So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Mon05062024

Vai trò của truyền thông trong phát triển khoa học và công nghệ khu vực phía Nam

Đánh giá:  / 0
DởHay 

    Ngày 06/11/2015, tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã diễn ra Hội thảo vai trò của truyền thông trong phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) khu vực phía Nam.

    Tham dự Hội thảo có TS. Nguyễn Xuân Toàn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông KH&CN; TS. Bùi Văn Quyền, nguyên Cục trưởng Cục Công tác phía Nam và hàng trăm các đại biểu đến từ các trường đại học, các Sở KH&CN các tỉnh, các cơ quan thông tấn báo chí khu vực phía Nam.

TS. Nguyễn Xuân Toàn phát biểu tại Hội thảo

    Báo cáo tại Hội thảo, TS. Nguyễn Xuân Toàn cho biết, trong năm 2015, Bộ KH&CN nói riêng cũng như ngành KH&CN nói chung đã có nhiều hoạt động lớn để lại dấu ấn rõ nét. Nổi bật nhất là một số sự kiện: Thủ tướng gặp mặt các nhà khoa học không chuyên; Thủ tướng gặp mặt các nhà khoa học trẻ; Đại hội Đảng Bộ KH&CN; Techmart 2015,… Các sự kiện này đã được các hãng truyền thông tạo hiệu ứng rộng rãi từ trung ương đến địa phương.

    Cũng trong thời gian qua, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức định kỳ phổ biến định hướng truyền thông của Bộ KH&CN tới các đầu mối truyền thông ở địa phương; cử cán bộ đầu mối truyền thông tại Bộ với các địa phương; xây dựng và tổ chức khai thác hạ tầng truyền thông KH&CN; trao đổi về nghiệp vụ, kỹ năng, phối hợp nghiên cứu truyền thông KH&CN; tham gia tổ chức, thực hiện tin bài về các sự kiện, hoạt động quan trọng về KH&CN tại các vùng, địa phương; làm đầu mối đăng tin bài của các địa phương trên báo chí trung ương, Cổng thông tin của Bộ KH&CN, báo chí của Bộ và tổ chức Giải thưởng báo chí về KH&CN.

    Các đại biểu cho rằng, thực tiễn cho thấy báo chí có vai trò tiên phong, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tuyên truyền, thông tin định hướng về KH&CN. Báo chí có vai trò đi đầu và chủ lực trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về KH&CN. Đó là việc đăng tải phổ biến, định hướng kịp thời các văn bản chủ trương, chính sách về KH&CN, phát hiện, cổ vũ lan tỏa những điển hình, nhân tố mới có cách làm sáng tạo trong hoạt động KH&CN. Báo chí cũng mang vai trò phản ánh, giới thiệu, phổ biến, nhân rộng các họat động KH&CN trên cả nước. 

    Tuy nhiên, nhiều đại biểu tham dự hội thảo cũng cho rằng công tác này còn một số bất cập, đặc biệt là ở các địa phương. Nhà báo Phạm Quốc Toàn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhận định, Báo chí về KH&CN còn mỏng về lực lượng, sức tác động xã hội chưa rộng và chưa đủ mạnh. Chất lượng thông tin về KH&CN trên báo chí chưa cao. Nội dung thông tin KH&CN chưa phản ánh kịp thời hoạt động KH&CN của đất nước, còn nhiều thông tin sai hoặc thiếu chính xác về KH&CN. Hình thức thông tin KH&CN trên một số tờ báo chưa phù hợp, chưa sinh động, chưa đạt hiệu quả, tính chuyên nghiệp chưa cao.

Hội thảo thu hút hàng trăm đại biểu đến từ nhiều đơn vị tại khu vực phía Nam

    TS. Bùi Văn Quyền cũng cho rằng, hiện nay hoạt động truyền thông KH&CN của viện, trường nhìn chung đang ở mức rất thấp kể cả số lượng thông tin, lực lượng thực hiện và đầu tư kinh phí. Viện, trường chưa thực sự coi đây là kênh thông tin giới thiệu và quảng bá cho đơn vị mình cả trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Viện, trường đang trong tình trạng có sản phẩm, kể cả sản phẩm hữu hình và vô hình, nhưng chưa biết cách giới thiệu rộng rãi; chưa biết làm thế nào để nắm bắt nhu cầu thị trường đối với loại tài sản trí tuệ có giá trị cao của mình. Qua số liệu của một số trường đại học, chúng ta cũng cần phải nhìn nhận về chủ trương khuyến khích gửi bài đăng ở tạp chí KH&CN quốc tế đã gián tiếp làm giảm hoạt động truyền thông nội địa. Đồng thời, khi khuyến khích “thông tin hàn lâm” đã vô tình làm giảm lượng thông tin đến với công chúng.

    Để nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền về KH&CN, các đại biểu cho rằng cần chú ý đến một số giải pháp chính như nhà nước có chính sách trợ giá, hỗ trợ quảng bá, giới thiệu rộng rãi các cơ quan báo chí và tạp chí về KH&CN, vì báo chí lĩnh vực này thường rất khó phát hành, khó cân đối thu - chi. Hỗ trợ một cách hiệu quả việc đưa báo và tạp chí về lĩnh vực KH&CN đến các đối tượng bạn đọc cần thiết. Tăng cường truyền thông KH&CN qua các phương tiện thông tin đại chúng để thông tin đến được vùng sâu, vùng xa và biển đảo.

    Đối với Bộ KH&CN, các sở KH&CN, các đơn vị chuyên môn trực thuộc Bộ KH&CN đẩy mạnh cung cấp thông tin về các hoạt động thường xuyên, những kế hoạch, chiến lược phát triển, tăng cường hoạt động đối thoại với báo chí./.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN