So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Wed07032024

Công tác xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015

Đánh giá:  / 0
DởHay 

   Thực hiện công văn số 5712/UBND-NCKSTT ngày 05/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông về việc tổ chức kiểm tra công tác xây dựng, áp dụng duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001: 2015 năm 2021; Ngày 12/10/2021, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 138/QĐ-SKHCN về việc kiểm tra tình hình xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001: 2015 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chưc thộc hệ thống hành chính nhà nước tỉnh Đắk Nông năm 2021 và tổ chức thực hiện.

   Theo đó, tổng số cơ quan đã kiểm tra: 106 cơ quan (đạt tỷ lệ 100%), trong đó: Kiểm tra tại trụ sở đối với 161 cơ quan (đạt tỉ lệ 15 %); kiểm tra qua hồ sơ, báo cáo đối với 90 cơ quan (đạt tỉ lệ 85 %). (2) Kết quả đánh giá, xếp loại2 : Số cơ quan áp dụng ISO xếp loại Tốt là 49 cơ quan (chiếm tỉ lệ 46,2 %) giảm 3,8% so với năm 2020 (50%); Số cơ quan áp dụng ISO xếp loại Khá là 43 cơ quan (chiếm tỉ lệ 40,5%) tăng 1,8% so với năm 2020 (38,7%); Số cơ quan áp dụng ISO xếp loại Trung bình là 14 cơ quan (chiếm tỉ lệ 13,2%) tăng 1,9% so với năm 2020 (11,3%).

   Nhìn chung, 100% cơ quan đều thực hiện xây dựng kế hoạch duy trì áp dụng ISO năm 2021 ngay từ đầu năm, trong đó xác định đầy đủ, cụ thể các nội dung cần triển khai thực hiện. Lãnh đạo cao nhất của các cơ quan đã thực hiện cam kết việc xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến HTQLCL; đảm bảo về môi trường, nguồn lực; đồng thời quán triệt, phân công nhiệm vụ cụ thể để triển khai thực hiện. Hầu hết cơ quan đã xác định phạm vi áp dụng HTQLCL là toàn bộ các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, áp dụng tất các các điều khoản của tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 (trừ điều khoản 8.3). Trong năm 2021, hầu hết các cơ quan đã xây dựng Mục tiêu chất lượng cơ bản đảm bảo đo lường được, nhất quán với chính sách chất lượng và có biện pháp, kế hoạch thực hiện). Tuy nhiên tại nhiều cơ quan, Mục tiêu chất lượng (MTCL) tại các bộ phận trực thuộc lại chưa đảm bảo góp phần hoàn thành MTCL chung của cơ quan. Nhiều Kế hoạch thực hiện MTCL của các cơ quan cũng chưa đảm bảo xác định rõ công việc cần triển khai, triển khai như thế nào, cần các nguồn lực gì và kết quả cụ thể của từng nội dung công việc để đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra. 100% cơ quan đã thực hiện xây dựng các quy trình ISO cho các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết (các thông tin dạng văn bản). Tuy nhiên, việc rà soát các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết; việc cập nhật các thay đổi của văn bản QPPL vào hệ thống (vào các quy trình ISO liên quan); việc thiết lập các quy trình ISO cho TTHC, hoạt động nội bộ; việc đảm bảo các Quy trình ISO phải phù hợp luật định, thực tế của cơ quan, địa phương, phù hợp luật định của nhiều cơ quan là chưa kịp thời, chưa phù hợp luật định. Hầu hết các quy trình thực hiện TTHC chưa chỉ rõ cách thức thực hiện tại mỗi bước; một số cơ quan chưa có cách thức kiểm soát tài liệu, hồ sơ phù hợp, dễ xảy ra, còn xảy ra tình trạng sử dụng nhầm tài liệu lỗi thời hoặc tài liệu dễ bị thay đổi ngoài ý muốn. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, hầu hết các cán bộ, công chức đã triển khai áp dụng thực tế các quy trình ISO vào giải quyết công việc. Kết quả giải quyết TTHC tại các cơ quan đa phần đều sớm và đúng hạn từ 95% trở lên. Tuy nhiên, hầu hết các cơ quan chỉ kiểm soát, đánh giá sản phẩm đầu ra (kết quả giải quyết TTHC) về mặt thời gian, nhưng chưa đánh giá được sự phù hợp với luật định, với quy trình ISO tương ứng. Nhiều cơ quan có TTHC giải quyết bị chậm, chưa xác định hoặc đã xác định được nguyên nhân của việc chậm nhưng lại chưa xác định, có biện pháp để loại bỏ nguyên nhân nhằm đảo bảo loại bỏ triệt để sự không phù hợp. Hoạt động đánh giá chất lượng nội bộ và xem xét của lãnh đạo phải được tiến hành ít nhất một năm 1 lần và hầu hết các cơ quan đều đã thực hiện. Tuy nhiên rất nhiều hoạt động đánh giá chất lượng nội bộ và xem xét của lãnh đạo đã được thực hiện nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn, do vậy không đem lại hiệu quả thiết thực và không tạo ra được các cơ hội cải tiến.

   Việc ứng dụng Công nghệ thông tin vào áp dụng ISO: Hiện nay 106/106 cơ quan đều đang áp dụng phần mềm quản lý văn bản và phần mềm một cửa trong áp dụng ISO. Đối với việc áp dụng phần mềm ISO (ISO điện tử): 106/106 cơ quan đã được tập huấn áp dụng; tuy nhiên hầu hết đối với các UBND cấp xã, các cán bộ, công chức chỉ được hướng dẫn áp dụng tại UBND huyện (cho số ít CBCC của xã) hoặc tập huấn trực tuyến nên rất khó khăn cho việc nắm bắt vận hành tại xã. Việc triển khai ứng dụng phần mềm: Hầu hết các cơ quan là các Sở, ban, ngành, cơ quan chuyên môn thuộc Sở, UBND cấp huyện đã cập nhật các quy trình hệ thống lên phần mềm (Phần mềm ISO hiện tại không có chức năng thiết lập và giải quyết TTHC- nội dung này được thực hiện trên phần mềm một cửa).

   Kết quả kiểm tra cho thấy, Công tác xây dựng, áp dụng HTQLCL theo TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của các cơ quan đã được triển khai nghiêm túc, toàn diện, đạt kế hoạch đề ra. Đến nay 100% các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Đắk Nông (từ cấp tỉnh đến cấp xã) đã thực hiện đồng bộ việc áp dụng ISO; 100% các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết đều được xây dựng qui trình ISO; đặc biệt là việc áp dụng công nghệ thông tin (phần mềm một cửa, phần mềm quản lý văn bản) kết hợp áp dụng ISO trong giải quyết công việc càng nâng cao hiệu quả, lợi ích của việc áp dụng ISO nói riêng và hiệu quả quản lí nhà nước nói chung.

   Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế: hầu hết, việc áp dụng ISO tại các cơ quan chưa phát huy được hết lợi ích, hiệu quả; chưa hình thành thành thói quen làm việc khoa học, đảm bảo mọi hoạt động đều được kiểm soát theo quá trình, được phân tích kết quả, nguyên nhân và đưa ra các biện pháp khắc phục, cải tiến. Nhiều cơ quan gửi hồ sơ thiếu, không đầy đủ hoặc chưa tuân thủ thời gian gửi báo cáo, hồ sơ minh chứng về việc triển khai áp dụng ISO trong năm 2021 do đó ảnh hưởng đến tiến độ đánh giá chấm điểm của Đoàn kiểm tra số 138. Nguyên nhân chính của những tồn tại hạn chế trên phần nhiều xuất phát từ nhận thức của cán bộ, công chức, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lí trong việc triển khai, áp dụng ISO. Mặt khác một số cơ quan xây dựng HTQLCL chưa đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn, việc áp dụng chưa triệt để nên chưa nhận thấy lợi ích của việc áp dụng ISO mang lại, do vậy chưa thật sự nghiêm túc và cầu thị thực hiện. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin còn chưa đáp ứng yêu cầu công việc, nhất là tại UBND cấp xã (thiếu máy tính làm việc; hệ thống phần mềm một cửa, chữ kí điện tử thường hay xảy ra sự cố...) ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng và hiệu quả công việc. Vấn đề bố trí kinh phí để duy trì áp dụng tại các cơ quan cũng gặp khó khăn (vì kinh phí CCHC nói chung và kinh phí dành cho hoạt động áp dụng ISO nói riêng được giao chung trong nguồn chi thường xuyên của cơ quan). Tỷ lệ các cơ quan áp dụng ISO đạt loại Tốt giảm chủ yếu xuất hiện ở cấp huyện, cấp xã; một phần xuất phát từ các nguyên nhân trên và một phần không nhỏ do ảnh hưởng của dịch bệnh covid-19, các cán bộ, công chức phải dành nhiều thời gian cho công tác phòng chống dịch bệnh.

   Trong thời gian tới UBND tỉnh cần phải tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước tỉnh Đắk Nông nghiêm túc trong việc triển khai áp dụng ISO đảm bảo phát huy được những ưu điểm của Tiêu chuẩn ISO 9001:2015; UBND cấp huyện cần tăng cường chỉ đạo, tổ chức kiểm tra việc áp dụng ISO tại UBND cấp xã trên địa bàn huyện; các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước tỉnh Đắk Nông cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kĩ năng trong việc áp dụng ISO cho cán bộ, công chức. Nghiêm túc, chủ động trong việc triển khai áp dụng ISO, đặc biệt là việc thực hiện đánh giá chất lượng nội bộ để ngoài việc tìm ra những điểm không phù hợp để khắc phục, cũng như tìm ra các cơ hội để cải tiến nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; bảo đảm qua đó đánh giá được năng lực, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ./.

Mai Hoa