So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Fri07052024

Hội thảo khoa học “Đánh giá tiềm năng và nghiên cứu phát triển mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại Đắk Nông”

Đánh giá:  / 0
DởHay 

    Sáng ngày 2/3, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trường Đại học Đà Lat tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá tiềm năng và nghiên cứu phát triển mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại Đắk Nông”. Tham dự hội thảo có gần 30 đại biểu là nhà khoa học; đại diện các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã và các khu bảo tồn thiên nhiên trên địa bàn tỉnh.

Toàn cảnh hội thảo.

   Được chia tách từ năm 2004, Đắk Nông đang từng bước khẳng định vị trí trong ngành du lịch của khu vực Tây Nguyên khi sở hữu nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn nổi bật, có bản sắc đặc biệt, phù hợp để khai thác du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng. Tuy vậy, cho đến nay Đắk Nông vẫn chỉ là một điểm đến được ví như “nàng công chúa ngủ trong rừng” đang chờ những nhà đầu tư, các doanh nghiệp du lịch và khách du lịch đến đánh thức.

   Bằng việc khảo sát thực địa trên địa bàn toàn tỉnh, nhóm đề tài đã chọn được 3 mô hình gồm: Mô hình sinh thái dựa vào cộng đồng khai thác tài nguyên sinh thái đặc thù của địa phương tại Khu du lịch sinh thái văn hóa cụm thác Dray Sáp - Gia Long, mô hình này có mục tiêu phát triển một số sản phẩm du lịch khai thác hệ sinh thái, cảnh quan đặc trưng của tỉnh bao gồm thác, hang động, rừng; Mô hình sinh thái dựa vào cộng đồng tại thác Liêng Nung, xã Đắk Nia - Gia Nghĩa, mô hình này khai thác các giá trị văn hóa truyền thống bản địa của người Mạ gắn với thác Liêng Nung; Mô hình sinh thái dựa vào cộng đồng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng, đây là mô hình du lịch sinh thái khai thác các giá trị sinh thái trong các khu vực được bảo vệ kết hợp với văn hóa bản địa. Kết quả ứng dụng các mô hình cho thấy, về mức độ tham quan các mô hình, Khu du lịch cụm thác Dray Sáp - Gia Long là mô hình đón nhiều khách nhất, du khách đánh giá cao nhất là yếu tố tài nguyên du lịch, với mức điểm trung bình là 4,01/5. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật và dịch vụ lại đạt điểm thấp nhất. Điều này hoàn toàn phù hợp với thực tế phát triển du lịch nói chung của tỉnh và du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng nói riêng. Về thời gian dự định lưu lại tại các khu, điểm du lịch mức 1 - 3 ngày có tỷ ệ cao nhất, bên cạnh đó cũng có đến 16,33% du khách dự kiến lưu lại trên 3 ngày. Đây là tín hiệu đáng mừng, thể hiện Đắk Nông còn nhiều thứ để thu hút và níu chân du khách.

   Trên các cơ sở này, các đại biểu tham gia Hội thảo đều có nhận định chung đây là một lợi thế cạnh tranh của tỉnh Đắk Nông so với các địa phương lân cận, phát triển du lịch sinh thái kết hợp với hoạt động khai thác có quản lý các giá trị tự nhiên và nhân văn sẽ thỏa mãn các nhu cầu đa dạng của khách du lịch, đóng góp cho bảo tồn và tôn tạo tài nguyên đảm bảo công tác bảo vệ môi trường và góp phần nâng cao mức sống của cộng đồng địa phương.

 

N.M