Châu Á quan tâm và sử dụng. Tại Việt Nam, người dân ở nhiều địa phương khác nhau (Bình Phước, Lâm Đồng, Đắk Nông, Kiên Giang, …) đã và đang sử dụng An xoa để điều trị các bệnh liên quan đến gan và mang lại hiệu quả khả quan. Nhiều minh chứng khoa học cho thấy đây là nguồn nguyên liệu có giá trị dược liệu cao. Thân cây An xoa chứa hàm lượng phenolic-lignan cao, bao gồm: (±)-pinoresinol, (-)-boehmenan và (-)-boehmenan H, các hoạt chất này có hoạt tính kháng ung thư phổi, ung thư dạ dày phụ thuộc vào hormon và ung thư vú. Bên cạnh đó, (±)-pinoresinol còn có khả năng ức chế tế bào ung thư vú phụ thuộc vào trạng thái chất nhận oestrogen, ngừa ung thư ruột kết thông qua điều hòa cascade ATM-p53. Hoạt tính bảo vệ gan của (±)-pinoresinol được biểu hiện qua cơ chế kháng oxy hóa và điều hòa ngược phản ứng kháng viêm thông qua kìm hãm NF-kB và AP-1.

Loài an xoa: Helicteres isora 

   Một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy, chiết xuất vỏ cây Helicteres isora:làm giảm đáng kể serum acid phosphatase (ACP), alkaline phosphatase (ALP) và lactate dehydrogenase (LDH) ở gan, trên mô hình chuột cống trắng mắc bệnh đái tháo đường; có tiềm năng tái tạo tế bào gan trên mô hình chuột cống trắng gây tổn thương gan bằng CCl4. Chiết xuất ethanol từ rễ H. isora, từ vỏ thân H. isora và chiết xuất nước từ Helicteres angustifolia đã được chứng minh có hoạt tính bảo vệ gan chống lại CCl4 gây ra tổn thương gan ở chuột. Nghiên cứu về chi An xoa trong nước chỉ mới tập trung vào nghiên cứu loài Helicteres hirsuta, chủ yếu là vềtác dụng kháng oxy hóa in vitro trên hệ DPPH, ABTS, FRAP và hoạt tính ức chế tế bào ung thư gan HepG2.

   Như vậy, qua những kết quả nghiên cứu về chi Helicteres đã được công bố thì chi thực vật này có tiềm năng rất lớn trong hoạt động bảo vệ gan cũng như bao gồm nhiều hoạt tính dược lý mong muốn trong hỗ trợ điều trị các bệnh về gan. Nhưng hiện nay, tại Việt Nam, những nghiên cứu về chi thực vật này vẫn còn nhiều hạn chế. Vì vậy, cần tiến hành khảo sát đa dạng chi An xoa trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nhằm tạo nguồn nguyên liệu để đánh giá và lựa chọn loài An xoa có tiềm năng bảo vệ gan tốt nhất. Tiêu chí đánh giá và lựa chọn thông qua khả năng kháng tế bào ung thư ở hai mức độ (tế bào và phân tử), cùng với hoạt tính bảo vệ gan và độc tính của dược liệu, từ đó làm cơ sở tạo sản phẩm từ nguồn dược liệu này.

   Theo đề tài: “Điều tra, thu thập các bài thuốc dân tộc tại Tây Nguyên, đề xuất các giải pháp bảo tồn, khai thác và sử dụng bền vững” và khảo sát sơ bộ của nhóm tác giả cho thấytrên địa bàn tỉnh Đắk Nông có khoảng 2-3 loài An xoa, 2 trong các loài này được ghi nhận có tác dụng gây độc tế bào ung thư, bảo vệ gan. Vì vậy, nhằm đánh giá và tạo cơ sở khoa học cho việc ứng dụng nguồn dược liệu này vào thực tế, với đề xuất đặt hàng của UBND tỉnh Đắk Nông, ngày 03/12/2018, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã phê duyệt đề tài: “Nghiên cứu chuẩn hóa nguồn dược liệu và tạo sản phẩm thực phẩm bảo vệ gan từ cao chiết cây An xoa (Tổ kén- Helicteres sp.) tại tỉnh Đắk Nông” thuộc Chương trình hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam với UBND tỉnh Đắk Nông được thực hiện từ năm 2019 - 2020. Đề tài được giao cho Viện Sinh học nhiệt đới chủ trì và TS. Bùi Đình Thạch làm chủ nhiệm.Đề tài tập trung vào nghiên cứu các loài An xoa trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Trong đó, mục tiêu tổng quát của đề tài là: Xác định đặc tính thực vật học, hoạt tính sinh học và chuẩn hóa cao chiết tạo sản phẩm thực phẩm bảo vệ gan từ cây An xoa tại tỉnh Đắk Nông.

   Các kết quả chính của đề tài:

   - Về khoa học: Đề tài đã xác định được 7 loài trong chi An xoa (Helicteres L.) tại Đắk Nông, trong đó đã công bố 1 loài mới Helicteres daknongensis;Chọn lọc được loài Helicteres isora L. có hoạt tính sinh học tốt nhất và có tiềm năng bảo vệ gan; Đã chuẩn hóa nguồn dược liệu cây An xoa H. isora L. Xây dựng tiêu chuẩn cơ sở theo hướng dẫn của Dược điển Việt Nam V (DĐVN V); Đã xây dựng được quy trình điều chế viên nén bao phim chứa cao An xoa H. isora L. với các chỉ tiêu đều nằm trong khoảng yêu cầu theo hướng dẫn của DĐVN V.

   - Về ứng dụng: Quy trình điều chế viên nén bao phim chứa cao An xoa H. isora L. đã được ứng dụng sản xuất ra sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe dạng viên nén bao phim chứa cao chiết từ cây An xoa với số lượng 5000 viên; Đề tài cũng đã công bố 1 loài mới là Helicteres daknongensis.

   Đề tài được Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức nghiệm thu ngày 25/6/2021. Kết quả đạt loại xuất sắc.

   Thời gian tới, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và tỉnh Đắk Nông tiếp tục hợp tác để nhằm hỗ trợ nhóm nghiên cứu phát triển, thương mại hóa sản phẩm cũng như nghiên cứu xây dựng mô hình nhân giống, trồng thử nghiệm và phát triển sản phẩm cây An xoa  đã được chọn lọc tại tỉnh Đắk Nông.

 

TS. Bùi Đình Thạch và cộng sự