So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Thu07042024

Hội thảo “Công tác truyền thông khoa học và công nghệ năm 2015 - Nội dung và kế hoạch tuyên truyền phát triển điện hạt nhân”

Đánh giá:  / 0
DởHay 
Thực hiện kế hoạch công tác năm 2015 và triển khai Đề án thông tin, tuyên truyền về điện hạt nhân, từ ngày 12-13/3/2015 tại Lạng Sơn, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Cục Năng lượng nguyên tử tổ chức Hội thảo “Công tác truyền thông KH&CN năm 2015 - Nội dung và kế hoạch tuyên truyền phát triển điện hạt nhân”.

Hội thảo nhằm định hướng công tác truyền thông KH&CN năm 2015 cũng như hoạt động truyền thông về phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. 

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Toàn- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN đã trình bày Chương trình và kế hoạch truyền thông KH&CN năm 2015. Theo ông Nguyễn Xuân Toàn, phát triển KH&CN thực sự là yêu cầu cấp bách trong giai đoạn hiện nay, nội dung truyền thông cần đa dạng trên mọi hoạt động của ngành KH&CN, như cơ chế chính sách phát triển KH&CN; các thành tựu nổi bật, tôn vinh điển hình tiêu biểu trong nghiên cứu khoa học,… Thông qua hoạt động truyền thông KH&CN phong phú để công chúng thấy được KH&CN có ý nghĩa đối với đời sống kinh tế xã hội.

Thông tin, tuyên truyền phát triển điện hạt nhân là nhiệm vụ quan trọng, nhằm tạo ra nhận thức, hiểu biết đầy đủ, đúng đắn của các tầng lớp xã hội và tổ chức liên quan về tính chất, đặc điểm, sự cần thiết và lợi ích của điện hạt nhân trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Thông tin tuyên truyền về điện hạt nhân góp phần duy trì, nâng cao sự đồng thuận của công chúng cho việc triển khai thực hiện thành công Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, cũng như cho sự phát triển điện hạt nhân bền vững... Do vậy, Hội thảo là cơ hội để phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí được học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực thông tin, tuyên truyền điện hạt nhân, góp phần thúc đẩy hoạt động thông tin, tuyên truyền điện hạt nhân ngày càng đạt hiệu quả cao. 

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề như: tình hình phát triển điện hạt nhân trên thế giới – những khó khăn, thách thức và công tác chuẩn bị cho phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam; tình hình triển khai Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; quản lý nhà nước về anh toàn bức xạ và hạt nhân; vai trò của điện hạt nhân trong đảm bảo an ninh năng lượng ở Việt Nam.

Ông Lê Doãn Phác, chuyên viên cao cấp của Bộ KH&CN cho biết, với các quốc gia bắt đầu chương trình điện hạt nhân có cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn thấp như Việt Nam, việc thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trung bình mất khoảng 15 năm.

Việt Nam gặp phải nhiều khó khăn, thách thức như thiếu nhân lực, vốn đầu tư, cơ sở hạ tầng cần thiết cho phát triển điện hạt nhân của Việt Nam còn đang ở mức độ thấp... Vì vậy công tác chuẩn bị phải tiến hành trong một thời gian dài, đòi hỏi quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của công chúng. Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là dự án điện hạt nhân đầu tiên của Việt nam cần phải thực hiện chặt chẽ, việc chuẩn bị đầu tư và đầu tư phát triển các dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 phải bảo đảm an toàn, an ninh cao nhất, thực hiện đúng quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về đầu tư xây dựng và phù hợp tài liệu hướng dẫn của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và phải có hiệu quả kinh tế.

“Việt Nam đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết và sẽ chỉ quyết định khởi công xây dựng các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận sau khi cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực được chuẩn bị đầy đủ theo hướng dẫn của IAEA và kinh nghiệm quốc tế”, ông Lê Doãn Phác cho hay. 

Theo ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, phát triển điện hạt nhân để đảm bảo an ninh năng lượng. Không thể phụ thuộc quá nhiều vào một nguồn năng lượng. Các nhà quản lý luôn phải tính đến phương án rủi ro khi một loại năng lượng nào đó ngừng hoạt động, phải có một loại năng lượng khác thay thế.

Ông Phan Minh Tuấn, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cho biết, hiện nay hệ thống điện Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nhiệt điện và thủy điện. Trong khi các nguồn điện khác phát triển chậm, dân số ngày càng tăng, nhu cầu dùng điện tăng lên, nhiệt điện vẫn sẽ là chủ đạo. Một số phương án sản xuất điện sẽ được ưu tiên là điện hạt nhân và thủy điện tích năng.

Ông Đoàn Thế Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Nhiệt điện và Điện hạt nhân, Tổng Cục Năng lượng cho biết, điện hạt nhân có nhiều điểm ưu việt so với các dạng năng lượng khác, góp phần đảm bảo ổn định và tăng cường an ninh năng lượng của Việt Nam cho các giai đoạn phát triển trong tương lai. Tuy nhiên nó đòi hỏi rất cao để đảm bảo được các điều kiện về an toàn. Phát triển nguồn nhân lực điện hạt nhân là yếu tố quan trọng và then chốt.

Tại Hội thảo, đại diện một số bộ, ban, ngành, chuyên gia, nhà khoa học đã có những ý kiến, thảo luận xoay quanh những khó khăn, thách thức và công tác chuẩn bị cho phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam.

Dưới đây là một số hình ảnh tại Hội thảo :
 
 
Toàn cảnh Hội thảo
 
 
Ông Nguyễn Xuân Toàn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển Truyền thông KH&CN phát biểu tại Hội thảo.
 
 
Ông Trần Quang Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển Truyền thông KH&CN  phát biểu khai mạc Hội thảo
 
 
Bà Nguyễn Thị Hà, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại Hội thảo
 
 
Ông Lê Doãn Phác – Chuyên viên cao cấp Bộ KH&CN, nguyên Phó Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử phát biểu tại Hội thảo
 
 
Ông Phan Minh Tuấn, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận báo cáo tham luận
 
 
Ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An tòan bức xạ và hạt nhân trình bày tham luận
 
 
Ông Đoàn Thế Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Nhiệt điện và Điện hạt nhân, Tổng Cục Năng lượng trình bày tham luận.
 
Nguồn : Most