So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Thu07042024

Nghiên cứu phân lập và biệt hóa tế bào gốc biểu mô từ màng ối người

Đánh giá:  / 0
DởHay 

      Cùng với sự phát triển của ngành y học nói chung, ngày nay, lĩnh vực y học tái tạo đang tận dụng các tế bào sống để sửa chữa, thay thế hoặc khôi phục lại chức năng bình thường của các mô và các cơ quan bị tổn thương. Các tế bào gốc được xem là ứng cử viên đầy hứa hẹn trong phương pháp điều trị dựa trên tế bào do khả năng tự làm mới, biệt hóa đa dạng của nó. Trước thực tế về nguồn tế bào gốc còn hạn chế và những nghiên cứu về tế bào gốc ở nước ta còn chưa đa dạng, chưa quan tâm nhiều đến hướng tạo sinh tế bào gốc từ các nguồn tế bào khác, Trường Đại học Y Dược Hải Phòng vừa thực hiện đề tài “Nghiên cứu phân lập và biệt hóa tế bào gốc biểu mô từ màng ối người”. Đề tài đã được Hội đồng khoa học và công nghệ (KH&CN) đánh giá sáng 8/8/2015 tại Sở KH&CN thành phố Hải Phòng.

      Đề tài tiến hành nghiên cứu trên 30 mẫu màng ối người đã được chọn lọc. Đây chính là nguồn cung tế bào gốc. Nghiên cứu đã tiến hành phân lập tế bào gốc theo các bước: sử dụng enzym phân cắt mô phối hợp với các biện pháp cơ học; bóc tách màng ối khỏi nhau thai, cắt lọc, rửa sạch nhiều lần bằng dung dịch PBS 1X cho tới khi màng ối trở nên trong suốt; lựa chọn phần màng ối gần cuống nhau để phân lập tế bào; phân lập tế bào bằng enzym phân cắt mô (trypsin, collagenase, hyaluronidase); đếm lượng tế bào, sau đó cho vào đĩa nuôi cấy với môi trường nuôi cấy cơ bản. Trong quá trình phân lập tế bào bằng các enzym phân cắt mô khác nhau, các tác giả nhận thấy, sử dụng enzym trypsin 0,25% kết hợp với enzym collagenase B 0,1% là môi trường phân lập tế bào gốc tối ưu. 

      Các tế bào gốc được nuôi cấy tăng sinh, sau đó thí nghiệm bảo quản ở điều kiện lạnh âm sâu trong nitơ. Sau 3 tháng, các tế bào được nuôi cấy phục hồi thành công và tiếp tục được nuôi cấy tăng sinh để làm thí nghiệm biệt hóa thành tế bào biểu mô da ứng dụng trong y học tái tạo. 

      Phương pháp nghiên cứu điều kiện biệt hóa tế bào gốc biểu mô từ màng ối người thành tế bào biểu mô da được thực hiện bằng cách bổ sung vào môi trường nuôi cấy cơ bản các yếu tố định hướng biệt hóa thành tế bào biểu mô da. Các tác giả tiến hành thu hoạch tế bào vào các ngày: thứ 1, thứ 7 và ngày thứ 14 sau khi bổ sung yếu tố biệt hóa vào môi trường nuôi cấy. Nghiên cứu cho thấy, từ ngày thứ 7, các dấu hiệu chuyển đổi từ tế bào gốc biểu mô màng ối sang tế bào biểu mô da đã rõ ràng. Tuy nhiên, để tế bào gốc phát triển hoàn toàn thành tế bào biểu mô da cần phải có môi trường ngoại bào đặc biệt. Môi trường này có tác dụng cung cấp cấu trúc không gian, đóng vai trò quan trọng trong quá trình tăng sinh, di chuyển và biệt hóa của tế bào. Qua nhiều nghiên cứu, các tác giả nhận thấy, cảm ứng biệt hóa thành tế bào biểu mô da hiệu quả nhất khi tế bào gốc được nuôi cấy trên giá đỡ có nguồn gốc từ các nguyên bào sợi bình thường của người và NIH-3T3 tế bào, bởi cả 2 đều có nguồn gốc trung mô. Đề tài dừng lại ở giai đoạn các tế bào có biểu hiện các dấu ấn của tế bào biểu mô da – giai đoạn đầu tiên của quá trình hình thành da.

      Hội đồng đánh giá nhận định, đề tài đã hoàn thành các nội dung đề ra là xây dựng được 4 quy trình: thu thập và bảo quản màng ối phục vụ cho phân lập và nuôi cấy tế bào gốc; phân lập, nuôi cấy tế bào gốc màng ối; lưu giữ, bảo quản tế bào gốc; biệt hóa tế bào gốc màng ối người thành tế bào biểu mô da. Tuy nhiên, Ban chủ nhiệm cần bổ sung, làm rõ quá trình thực hiện đề tài, gồm: quy mô, thời gian, địa điểm nghiên cứu; quá trình xây dựng quy trình thu gom, phân lập, nuôi cấy và bảo quản tế bào gốc./.

 

Nguồn : Most