So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Wed07032024

Một số kết quả bước đầu thu được từ các mô hình canh tác ứng dụng thuốc trừ sâu thảo mộc Anisaf SH – 01, chế phẩm vi sinh xử lý phế thải đồng ruộng Vixura và các chế phẩm vi sinh đa chức năng

Đánh giá:  / 0
DởHay 

Hướng tới mục tiêu chung vì một nền nông nghiệp an toàn, các nhà khoa học của Trung tâm Phát triển Công nghệ cao, Viện Hàn lâm KHCNVN đã triển khai đề tài TN3/C01 “Nghiên cứu phát triển và ứng dụng một số chế phẩm có nguồn gốc sinh học trong canh tác chè, cà phê, hồ tiêu theo hướng phát triển bền vững tại Tây Nguyên” (từ tháng 10/2011-9/2014). Trọng tâm của đề tài là thí điểm và chuyển giao Quy trình kỹ thuật ứng dụng thuốc trừ sâu thảo mộc Anisaf SH-01, chế phẩm vi sinh xử lý phế thải đồng ruộng Vixura (do Viện Công nghệ sinh học chế tạo) và một số chế phẩm vi sinh đa chức năng trong canh tác chè, cà phê, hồ tiêu tại Tây Nguyên.

Từ cuối năm 2012 các sản phẩm trên đã được đưa vào thí điểm ứng dụng tổng hợp trong canh tác chè, cà phê, hồ tiêu tại Tây Nguyên (với quy mô 5ha cho mỗi loại cây trồng). Tính đến nay các mô hình thử nghiệm đã cho thấy một số kết quả bước đầu rất khả quan.

Mô hình canh tác cà phê tại thôn Cao Thành, xã EaKao, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk: Các kết quả theo dõi về sâu bệnh cho thấy mô hình thí nghiệm không bị bệnh nấm hồng, rỉ sắt, rệp sáp, vàng lá, sâu ăn lá; lá xanh và dày hơn mô hình đối chứng. Theo dõi sinh trưởng và phát triển của cây cà phê, nhận thấy ở mô hình thí nghiệm có số cặp lá mới mọc ra, sự phát triển chiều dài cành, và tỷ lệ đậu quả, số đốt mang quả/cành, số quả/3 đốt gần thân cao hơn mô hình đối chứng. Cụ thể kết quả thu hoạch tính đến tháng 11/2013, ở mô hình thí nghiệm đạt năng suất 3,2 tấn nhân/ha, trong khi mô hình đối chứng chỉ đạt 2,5-2,8 tấn nhân/ha.

Mô hình canh tác hồ tiêu tại Thị trấn Nhơn Hòa, huyện ChưPưh, tỉnh Gia Lai: Ở mô hình thí nghiệm sâu bệnh giảm hẳn so với mô hình đối chứng (hiện tại không bị bệnh tuyến trùng, vàng lá, rệp sáp, sâu ăn lá…); cây Hồ tiêu có màu sắc xanh hơn, lá bóng hơn và tỷ lệ tăng chiều dài chùm hoa cao hơn so với mô hình đối chứng.

Mô hình canh tác chè tại Công ty chè Minh Rồng, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng: Kết quả thu được ở mô hình thí nghiệm không còn sâu cuốn lá, không bị các bệnh do nấm như thối búp, đốm xám, đốm nâu; các bệnh do sâu hại chè khác như bọ cánh tơ, nhện đỏ, bọ xít muỗi giảm hẳn so với mô hình đối chứng và so với mọi năm. Hơn nữa, cây ở mô hình thí nghiệm có tốc độ sinh trưởng tốt hơn; lá xanh và bóng hơn; búp mập, dài, đồng đều và phát triển nhanh hơn so với mô hình đối chứng. Có những tháng, năng suất ở mô hình thí nghiệm tăng gấp 2-2,5 lần mô hình đối chứng.

Ngoài những mô hình thí điểm đã và đang triển khai tại Tây Nguyên như trên, ở một số đề tài khác nhóm nghiên cứu cũng đã thành công trong việc ứng dụng các chế phẩm vi sinh trong canh tác chè Thái Nguyên, Tuyên Quang, vải thiều Bắc Giang, rau sạch tại Thái Bình, Hà Nội. Những thử nghiệm thành công này chắc chắn hứa hẹn mang lại nhiều triển vọng ứng dụng đồng bộ các chế phẩm vi sinh trong canh tác nông nghiệp, giảm thiểu việc sử dụng phân bón hóa học; góp phần nâng cao đáng kể năng suất, chất lượng cây trồng trên cơ sơ đảm bảo vệ sinh an toàn nông sản và bảo vệ môi trường sinh thái tại những địa phương đã được thí điểm nói riêng và trong cả nước nói chung.

Nguồn tin: Chương trình Tây Nguyên 3 - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam