So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Fri07052024

Nghiệm thu đề tài khoa học cấp tỉnh “Ứng dụng công nghệ sinh học nhân giống và sản xuất cây Lan gấm (Anoectochilus roxburghii) tại tỉnh Đắk Nông”

Đánh giá:  / 0
DởHay 

   Chiều ngày 2/3, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học cấp tỉnh “ứng dụng công nghệ sinh học nhân giống và san xuất cây lan gấm (Anoectochilus roxburghii) tại tỉnh Đắk Nông”. Đề tài do Trung tâm thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ chủ trì, ông Dương Châu Diễn làm chủ nhiệm.

   Hội đồng đánh giá, nghiệm thu do ông Hồ Gấm - Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Đắk Nông làm chủ tịch Hội đồng.

Toàn cảnh hội đồng.

   Cây Lan gấm (Anoectochilus roxburghii) còn gọi là Lan kim tuyến, cỏ nhung, kim cương. Thuộc họ Orchidaceace, là loài thảo dược quý hiếm của Việt Nam. Lan gấm là loài địa lan thân bò rồi đứng, thường nhẵn, không phủ lông, màu xanh trắng, đôi khi có màu nâu đỏ, mọng nước, mang 2 - 6 lá mọc cách, cao khoảng 20cm, thân tròn có nhiều nách. Lá trơn hình trứng hay hình ê líp, mặt trên màu xanh đen, mặt dưới của lá màu tím đỏ. Gân lá nhỏ màu vàng kim rất đẹp phân bổ như mạng nhện từ 5 chủ mạch gân chính nên gọi là Kim tuyến liên. Mùa Đông - Xuân cây nở hoa màu trắng, nhụy hoa có lông. Ngoài việc là loài cây làm cảnh được ưa chuộng, theo các tài liệu y học của thế giới, Lan gấm là loài cây thuốc rất đặc biệt có tác dụng tăng cường sức khoẻ, làm khí huyết lưu thông, có tính kháng khuẩn, chữa các bệnh viêm khí quản, viêm gan mãn tính, chữa suy nhược thần kinh.

    Hiện nay, loài lan dược liệu này đang có nguy cơ tuyệt chủng, vì chúng mọc rải rác mà số lượng ở từng nơi lại không nhiều và đang bị khai thác cạn kiệt. Mặt khác, khả năng tái sinh của loài này trong tự nhiên rất thấp, đặc biệt là những nơi môi trường sinh thái bị tàn phá nên cây đã được đưa vào sách đỏ Việt Nam năm 2007 theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP, xếp hạng EN A1a,c,d  và bị cấm khai thác với mục đích thương mại.

   Ở Đắk Nông, Lan gấm được phát hiện phân bố tại khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng, thuộc xã Đắk  P’lao và xã Đắk Som, huyện Đắk G’long.

Cây Lan gấm

   Sau 32 tháng thực hiện (từ tháng 12/2014 - 11/2016), đề tài đã đạt được các mục tiêu đặt ra gồm: Ứng dụng công nghệ sinh học nhân giống cây lan gấm và thuần hóa cây con sau nhân giống In vitro (nhân giống bằng cách nuôi cấy mô, cơ quan hay bộ phận hay tế bào của thực vật trong ống nghiệm có chứa môi trường xác định ở điều kiện vô trùng), tạo cây giống có chất lượng tốt nhằm phục vụ việc bảo tồn nguồn gen, đa dạng hóa cây trồng, đa dang hóa sản phẩm nông nghiệp tại Đắk Nông. Thông qua Đề tài này, Cơ quan chủ trì đã tiếp nhận và làm chủ quy trình công nghệ nuôi nhân giống cây Lan gấm bằng phương pháp nuôi cấy mô do Viện Sinh học Nhiệt đới chuyển giao.

   Sau khi đánh giá về kết quả mà đề tài đã đạt được, Hội đồng khoa học đã thống nhất nghiệm thu với kết quả đạt loại khá. Đồng thời, yêu cầu chủ nhiệm đề tài tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên trong Hội đồng, chỉnh sửa để hoàn thiện kết quả nghiên cứu trước khi phát hành. 

N.M