Gắn kết liên ngành phát triển Tây Nguyên bền vững
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ tư, 09 Tháng bẩy 2014 14:29
Khả năng ứng dụng và chuyển giao lớn Theo nhận định của nhiều chuyên gia, Chương trình đã phản ánh một cách bao trùm và sâu sát thực tế về tài nguyên thiên nhiên, về dân tộc, tôn giáo, văn hóa, kinh tế, xã hội của Tây Nguyên. Tổng hợp các báo cáo tại Hội nghị sơ kết giữa kỳ của Chương trình Tây Nguyên 3 diễn ra mới đây cho thấy: Dù mới đi được hai phần ba quãng đường nhưng các đề tài nghiên cứu khoa học của Chương trình Tây Nguyên 3 đã khẳng định được tính ứng dụng và khả năng chuyển giao trên thực tế. 25 báo cáo trong tổng số hơn 60 báo cáo tham luận đã được trình bày tại Hội nghị tập trung vào các lĩnh vực: Tài nguyên thiên nhiên, môi trường và phòng tránh thiên tai; kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng; lựa chọn công nghệ thích hợp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội... Ðáng chú ý, bước đầu một số kết quả khoa học và công nghệ có tính liên ngành như công nghệ sinh học, công nghệ vũ trụ, công nghệ thông tin, khai thác khoáng sản, quản lý tài nguyên và môi trường... được chuyển giao vào thực tế sản xuất và đời sống của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên. Điển hình một số Đề tài như: "Nghiên cứu đánh giá khả năng ứng dụng tổng hợp một số khoáng sản quan trọng và vị thế của chúng trong phát triển kinh tế xã hội đảm bảo an ninh quốc phòng vùng Tây Nguyên". Đề tài đã thực hiện rà soát, bổ sung và chính xác hoá hiện trạng nguồn tài nguyên khoáng sản của 5 tỉnh Tây Nguyên; Thống kê được trên 865 điểm quặng và khoáng hoá từ vàng, đá quý đến bauxit, sắt, đồng, bentonite, phóng xạ, đất hiếm. Một đề xuất đáng chú ý là vấn đề thu hồi khoáng sản sắt laterit ở Tây Nguyên trong khai thác bauxit. Đề xuất này đã được một nhiệm vụ "Nghiên cứu công nghệ sản xuất thép và vật liệu xây dựng không nung từ nguồn thải bùn đỏ trong quá trình sản xuất Alumin tại Tây Nguyên" thực hiện có kết quả và đăng ký sở hữu trí tuệ đang được hoàn thiện chuyển giao và được doanh nghiệp ủng hộ. Hay đề tài Thử nghiệm thành công ở quy mô công nghiệp “Quy trình công nghệ sản xuất tinh quặng sắt (để sản xuất sắt xốp và thép) từ nguồn thải bùn đỏ trong quá trình sản xuất Alumin ở Tây Nguyên. Tinh quặng sắt có hàm lượng T-Fe 62% sau khi tuyển từ là nguyên liệu sản xuất gang hoặc sắt xốp (có hàm lượng T-Fe 90%). Mẫu phôi thép được luyện từ sắt xốp đạt tiêu chuẩn Nhật Bản theo mác thép SD 390” (đề tài TN3/T29 do TS. Vũ Đức Lợi, Viện Hóa học làm chủ nhiệm). Kết quả nghiên cứu đã mở ra triển vọng thực tế sử dụng tổng hợp tài nguyên và xử lý có hiệu quả vấn đề môi trường khi thực hiện chủ trương khai thác, chế biến bauxite ở nước ta; đã đăng ký bằng phát minh sáng chế, hoàn thành chỉ đạo của Thủ tướng CP và đã ký kết chuyển giao cho tập đoàn Thép Thái Hưng. Gs Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam cho biết, để bám sát thực tiễn Tây Nguyên, thời gian qua đã có hơn 600 nhà khoa học chủ nhiệm đề tài và chủ trì đề tài nhánh, hơn 2.000 cán bộ khoa học tiến hành điều tra khảo sát, nghiên cứu về Tây Nguyên. Bằng các phương pháp hiện đại và được thực hiện tại các phòng thí nghiệm tiên tiến trong và ngoài nước, nhiều đề tài đã có những phát hiện mới như tìm ra các loài sinh vật mới, hoạt chất mới có khả năng dược lý và tri thức bản địa đặc thù. Cơ sở dữ liệu về khoáng sản, đất, nước, rừng, tai biến thiên nhiên đã và đang được xây dựng bằng các công nghệ hiện đại, viễn thám. Theo số liệu thống kê của Chương trình, số công trình công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành quốc gia và quốc tế đều đạt trên 50% so với đăng ký. Nhiều kết quả nghiên cứu về công nghệ đã đăng ký sở hữu trí tuệ (bằng phát minh sáng chế và giải pháp hữu ích). Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: Trần Hồng) Nghiên cứu từ nhu cầu thực tế Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã đánh giá: “Các nhà khoa học Việt Nam tham gia Chương trình Tây Nguyên 3 đã hoàn thành bước đầu nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, được Đảng và Nhà nước giao là cùng với chính quyền và nhân dân các tỉnh Tây Nguyên xây dựng được cơ sở khoa học và cơ sở dữ liệu để phục vụ phát triển bền vững Tây Nguyên, một địa bàn chiến lược và đặc biệt quan trọng của quốc gia”. Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, đối với mọi đề tài khoa học, nếu không bám sát vào nhu cầu thực tế của địa phương thì khả năng ứng dụng và hiệu quả của đề tài sẽ rất thấp. Đó cũng chính là điều kiện cần để làm nên thành công của các chương trình KH&CN phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội ở địa phương trong đó có Chương trình Tây Nguyên 3. Mặc dù đạt được những kết quả khả quan, tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, các đề tài ứng dụng công nghệ vẫn còn thiếu sót đó là lãng quên mảng an toàn cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Bởi hiện nay, dịch bệnh đối với cây cà phê và nhiều loại cây trồng khác ở Tây Nguyên đang là vấn đề rất bức thiết đòi hỏi phải có sự vào cuộc của các nhà khoa học. Bên cạnh đó, cơ chế chuyển giao duy trì và phát triển công nghệ phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh hiện nay còn nhiều vướng mắc, cần sớm có một chính sách đặc thù cho Tây Nguyên trong chuyển giao công nghệ, khuyến khích xây dựng Doanh nghiệp KH&CN. Chương trình cũng cần sự liên kết hợp tác của các nhà khoa học công nghệ tạo thành những hệ thống đồng bộ đặc thù cho Tây Nguyên nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Trên cơ sở những thành công bước đầu, trong giai đoạn cuối của Chương trình, Ban chủ nhiệm sẽ đẩy mạnh chỉ đạo các đề tài hoạt động theo hướng phối hợp, tập trung, hội thảo tọa đàm liên ngành trước khi nghiệm thu, nhằm hoàn thiện những kết quả nghiên cứu riêng lẻ, gia tăng giá trị tổng hợp và tạo tiền đề chuyển giao các kết quả vào thực tiễn Tây Nguyên theo một hệ thống đồng bộ đặc thù.
Nguồn: http://www.truyenthongkhoahoc.vn/ |
Tin mới
- Phê duyệt Chương trình chuyển giao công nghệ nước ngoài đến 2020 - 10/07/2014 08:22
- Ứng dụng KH&CN trong sản xuất và tiêu thụ vải thiều - 10/07/2014 08:15
- Nhiều ứng dụng KH&CN thành công trong phát triển nông lâm ngư nghiệp - 09/07/2014 14:50
- Từ 1/7 đội mũ bảo hiểm không đủ 3 bộ phận sẽ bị phạt - 09/07/2014 14:37
- Phạt tới 1 tỷ đồng vi phạm trong lĩnh vực X-quang y tế - 09/07/2014 14:36
Các tin khác
- Tập huấn Lãnh đạo các Sở KH&CN - 09/07/2014 14:26
- Khai mạc Hội nghị giao ban khoa học và công nghệ các tỉnh trung du miền núi phía Bắc lần thứ XV - 08/07/2014 09:28
- Bộ trưởng Nguyễn Quân tiếp Đại sứ Pakistan tại Việt Nam - 08/07/2014 09:24
- Hội nghị sơ kết công tác thi đua khen thưởng 6 tháng đầu năm và kế hoạch 6 tháng cuối năm 2014 của Khối Tổng cục, Cục, Ban và Quỹ - 08/07/2014 09:20
- Việt Nam đăng cai cuộc họp lần thứ 44 Nhóm Công tác về Hợp tác Sở hữu trí tuệ các nước ASEAN - 08/07/2014 09:18