So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Fri07052024

Nghiệm thu đề tài cấp tỉnh “tri thức bản địa của các tộc người thiểu số tại chỗ ở tỉnh Đắk Nông trong tiến trình phát triển xã hội tộc người”

Đánh giá:  / 0
DởHay 

   Ngày 18/4, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức nghiệm thu cấp tỉnh đề tài Nghiệm thu đề tài cấp tỉnh “tri thức bản địa của các tộc người thiểu số tại chỗ ở tỉnh Đắk Nông trong tiến trình phát triển xã hội tộc người”. Đề tài do trường đại học khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, GS.TS Ngô Văn Lệ chủ nhiệm. Thời gian thực hiện 8/2014-2/2017.

   Hội đồng đánh giá, nghiệm thu do ông Mai Vinh Quang, giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông làm chủ tịch.

Toàn cảnh hội đồng nghiệm thu

   Tây Nguyên hiện nay là một vùng có nhiều thành phần tộc người nhất so với các vùng trong cả nước. Trong đó, Đắk Nông là tỉnh có nhiều thành phần tộc người (bao gồm 40 thành phần tộc người), trong đó có 3 tộc người tại chỗ (M’nông, Ê Đê, Mạ), cư trú lâu đời trên vùng cao nguyên. Dân số của các tộc người tại chỗ chiếm 33% dân số các tộc người thiểu số, chiếm 10,13% dân số toàn tỉnh (Tỉnh Ủy Đắk Nông, 2015). Người M’nông tập trung chủ yếu ở huyện Tuy Đức, người Ê Đê ở huyện Cư Jút, người Mạ ở huyện Đắk Glong.Mỗi tộc người trong quá trình tồn tại và phát triển của mình đều sáng tạo một phức hợp văn hóa phù hợp với trình độ phát triển kinh tế xã hội trong một không gian sinh tồn và ghi đạm những dấu ấn của điều kiện tự nhiên cũng như môi trường xã hội nơi tộc người đó sinh sống. Văn hóa của một tộc người được thể hiện rất đa dạng như văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần, văn hóa xã hội, mà tri thức địa phương (tri thức bản địa) như là một thành tố quan trọng làm nên văn hóa của một tộc người.

   Tri thức bản địa trong hoạt động kinh tế được chú trọng đến các vấn đề như trao đổi sản phẩm, khai thác tự nhiên, bao gồm khai thác tự nhiên rừng; trong hoạt động sản xuất gồm các hình thức như trồng trọt, chăn nuôi và nghề thủ công. Trong sinh hoạt văn hóa- xã hội, tri thức bản địa được nghiên cứu dưới 2 khía cạnh: sinh hoạt văn hóa và đời sống xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, do nhiều nhân tố tác động, đặc biệt là sự ổn định của chính trị, sự phát triển kinh tế, chinh sách phát triển của nhà nước, tính đa dạng tộc người, yếu tố tôn giáo,… đã làm cho tri thức bản địa của các tộc người thiểu số tại chỗ ở Đắk Nông thay đổi.

   Trên cơ sở nhận thức về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, ban chủ nhiệm đề tài đã đưa ra được các giải pháp cho việc bảo tồn và phát huy giá trị tri thức bản địa của các tộc người thiểu số tại chỗ ở Đắk Nông như sau: Trong hoạt động kinh tế, cần tuyên truyền, giám sát người dân để bảo vệ hệ sinh thái môi trường trên vùng cao nguyên M’nông; Về hoạt động sản xuất, cần tạo nên thị trường tiêu thụ và quảng bá cho các sản phẩm thủ công và các sản phẩm nông nghiệp; Ngoài ra, còn cần bảo tồn tri thức văn hóa bản địa trong sinh hoạt văn hóa xã hội, trong tổ chức lễ hội,…

   Sau khi nghe chủ nhiệm đề tài trình bày các kết quả đã đạt được, Hội đồng khoa học thống nhất thông qua và xếp đề tài thuộc loại khá. 

 

NM