So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Wed12042024

Những nhà sáng chế “chân đất” điển hình ở Đắk Nông

Đánh giá:  / 0
DởHay 

Trong những năm qua, Ông Ngô Viết Hường, thôn Thanh Lâm, xã Đức Minh (Đắk Mil) đã sản xuất hàng ngàn bộ “Hệ thống kết nối cầu sau của máy cày tay” để cung cấp cho nông dân trong huyện Đắk Mil, một số huyện trong tỉnh và cả một số tỉnh miền núi trên cả nước. 

Ông Ngô Viết Hường, thôn Thanh Lâm, xã Đức Minh (Đắk Mil) đã mày mò nghiên cứu sáng chế ra một “Hệ thống kết nối cầu sau của máy cày tay”, đây là một giải pháp nhằm khắc phục được những khó khăn cho người dân như: vận chuyển được nhiều hơn so với máy cày bình thường, không gây hư hỏng đường sá, leo dốc tốt, mang lại nhiều lợi ích cho người dân trong sản xuất nông nghiệp.

Trong những năm qua, ông đã sản xuất hàng ngàn bộ hệ thống này cung cấp cho nông dân trong huyện Đắk Mil, một số huyện trong tỉnh và cả một số tỉnh miền núi trên cả nước.

Hệ thống kết nối cầu sau máy cày tay của ông Ngô Viết Hường được trưng bày tại Sở KH&CN (ảnh trái) và hệ thống "Thủy lực xanh" của ông Quýnh (ảnh phải)

Được biết, từ năm 2006, ông đã đăng ký nhãn hiệu cho cơ sở mình và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền nhãn hiệu “CKC+logo” cho dịch vụ sản xuất cơ khí Cẩn vào năm 2008. Sau khi đã nghiên cứu ra giải pháp “Hệ thống kết nối cầu sau của máy cày tay”, ông đã tiến hành đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ vào năm 2007 với 2 kiểu dáng công nghiệp (Hộp kết nối và Hộp truyền tải) và một giải pháp hữu ích; đến năm 2009, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp văn bằng 2 kiểu dáng công nghiệp và năm 2013 được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng cho giải pháp hữu ích Hệ thống kết nối cầu sau của máy cày tay.

Được sự hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, thời gian qua, ông đã tích cực tham gia các Chợ Công nghệ và Thiết bị hàng năm. Với sáng tạo hữu ích của mình, ông đã được UBND tỉnh tặng bằng khen.

Gần đây, ông được UBND huyện Đắk Mil cấp giấy Chứng nhận Bình chọn sản phẩm công nghệ nông thôn tiêu biểu cấp huyện, ngày 25/4/2014. Hiện tại, ông là một trong hai nông dân tiêu biểu được xét chọn đề nghị UBND tỉnh tặng Bằng khen nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5/2014.

Năm 1995, ông Ngô Văn Quýnh, nông dân ở xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa), đã chế tạo thành công tua bin “Thủy lực xanh” với đường kính bánh xe công tác là 60cm, cột nước cao 1,7m, vòng tua là 600 tua, phát ra được 20KW điện, phục vụ sản xuất nước đá, điện sinh hoạt cho cơ quan lâm trường Mã Đà và điện sinh hoạt cho nông dân ấp Bà Hào, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai).

Sau đó, ông chế tạo tua bin có đường kính 1,2m, cột nước cao 4,5m, vòng tua bin là 700 tua, sức kéo được 500KW, phục vụ cho 150 hộ nông dân và UBND xã sử dụng điện photo đánh máy tại xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa) lúc chưa có điện lưới quốc gia vào năm 2002.

Tháng 12/2012, ông tiếp tục chế tạo tua bin có đường kính 1,7m, cột nước cao 5m, vòng tua là 600 tua, sức kéo được 1500KW để lấy điện chế tạo tua bin thủy điện cột nước thấp – Hệ thống phát điện bằng sức gió – Hệ thống phát điện bằng sóng biển, tại thôn 14, xã Đắk Wer (Đắk R’lấp).

Năm 2012, hai đề tài nghiên cứu là tua bin “Thủy lực xanh” và hệ thống phát điện bằng sức gió đã được Cục Sở hữu trí tuệ ra Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ, chờ đủ thời gian theo quy định sẽ được cấp bằng độc quyền Sở hữu trí tuệ.

Với kết quả nghiên cứu của mình, ông tham gia nhiều Hội chợ Khoa học và Công nghệ trong và ngoài tỉnh. Qua tham gia hội chợ, ông đã ký hợp đồng với 2 công ty thủy điện để chế tạo tua bin “Thủy lực xanh”. Cụ thể, ngày 20/8/2013, ký hợp đồng với Công ty TNHH Tân Nhật Minh (Quảng Nam), thiết kế chế tạo tua bin công suất 1MW, cột nước 6m.

Ngày 12/11/2013, tại Hội chợ Techmart Đắk Nông, ký hợp đồng thiết kế công trình và chế tạo lắp đặt tua bin cột nước 6m, lấy lại nguồn nước thải của tua bin tầm trên, công suất 2MW cho Công ty CP thủy điện Đắk Mê, tỉnh Lâm Đồng. Hiện nay, ông đã chế tạo và lắp đặt thành công tua bin “Thủy lực xanh” cho Công ty CP Đắk Mê tại tỉnh Lâm Đồng, và đang chờ công ty hoàn tất thủ tục hòa lưới điện quốc gia.

Điều đáng nói là ông chỉ mới học hết THCS. Thế nhưng niềm đam mê nghiên cứu khoa học đã thôi thúc ông không ngừng học hỏi. Vì vậy, năm 2006, ông làm tờ trình xin mở lớp bổ túc văn hóa cấp II tại xã, có hơn 40 người trong và ngoài xã đăng ký theo học; bản thân ông cũng đã đăng ký theo học đến hết lớp 12/12, để nâng cao trình độ hiểu biết về khoa học kỹ thuật.

Được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cấp Hội nông dân tạo mọi điều kiện giúp đỡ cùng với nỗ lực của bản thân, ông vinh dự được xét chọn là nông dân ưu tú xuất sắc của tỉnh Đắk Nông; được Hội đồng thi đua Trung ương Hội Nông dân Việt Nam xét chọn là 1/62 nông dân xuất sắc tiêu biểu của toàn quốc năm 2013; được TW Hội SHTT Việt Nam và Viện SHTT Quốc tế cấp Giấy chứng nhận nhà sáng chế “Sản phẩm tin cậy, dịch vụ hoàn hảo, nhãn hiệu ưa dùng năm 2014”.

 

Với thành tích đạt được trong hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, góp phần phát triển khoa học công nghệ cho địa phương, ông được xét chọn đề nghị UBND tỉnh tặng Bằng khen nhân ngày khoa học công nghệ Việt Nam năm 2014.

Nguồn: Báo Đắk Nông