So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Tue05212024

Ngày Tiêu chuẩn thế giới 2016: Tiêu chuẩn tạo dựng lòng tin

Đánh giá:  / 0
DởHay 

   Năm 1970, theo sáng kiến của Chủ tịch Tổ chức tiêu chuẩn quốc tế (ISO) khi đó, ông Faruk Sunter, ISO đã quyết định chọn ngày 14/10 làm Ngày tiêu chuẩn thế giới. Đây là sự kiện được tổ chức hàng năm nhằm đề cao vai trò của hoạt động tiêu chuẩn hóa trên thế giới, đồng thời tôn vinh nỗ lực và sự đóng góp của những người đã và đang tham gia vào việc xây dựng tiêu chuẩn quốc tế.

   Ngày tiêu chuẩn thế giới còn là dịp để các quốc gia thành viên ISO triển khai hoạt động thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tiêu chuẩn hóa toàn cầu đối với nền kinh tế thế giới, đặc biệt trong việc đáp ứng các yêu cầu của giới kinh doanh, giới công nghiệp, quản lý và người tiêu dùng ở mỗi quốc gia nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.

   Hàng năm, 03 tổ chức Tiêu chuẩn hóa hàng đầu thế giới: Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế (IEC) và Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) phối hợp cùng đưa ra thông điệp kêu gọi cộng đồng thế giới quan tâm đến những sự kiện mang tính nổi bật có ảnh hưởng lớn lao đến môi trường và đời sống con người trên thế giới.

   Thông điệp của ngày tiêu chuẩn thế giới 14/10 năm nay đó là “Tiêu chuẩn – Tạo dựng lòng tin”, nêu bật vai trò quan trọng của tiêu chuẩn trong việc kết nối chúng ta bằng các phương thức truyền thông, quy phạm thực hành. Tiêu chuẩn giúp con người chúng ta hệ thống hóa các quy tắc nhằm đảm bảo các sản phẩm hoặc dịch vụ gắn liền với biểu tượng tin cậy về chất lượng, khẳng định tính đa dạng của thế giới liên kết.

   Nội dung thông điệp:

   Tiêu chuẩn kết nối chúng ta bằng các phương thức truyền thông, quy phạm thực hành và khuôn khổ hợp tác tin cậy. Thông qua việc đưa ra cách hiểu chung về những khía cạnh tương hỗ của truyền thông hay giao dịch, tiêu chuẩn trở nên thiết yếu cho hoạt động giao thương cùng có lợi và nguồn lực gia tăng hiệu quả cho thương mại quốc tế.

   Mọi tương tác xã hội cần dựa trên việc cùng tôn trọng các bộ quy tắc, khái niệm hoặc ý nghĩa cơ bản - và chính tiêu chuẩn quốc tế hệ thống hóa các quy tắc này để đảm bảo mọi người đều có thể tiếp cận được. Sản phẩm hoặc dịch vụ phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế được gắn với một biểu tượng tin cậy về chất lượng, an toàn, khả năng tương thích. Tiêu chuẩn khẳng định tính đa dạng của thế giới liên kết, tạo nên sự thống nhất trên các phương diện chung mà ở đó chúng ta chắc chắn rằng đang cùng nhau đang trao đổi về cùng một vấn đề.

   Hưởng ứng ngày Tiêu chuẩn thế giới 14/10 năm 2016, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Bình Thuận kêu gọi các tổ chức, cá nhân trên toàn tỉnh tích cực tham gia xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Trong năm, Chi cục đã rà soát, trang bị mới 126 TCVN, nâng tổng số TCVN hiện có trong tủ tiêu chuẩn lên 1667 tiêu chuẩn. Tất cả đều hướng đến hỗ trợ công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa lưu thông trên địa bàn tỉnh, góp phần tăng năng suất, chất lượng, tăng năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường trong và ngoài nước.

   Vài nét cơ bản về ba tổ chức IEC, ISO và ITU:

    Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế - ISO

   ISO là liên đoàn quốc tế của các cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia và là tổ chức tiêu chuẩn hóa lớn nhất thế giới hiện nay được thành lập năm 1946 tại Luân Đôn (Vương quốc Anh) và chính thức hoạt động từ ngày 23/2/1947. Việt Nam (đại diện là Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) tham gia ISO từ năm 1977 và đã có những đóng góp nhất định cho tổ chức này. Và Việt Nam đã tham gia Hội đồng ISO trong ba nhiệm kỳ gồm: 1997-1998, 2001-2002 và 2004-2005; hiện tham gia với tư cách thành viên ở nhiều Ban và Tiểu ban kỹ thuật… Mục tiêu của ISO là thúc đẩy sự phát triển của công tác tiêu chuẩn hóa và các hoạt động có liên quan nhằm tạo thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa và dịch vụ trên phạm vi toàn thế giới, góp phần vào việc phát triển sự hợp tác trong lĩnh vực trí tuệ, khoa học, công nghệ và kinh tế.

    Ủy ban Kỹ thuật Điện quốc tế - IEC

   IEC là tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn hóa được thành lập sớm nhất (năm 1906) và Việt Nam bắt đầu tham gia tổ chức IEC từ tháng 4/2002 với tư cách Thành viên liên kết.

  Mục tiêu của IEC là thúc đẩy sự hợp tác quốc tế về tiêu chuẩn hóa trong lĩnh vực điện, điện tử và các vấn đề có liên quan như: Chứng nhận sự phù hợp tiêu chuẩn điện và hỗ trợ cho thông hiểu quốc tế.

 Ngoài việc xây dựng và ban hành tiêu chuẩn quốc tế, IEC còn duy trì các hệ thống đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn gồm: Hệ hống thử nghiệm và chứng nhận sự phù hợp toàn cầu cho các thiết bị và linh kiện kỹ thuật điện (IECEE); Hệ thống đánh giá chất lượng linh kiện điện (IECQ); Hệ thống chứng nhận với tiêu chuẩn liên quan đến thiết bị điện dùng trong môi trường dễ cháy nổ (IECEx).

 Liên minh Viễn thông Quốc tế - ITU

 Ngày 17/5/1865, 20 nước đã ký Công ước Điện báo Quốc tế lần thứ nhất và Hiệp ước thành lập Liên minh Điện báo Quốc tế (viết tắt là ITU) - tổ chức tiền thân của Liên minh Viễn thông Quốc tế hiện nay. Liên minh được thành lập với mục tiêu ban đầu là tạo điều kiện thuận lợi cho việc bổ sung, sửa đổi thường xuyên những điều khoản của Công ước và những Hiệp định quốc tế được ký kết trong lĩnh vực điện báo. Việt Nam gia nhập ITU từ ngày 24/9/1951 và Bộ Thông tin và Truyền thông là đại diện của Việt Nam tham gia vào ITU.

 Các hoạt động chính hiện nay của ITU bao trùm ở tất cả các vấn đề thuộc lĩnh vực viễn thông với ba khu vực hoạt động chính gồm: Liên quan đến hệ thống và thiết bị phát thanh; biên soạn các quy định kỹ thuật về hệ thống, mạng và dịch vụ bưu chính viễn thong; soạn thảo những khuyến nghị, nghị quyết, hướng dẫn, sổ tay, báo cáo…


http://www.chicuctdcbinhthuan.gov.vn