So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Wed07032024

Nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh

Đánh giá:  / 0
DởHay 

   Ngày 30/9, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh: “Nghiên cứu đề xuất giải pháp tích tụ đất sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung quy mô lớn thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông”.

   Đề tài do Học viện Nông nghiệp Việt Nam là cơ quan chủ trì thực hiện và PGS. TS. Nguyễn Tuấn Sơn làm chủ nhiệm, thời gian thực hiện từ tháng 11/2019 đến tháng 4/2021. Bà Nguyễn Thị Tình - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông làm Chủ tịch hội đồng.

Toàn cảnh hội đồng

   Đắk Nông là tỉnh nằm ở cửa ngõ ở phía Nam của Tây Nguyên với khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi phát triển vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả tạo nên những sản phẩm đặc trưng được thị trường ưa chuộng như cà phê, cao su, hồ tiêu, sầu riêng, xoài, bơ… Đây là các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, đóng góp lớn cho giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh. Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp của tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7%/năm trong giai đoạn 2005 - 2016; năm 2017 GDP khu vực nông, lâm nghiệp và tăng 2,9%; giá trị sản xuất tăng 3,16% so với năm 2016; sản lượng hàng hóa xuất khẩu ngày càng tăng, thu nhập và đời sống của dân cư nông thôn ngày càng được cải thiện.

   Tuy nhiên, cũng giống như nhiều tỉnh sản xuất nông nghiệp khác, sự phát triển sản xuất nông nghiệp của Đắk Nông chưa toàn diện, bền vững, năng suất, giá trị các sản phẩm chủ lực chưa cao. Một số mặt hàng nông sản xuất khẩu tuy có tăng về số lượng và giá trị nhưng thu nhập của nông dân ở các vùng sản xuất hàng hóa không tăng. Hiện nay, sản xuất nông nghiệp của tỉnh chủ yếu vẫn ở trong tình trạng nhỏ lẻ, manh mún, khó áp dụng khoa học công nghệ. Do vậy, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm, hàng hóa còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, các hoạt động dịch vụ, tiêu thụ hàng hóa nông sản chưa phát triển mạnh, các sản phẩm của tỉnh chủ yếu là sản xuất thô, chưa phát triển chế biến sâu.

   Do vậy, muốn phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm thì giải pháp tối ưu là thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất để gia tăng giá trị. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi sản xuất qui mô lớn, hình thành các vùng sản xuất tập trung, xây dựng được thương hiệu và có chỉ dẫn địa lý cho các loại sản phẩm. Việc tích tụ đất đai để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn là đòi hỏi bức thiết của người sản xuất.

   Đề tài được triển khai thực hiện trong 2 năm (2019 - 2020), nghiên cứu ở 6 địa phương: Đắk Glong, Đắk R’lấp, Đắk Song, Đắk Mil, Cư Jút và TP. Gia Nghĩa, với mục tiêu đánh giá thực trạng tích tụ đất phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung quy mô lớn thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình tích tụ đất phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung quy mô lớn và đề xuất các giải pháp đẩy mạnh quá trình tích tụ đất phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung quy mô lớn của tỉnh Đắk Nông.

   Kết quả nghiên cứu của đề tài cho thấy, những năm qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, người dân đã đẩy mạnh việc tích tụ đất nông nghiệp phát triển các mô hình kinh tế hộ và trang trại. Hình thức tích tụ đất chủ yếu là mua đất của hộ khác để mở rộng quy mô sản xuất.

   Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện tích tụ đất đai mở rộng quy mô hộ và trang trại, người dân gặp nhiều khó khăn về: Liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, kỹ thuật sản xuất, nguồn lực sản xuất, các chính sách của Nhà nước chưa thống nhất...

   Từ thực tiễn đó, đề tài đã đề xuất 8 giải pháp nhằm đẩy mạnh tích tụ đất phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Cụ thể như: Đẩy mạnh rà soát, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho những diện tích đủ điều kiện; hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý và xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm chủ lực của địa phương; có các chính sách ưu đãi kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản…

   Đề tài được hội đồng đánh giá xếp loại đạt. Sau khi được nghiệm thu, kết quả của đề tài sẽ được chuyển giao cho Sở Nông nghiệp - PTNT triển khai thực hiện trong thực tiễn.

 

Nguyễn Mai