So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Wed07032024

Tỉnh Đắk Nông tiếp tục ban hành nghị quyết chuyên đề về tăng cường đẩy mạnh cải cách hành chính tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Đánh giá:  / 0
DởHay 

Công tác cải cách hành chính (CCHC) được tỉnh Đắk Nông xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hai nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2015-2020 và nhiệm kỳ 2020-2025. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XI, nhiệm kỳ 2015-2020 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác CCHC tỉnh giai đoạn 2016-2020 (Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 18 /11/2016). Sau 5 năm thực hiện nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh CCHC giai đoạn 2016 - 2020, công tác cải CCHC của tỉnh đã đạt được một số kết quả tích cực, chỉ số CCHC cấp tỉnh hằng năm được cải thiện. Năm 2021 chỉ số chuyển đổi số DTI của tỉnh Đắk Nông đã có sự vươn lên mạnh mẽ khi xếp thứ 41 trong cả nước, tăng 13 bậc so với năm 2020; chỉ số CCHC tăng 10 bậc, từ vị trí 51 ở năm 2020 lên vị trí 41 ở năm 2021 với tổng điểm 86.26 điểm, tăng 4,21 điểm so với năm 2020. Đây là sự ghi nhận của người dân về nỗ lực CCHC của Đắk Nông thời gian qua.

 

(Hình ảnh cán bộ bộ phận một cửa tiếp nhân)

Để phát huy những thành tựu, kết quả CCHC đã đạt được trong nhiệm kỳ qua và thực hiện có hiệu quả mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, ngày 17/10/2022 Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 9, khóa XII đã thông qua Nghị quyết về CCHC; ngày 04/11/2022, Tỉnh ủy Đắk Nông đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TU “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cải cách hành chính tỉnh Đắk Nông đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Nghị quyết đặt ra mục tiêu tổng quát là đẩy mạnh công tác CCHC nhằm xây dựng nền hành chính dân chủ, công khai, minh bạch, kỷ cương, liên chính, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh gọn; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ năng lực, phẩm chất và uy tín để phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành 07 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu chủ yếu sau:

Hệ thống thể chế của tỉnh được rà soát, hoàn thiện trên tất cả các lĩnh vực, bảo đảm cho sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp;

Tối thiểu 80% thủ tục hành chính của các sở, ngành, địa phương, có đủ điều kiện, được cung cấp trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Trong đó, ít nhất 80% thủ tục hành chính được tích hợp, cung cấp trên cổng dịch vụ công quốc gia. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ đạt tối thiểu 50%. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư đạt tối thiểu 85%;

Tối thiểu 20% đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện, hoàn thành việc chuyển đổi thành Công ty cổ phần hoặc chuyển sang tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư;

100% các hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan hành chính nhà nước thực hiện trên nền tảng quản trị tổng thể, thống nhất; 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện thực hiện mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; tỷ lệ giải quyết trực tuyến mức độ 4 trên tổng số hồ sơ đạt tối thiểu 50%; 100 hồ sơ thủ tục hành chính đã giải quyết thành công được số hóa, lưu trữ và có giá trị tái sử dụng;

Giảm thiểu bình quân toàn tỉnh 10% số lượng đơn vị sự nghiệp công lập; giảm 5% biên chế công chức và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021. Mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt tối thiểu 90%. Mức độ hài lòng của người dân về cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục công lập đạt tối thiểu 85%;

Xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có cơ cấu hợp lý, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định;

Chỉ số CCHC của tỉnh đạt thứ hạng từ 40 trở lên; chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức về sự phục vụ hành chính của các cơ quan nhà nước đạt từ 90% trở lên; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nằm trong nhóm trung bình; chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh nằm trong nhóm trung bình cao.

Để đạt được những mục tiêu trên, Nghị quyết đã đưa ra 06 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, bao gồm:

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác CCHC;

Lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nội dung CCHC;

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về CCHC;

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát;

Cải thiện và nâng cao các chỉ số của tỉnh.

Nghị quyết yêu cầu các cấp ủy, các tổ chức đảng quán triệt sâu rộng đến chi bộ, phổ biến rộng rãi đến Nhân dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông và chỉ đạo xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện Nghị quyết; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt việc tuyên truyền, giám sát; Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết bằng Kế hoạch cụ thể; phối hợp với các ban đảng của Tỉnh ủy và Văn phòng Tỉnh ủy thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện Nghị quyết.

 

Nguyễn Thị Hiến