So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Wed04242024

Kết nối cung – cầu công nghệ góp phần phát triển kinh tế xã hội khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên

Đánh giá:  / 0
DởHay 
Đây là chủ đề của buổi Tọa đàm diễn ra vào sáng ngày 07/11/2014 tại tỉnh Phú Yên trong khuôn khổ chuỗi Sự kiện Khoa học và Công nghệ (KH&CN) khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên năm 2014 do Bộ KH&CN phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên tổ chức.


Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Tham dự có Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Quang Nhất, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ KH&CN, đại diện lãnh đạo các cơ quan ban ngành có liên quan cùng đại diện các Sở KH&CN của 63 tỉnh thành trên cả nước.




Các đại biểu tham dự Tọa đàm

Buổi Tọa đàm định hướng, tập trung vào giới thiệu các công nghệ có thể chuyển giao để thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực. Các công nghệ được giới thiệu phần lớn là công nghệ do các đơn vị trong nước nghiên cứu làm chủ hoặc của nước ngoài nhưng được chuyển giao cho các đơn vị trong nước. Ngoài ra, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ, trao đổi những vướng mắc, khó khăn và giải pháp triển khai trong lĩnh vực hoạt động KH&CN cũng như việc ứng dụng các thành tựu cụ thể vào đời sống qua các chủ đề như: Đẩy mạnh hoạt động ứng dụng và chuyển giao công nghệ khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên – những vấn đề cần đặt ra; Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản khu vực Nam Trung bộ; Quá trình khai thác, xử lý và bảo quản cá ngừ đại dương theo công nghệ mới; Công nghệ chế tạo tàu đánh bắt cá xa bờ từ vật liệu PPC ứng dụng công nghệ cao; Nghiên cứu và ứng dụng bơm ly tâm hút sâu phục vụ chống hạn vùng trung du miền núi và áp dụng cho nuôi trồng thủy sản; Giới thiệu công nghệ nuôi chim yến và kinh nghiệm chế biến bảo quản các sản phẩm làm từ chim yến; Giới thiệu thu hút đầu tư vào khu nông nghiệp áp dụng công nghệ cao Phú Yên; Giới thiệu Dự án kết nối chuyển giao công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc,…




Các đại biểu tham dự buổi Đào tạo, tập huấn cho các Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN

Diễn ra cùng thời gian trên, Trường Quản lý KH&CN và Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KH&CN) đã tổ chức buổi Đào tạo, tập huấn cho các Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN với sự tham gia của hơn 200 đại biểu, đại diện đến từ các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN và Trung tâm có chức năng ứng dụng, chuyển giao công nghệ, Lãnh đạo Phòng quản lý công nghệ trên toàn quốc.



Các đại biểu tham dự đã có cơ hội tham khảo, chia sẻ và đóng góp ý kiến về một số cơ chế chính sách mới trong hoạt động KH&CN qua các chuyên đề gồm: Một số nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng của tổ chức KH&CN; Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN; Công tác xây dựng kế hoạch hoạt động, tổ chức triển khai và quản lý các nhiệm vụ KH&CN của các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN,…

Đồng thời, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận trao đổi các bài tập tình huống phát sinh cụ thể trong hoạt động KH&CN của từng địa phương.

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, nhu cầu về các sản phẩm KH&CN hiện nay là rất lớn, nguồn cung cũng rất phong phú và đa dạng từ các trường, viện nghiên cứu, các cơ sở, đơn vị doanh nghiệp KH&CN,... đang có nhu cầu giới thiệu nhiều sản phẩm sáng tạo, hoặc đã làm chủ công nghệ nước ngoài. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng mong muốn nhận được sự chia sẻ, tin tưởng của cộng đồng vào các nhà sản xuất, nhà nghiên cứu trong nước thay vì sử dụng những sản phẩm, công nghệ nước ngoài; cần tăng cường mối liên kết “3 nhà” nhằm tạo ra những sản phẩm có chất lượng, mẫu mã tốt, có giá thành cạnh tranh để tồn tại và phát triển trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay.

Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ cũng như các cơ quan, ban ngành, đơn vị có liên quan cần nghiên cứu kỹ các vấn đề của doanh nghiệp, thị trường công nghệ phải xuất phát từ nhu cầu của cuộc sống. Đồng thời, đẩy mạnh việc kết nối các trường, viện nghiên cứu, doanh nghiệp KH&CN nhằm đưa những công nghệ cao, công nghệ tiên tiến tới từng vùng, miền, cơ sở sản xuất kinh doanh nhằm tạo ra những sản phẩm có thể cạnh tranh trong khu vực cũng như thế giới, đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.