So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Thu07042024

Dư thừa kháng sinh trong chăn nuôi, hệ lụy khó lường

Đánh giá:  / 0
DởHay 

   Vì mục tiêu tăng năng suất trong chăn nuôi, hiện nay, người ta sử dụng kháng sinh và hormon như là chất kích thích tăng trọng, giảm thấp tiêu hao thức ăn, tăng lợi nhuận. Điều đó đã gây ra hậu quả rất xấu cho con người mà ngày nay người ta đã nhận ra được. Sau một thời gian triển khai quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ở Việt Nam nói chung và Đắk Nông nói riêng đến nay đã cơ bản được kiểm soát, các hành vi sử dụng các chất tăng trọng trong chăn nuôi lợn đang thuyên giảm và có hướng đẩy lùi. Tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh lại đang ngày càng phổ biến trong mọi ngành chăn nuôi từ lợn, gà, trâu, bò đến thủy sản. Để cải thiện chất lượng của thực phẩm chế biến từ động vật cũng như tránh được tình trạng dư lượng kháng sinh trong thịt, trứng, sữa của gia súc, gia cầm cao, thì việc siết chặt sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi là tất yếu.

   Hiện trạng

   Thực tế, kháng sinh ở Việt Nam cũng như trên thế giới thông thường được sử dụng cho động vật dưới 3 hình thức: Dùng ở liều cao trong thời gian ngắn để điều trị bệnh cho động vật; dùng liều cao trong thời gian ngắn để phòng và ngăn chặn các bệnh; đưa vào trong thức ăn với liều thấp trong thời gian dài để thúc đẩy sự phát triển của gia súc và gia cầm.

   Thuốc kháng sinh chỉ được dùng để điều trị bệnh do vi khuẩn gây nên. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả sử dụng, cần dùng đúng liều lượng, thời gian quy định. Khi đã sử dụng, cần ngừng sử dụng trong một thời gian nhất định trước khi thu hoạch để tránh dư lượng kháng sinh trong nguyên liệu thực phẩm chăn nuôi.

   Thực tế hiện nay, trong chăn nuôi công nghiệp, người nuôi thường sử dụng kháng sinh bổ sung vào thức ăn, nước uống để phòng ngừa bệnh thường gặp như đường ruột, hô hấp, thậm chí là sử dụng những kháng sinh cấm, kháng sinh hạn chế sử dụng trong chăn nuôi theo quy định của Bộ NN&PTNT, điển hình như: Oxytetracyline, Enrofloxacine, Sunphadiazine,… Hiện nay, một số hóa chất, kháng sinh bị lạm dụng trong chăn nuôi như: Kháng sinh kích thích tăng trưởng để kích thích vật nuôi tăng trưởng nhanh, giảm thấp tiêu hao thức ăn, vật nuôi có bề ngoài bắt mắt, tăng lợi nhuận, nhiều người chăn nuôi sử dụng lượng lớn thuốc kháng sinh trộn thẳng vào thức ăn mà không cần quan tâm tới sức khỏe người tiêu dùng. Những hóa chất, kháng sinh, Salbutamol, Clenbuterol, Ractopamin có thể giúp vật nuôi mau lớn, chuyển hóa làm tiêu mỡ, tăng khối lượng cơ, làm màu thịt đỏ tươi hơn nhưng gây ra tác hại khó lường với sức khỏe con người. Hiện nay, các chất tạo nạc này đều đã bị cấm dùng trong chăn nuôi.

   Ngoài những hóa chất, kháng sinh tạo nạc trên, người nuôi còn sử dụng một số các loại kháng sinh tăng trọng có thể gây ung thư, đã bị cấm như Epstadiol, hay những kháng sinh có khả năng giảm mật độ tinh trùng, tăng hiện tượng đồng tính luyến ái, gây ung thư hoặc các bệnh nghiêm trọng khác trong gan, thần kinh, hệ tiêu hóa, tim và có khả năng gây đột biến như Dexametazon, Tetracyline.

Một mô hình nuôi heo kinh tế tại xã Đắk Rồ, huyện Krông Nô.

   Tác hại

   Trước hết, sử dụng thường xuyên kháng sinh trong thức ăn sẽ làm phá vỡ cân bằng tự nhiên của hệ vi sinh vật trong đường ruột của gia súc và sau đó là của người. Gây rối loạn quá trình tiêu hóa do vi sinh vật trong đường ruột của động vật và người, gây hiện tượng tiêu phân sống. Trong đường ruột luôn có hệ vi khuẩn bảo vệ, hệ vi khuẩn gây bệnh và vi khuẩn tùy nghi (có thể gây bệnh, có thể không). Khi con vật khỏe mạnh, số lượng vi khuẩn bảo vệ luôn cao hơn nhiều so với vi khuẩn gây bệnh.

   Nhưng khi con vật sử dụng thức ăn có trộn kháng sinh, kháng sinh sẽ không chỉ diệt vi khuẩn gây bệnh mà còn diệt cả vi khuẩn có ích, gây mất cân bằng hệ vi sinh vật ở đường ruột, qua đó tạo điều kiện cho vi khuẩn Clostridium sinh trưởng quá mức sản xuất nhiều độc tố trong ruột. Độc tố này có thể gây tiêu chảy cho vật nuôi. Nhà chăn nuôi lại phải dùng kháng sinh để điều trị. Như vậy là nó đã tạo nên một cái vòng luẩn quẩn: Trộn kháng sinh vào thức ăn để trị bệnh đường ruột nhưng cuối cùng lại phải dùng kháng sinh để điều trị căn bệnh tiêu chảy mà nguyên nhân bắt nguồn từ kháng sinh trộn sẵn vào thức ăn.

   Sử dụng kháng sinh thường xuyên trong thức ăn để phòng bệnh sẽ làm tồn dư kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi như thịt, trứng, sữa. Một số kháng sinh có thể gây dị ứng với những người quá mẫn với kháng sinh, một số kháng sinh nhiễm thường xuyên trong thức ăn có thể gây ung thư. Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với những người có sẵn cơ địa dị ứng với một số loại thuốc (phổ biến nhất là Penicillin chiếm đầu bảng với tỷ lệ sốc phản vệ 1/70.000). Sử dụng kháng sinh thường xuyên trong thức ăn sẽ làm giảm hiệu quả điều trị của kháng sinh do liều kháng sinh thấp, không giết hết vi khuẩn, từ đó tạo ra nhiều dòng vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh, ảnh hưởng rất xấu đến công tác điều trị bệnh sau này của các bác sỹ thú y và nhân y. Những vi khuẩn kháng kháng sinh có độc lực cao như Salmonella, E.Coli, C.perfringens, Klebsiella, Shigella, Proteus, Campylobacter, có thể lây truyền giữa động vật với động vật, giữa động vật và người và sau cùng giữa người với người.

   Thực tế cho thấy, người tiêu dùng thực phẩm từ động vật khó nhận biết được những sản phẩm có tồn dư kháng sinh nếu không có chuyên môn. Chính vì vậy, vấn đề này cần phải được bắt đầu giải quyết từ người nuôi gia súc, gia cầm. Khi đó, mới có hy vọng cải thiện được chất lượng của thực phẩm chế biến từ động vật cũng như tránh được tình trạng kháng kháng sinh cho người.

   Như vậy, bỏ kháng sinh vào thức ăn chăn nuôi là lợi bất cập hại?

   Kháng sinh có loại tồn dư mạnh trên sản phẩm động vật, có loại tồn dư yếu. Nhưng dù yếu hay mạnh thì đã là tồn dư kháng sinh đều không tốt. Nói tóm lại, tác hại của tồn dư kháng sinh trong các sản phẩm chăn nuôi không kém gì so với chất kích thích tăng trưởng mà ngành nông nghiệp đã cấm sử dụng. Không có kháng sinh, vật nuôi vẫn có thể sinh trưởng bình thường. Thức ăn trộn kháng sinh chỉ tăng thêm chút lợi thế về tăng trưởng. Lợi cho nhà chăn nuôi là rất nhỏ, trong khi cái hại mang lại cho cộng đồng là rất lớn. Chăn nuôi bằng thức ăn không có kháng sinh thì chi phí sẽ cao hơn một chút nhưng mang lại lợi ích lớn hơn cho cộng đồng, nhất là về mặt sức khỏe của con người.

   Nhìn lại y học trong mấy chục năm qua, chúng ta có thể thấy thời gian để vi khuẩn kháng một loại kháng sinh mới càng ngày càng ngắn lại. Khi thuốc cũ không có tác dụng, thuốc kháng khuẩn mới chưa có, vi khuẩn gây bệnh sẽ có nguy cơ lộng hành gây thành đại dịch. Sự kháng kháng sinh nhanh chóng của vi khuẩn trong cộng đồng có nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân quan trọng là sử dụng nhiều kháng sinh trong chăn nuôi súc vật, nhất là sử dụng liều thấp, thường xuyên trong thức ăn, nước uống để phòng bệnh một cách không cần thiết.

   Nếu không dùng kháng sinh, chúng ta có thể thay thế bằng những chất nào để vừa đảm bảo sự tăng trưởng, khả năng hấp thụ thức ăn, tăng cường sức khỏe cho vật nuôi mà lại không ảnh hưởng tới sức khỏe con người?

   Hiện nay, đã có nhiều giải pháp tốt để thay thế kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi như phòng bệnh an toàn sinh học và sử dụng vắc xin cho vật nuôi. Trong đó, biện pháp sử dụng có hiệu quả là dùng vi khuẩn hữu ích probiotic. Probiotic được hiểu một cách đơn giản là những vi sinh vật sống hữu ích được đưa trực tiếp vào cơ thể vật chủ qua đường miệng, khi cung cấp với số lượng đầy đủ thì nó có hiệu quả sức khỏe tốt cho vật chủ. Probiotic giúp cải thiện khả năng tiêu hóa thức ăn trong đường ruột, ức chế vi khuẩn lên men thối mà phần lớn vi khuẩn lên men thối có liên quan tới vi khuẩn gây bệnh.

   Dùng thảo dược cũng có tác dụng tốt. Giải pháp này là sử dụng những chất liệu được tổng hợp từ một số loại cây để ức chế vi khuẩn lên men thối, kiềm chế vi khuẩn gây bệnh. Các chất khác như acid hữu cơ, enzym, các chế phẩm giàu kháng thể… cũng có thể bổ sung vào thức ăn chăn nuôi để thay thế cho kháng sinh. Những chất này đều có tác dụng tốt trong việc giúp vật nuôi tăng trưởng, tăng khả năng hấp thụ thức ăn, giảm bệnh tật, và đều không gây hại tới sức khỏe con người.

 

Nguyễn Mai